Uy lực của những binh đoàn môtô trong Thế chiến thứ II

Chiếc xe môtô lần đầu tiên xuất hiện trong quân đội là một chiếc Harley-Davidson do Trung úy Roy Holtz (Mỹ) điều khiển.
Chiếc xe môtô lần đầu tiên xuất hiện trong quân đội là một chiếc Harley-Davidson do Trung úy Roy Holtz (Mỹ) điều khiển.
Trong hai cuộc Thế chiến, các nước tham chiến đã tận dụng thành tựu phát triển công nghệ để đầu tư sản xuất các trang thiết bị vũ khí, nhằm thay đổi phương thức tác chiến, các phương tiện cơ giới góp mặt trong quân đội cũng không ngừng được cải tiến để trở nên cơ động, linh hoạt trên mọi địa hình.

Đức là nước chuộng môtô nhất, là nước tiên phong trong việc ứng dụng rộng rãi môtô vào các nhiệm vụ chiến trường; tiếp sau là Anh, Mỹ và không thể không kể đến Liên Xô với sư đoàn môtô đặc nhiệm góp mặt trong hầu hết những trận chiến quan trọng.

Môtô Đức thống lĩnh chiến trường phía Tây

Môtô lần đầu xuất hiện trong quân đội vào Thế chiến thứ I năm 1918. Hai loại xe đầu tiên được quân đội sử dụng phổ biến là Indian và Harley-Davidson, hai nhà sản xuất môtô của Mỹ. Khi nước Mỹ tham chiến, Harley đã xuất xưởng 20.000 chiếc xe máy phục vụ chiến tranh.

Đến năm 1920, Harley đạt sản lượng trên 28.000 xe và được bán tại 67 quốc gia trên thế giới. Mặc dù xe Indian được sử dụng nhiều hơn trong quân đội Mỹ nhưng Harley-Davidson mới là thương hiệu để lại dấu ấn sau khi hiệp ước đình chiến được ký kết với hình ảnh trung úy Roy Holtz, người lính Mỹ đầu tiên tiến vào nước Đức trên một chiếc Harley-Davidson. Với những người có niềm đam mê với dòng môtô quân sự, có lẽ cái tên Harley-Davidson đã trở thành một huyền thoại.

Tiếp đến là Anh, vào cuối những năm 1930, đã có đến hàng chục nghìn chiếc Norton WD16H được tung ra nhằm phục vụ quân đội trong Thế chiến thứ II. Đây là một trong những phương tiện chính của quân đội Anh bên cạnh Royal Enfield Flying Flea, James ML và BSA M20.

Lực lượng đặc nhiệm Commandos của Anh ra đời vào tháng 6-1940 theo chỉ thị của Thủ tướng Winston Churchill sử dụng rất nhiều môtô. Ý tưởng xây dựng lực lượng này là của trung tá Clark, phụ tá Tổng tham mưu trưởng quân sự Hoàng gia Anh Gery Dill khi đề xuất sử dụng những phân đội quy mô nhỏ liên tục tập kích vào trận địa quân Đức từ Narvile ở bờ biển phía Tây Na Uy cho đến bờ biển của Pháp nhằm làm tiêu hao lực lượng quân Đức.

Trung tá Clark đã chọn được vài trăm binh sĩ ưu tú, có kinh nghiệm chiến đấu dày dạn, thông minh và dũng cảm để tổ chức họ thành lực lượng chiến đấu kiểu mới tương đối độc lập và chính quy, chuyên thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt. "Lực lượng tập kích" ban đầu của Anh có trang bị phương tiện, vũ khí được xem là hiện đại so với thời đó gồm súng máy hạng nhẹ Thomson, súng tiểu liên, xe môtô dã chiến và xe ôtô hạng nhẹ.

Trong thời gian giữa hai cuộc thế chiến, kỹ thuật môtô quân sự được tiếp tục hoàn thiện ở Anh, Mỹ, Pháp. Đề cao khả năng cơ động như một yếu tố quyết định tới thắng lợi trên chiến trường, Thế chiến II là giai đoạn phát triển rầm rộ của đội quân môtô ở tất cả các nước.

Thế nhưng, vượt trội hơn cả trong lĩnh vực này là nước Đức. Đến năm 1939, trong trang bị của quân đội Đức đã có những chiếc môtô bất khả chiến bại, nổi tiếng nhất là môtô BMW-R71, sau này nó đã trở thành mẫu để quân đội các nước khác làm theo, tiếp sau là các mẫu DKW, Zundapp, trên thùng xe thường đặt khẩu súng cối cá nhân hoặc súng trung liên. 

Một mẫu xe cũng nổi tiếng không kém là SdKfz-2 (tên đầy đủ là Kleines Kettenkraftrad HK 101) của hãng NSU Werke AG. Mẫu xe này là sự kết hợp giữa môtô và xe bánh xích. Với khả năng linh hoạt của môtô, sức kéo mạnh mẽ vượt mọi địa hình của bánh xích, chiếc xe có thể hoạt động trên địa hình lầy lội hoặc băng tuyết và có thể làm xe kéo máy bay, pháo...

Mỗi sư đoàn thiết giáp Đức đều có một đơn vị lính môtô làm nhiệm vụ dẫn đường, hỗ trợ chiến thuật đánh thọc sâu kết hợp cùng không quân. Sự cơ động của môtô đã mang lại cho quân Đức nhiều lợi thế, giúp chiến thắng dễ dàng trong các cuộc đánh chiếm Ba Lan, Pháp, Bỉ… Riêng trên chiến trường phía Đông, mỗi sư đoàn bộ binh Đức có tối đa 452 môtô, được giao nhiều chức năng hơn như trinh sát, liên lạc, sửa chữa kỹ thuật, hậu cần, chống tăng…

Uy lực của những binh đoàn môtô trong Thế chiến thứ II ảnh 1

Một chiếc BMW-R71 của quân Đức.

Trong thời kỳ đầu chiến tranh, xe môtô Đức vượt trội hơn hẳn các quốc gia khác về công nghệ và năng lực vận hành. Chỉ trong giai đoạn sau, khi các hoạt động quân sự được tiến hành trên những vùng đất rộng lớn của Liên Xô, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và địa hình lầy lội thì phương tiện tác chiến này gần như không phát huy hiệu quả.

Các binh chủng hợp thành không thể tiến quân cùng tốc độ, do đó giảm hiệu quả chiến đấu. Cùng thời gian này, phía Liên Xô cũng phát triển đội quân môtô đặc nhiệm để chặt đứt những cuộc hành quân của Đức Quốc xã.

Những bước đi thận trọng của "Người đi sau"

Môtô trong quân đội Liên Xô phát triển muộn hơn. Trước yêu cầu về tăng khả năng cơ động trong Thế chiến thứ II, Liên Xô đã có chủ trương thành lập đội quân môtô hạng nặng chuyên dụng vào cuối năm 1930. Khó khăn đầu tiên cần phải giải quyết đó là nền công nghiệp Liên Xô lúc này không thực sự mạnh,  ngành chế tạo môtô không được quan tâm nhiều như ngành ôtô.

Uy lực của những binh đoàn môtô trong Thế chiến thứ II ảnh 2

Những chiếc M72 của Liên Xô trong Thế chiến thứ II.

Môtô được xuất xưởng rải rác từ những cơ sở ở Ijevsk, Taganrora, ở ngoại ô Podolsk và Serpukhov, với tổng số khiêm tốn - chỉ khoảng 6.000 chiếc một năm. Thêm nữa, những chiếc môtô Xôviết thời tiền chiến đôi khi không được bền. Tính chất đó khiến chúng ít phù hợp với công tác quân sự.

Ban lãnh đạo Liên Xô đã nhận ra rằng vấn đề này cần phải được giải quyết gấp rút. Vào cuối năm 1930, Hội đồng Dân ủy Quốc phòng Liên Xô (NKVD) đã có cuộc họp bí mật, liên quan đến việc thành lập đội quân môtô hạng nặng chuyên dụng và quyết định lấy chiếc môtô Đức BMW-R71 làm mẫu.

Để phanh phui những bí quyết kết cấu bên trong của loại xe này, đã có 5 chiếc môtô được mua thông qua Thụy Điển. Các kỹ sư và cán bộ kỹ thuật ưu tú nhất của ngành công nghiệp ôtô Liên Xô đã khẩn trương nghiên cứu chúng một cách kỹ lưỡng. Kết quả là Liên Xô đã có thể chế ra loại xe giống như thế, một vài xí nghiệp được chuẩn bị cho việc sản xuất loại xe môtô mới. Với một người lái và hai người đi cùng, M-72 có trọng tải hơn 1,5 tấn đã ra đời vào năm 1941.

M-72 đạt tốc độ tối đa đến 85 km/giờ và trang bị súng cối cá nhân có thể chuyên chở đại bác hạng nhẹ, làm nhiệm vụ trinh sát, liên lạc, cung cấp vật tư kỹ thuật để sửa chữa. Thật ra xe môtô Liên Xô không phải là bản sao hoàn toàn của xe Đức BMW.

Chẳng hạn, khung và hệ thống treo đàn hồi đã được cải tiến trở nên linh hoạt hơn xe Đức, động cơ bốn kỳ hai xilanh nằm ngang đã được chế tạo mới. Với dung tích công tác 750cc và công suất 22 mã lực, nó được dự trù dùng được loại xăng có chất lượng thấp hơn động cơ của xe Đức, và thêm nữa, chúng ít gây tiếng ồn hơn.

Ngày 29-6-1941, Ủy ban Trung ương Đảng và Sovnarkom (Hội đồng Dân ủy Liên Xô) ban hành một chỉ thị đối với đảng và các tổ chức Xôviết liên quan tới việc phát triển trên khắp đất nước cuộc chiến chống lại quân xâm lược phát xít. Chỉ thị này bao gồm một chương trình tổ chức và tiến hành những hoạt động du kích và bí mật trong vùng bị tạm chiếm. Nhưng sự tổ chức một nhóm đặc biệt của các đơn vị NKVD ưu tiên cho các hoạt động trinh sát và nghi binh trong vùng hậu phương phát xít đã bắt đầu tại Moscow từ ngày 27-6-1941.

Tháng 9-1941, hai lữ đoàn được thành lập từ các thành viên của nhóm. Những lữ đoàn này về sau được tổ chức thành hai trung đoàn và sau đó hợp nhất thành đơn vị Lữ đoàn xạ thủ môtô hóa đặc nhiệm độc lập OMSBON (những chữ cái đầu trong tên tiếng Nga ghép lại thành OMSBON) thuộc NKVD. Lữ đoàn hoạt động trong suốt chiến tranh dưới tên gọi này (ngoại trừ thời gian từ mùa thu năm 1943 tới đầu năm 1944, khi nó được gọi tên là Đơn vị Đặc nhiệm độc lập).

Lữ đoàn thực hiện những nhiệm vụ hỗ trợ phát triển hoạt động du kích quy mô lớn; giúp đỡ các tổ chức đảng hoạt động bí mật; trinh sát toàn diện; phát hiện các kế hoạch của bộ chỉ huy phát xít; giúp đỡ Hồng quân bằng mọi biện pháp trinh sát, nghi binh và tham gia chiến đấu; mở rộng hoạt động phá hoại trong hậu phương phát xít; tiến hành các chiến dịch phản gián và các hoạt động trừng phạt đối với những kẻ hợp tác với bọn Quốc xã hay phản bội Tổ quốc Xôviết.

Một ngày cuối tháng 6-1941, tại sân vận động Dynamo ở Moscow,  Lữ đoàn OMSBON được thành lập với Lữ đoàn trưởng P. M. Bogdanov. Các nhân viên của tổ chức NKVD trung tâm cùng huấn luyện viên và học viên của Trường Trung tâm huấn luyện NKVD và Trường Biên phòng Cao cấp trở thành thành phần nòng cốt của lữ đoàn.

Từ năm 1941-1942, trên 1.500 đảng viên, nhiều người trong số đó là những người từng tham gia Cách mạng tháng Mười và thời nội chiến, đã được các nhân viên tuyển dụng gửi đến lữ đoàn.

Trong tháng 6-1941, Ủy ban Trung ương Đoàn Komsomol thông qua nghị quyết "Về việc động viên các Đoàn viên Komsomol vào lực lượng đặc biệt dưới sự hướng dẫn của NKVD Liên bang Xôviết". Các công nhân của Nhà máy đồng hồ số 1 Moscow, Nhà máy ôtô Moscow và các nhà máy xí nghiệp khác của thủ đô, cùng khoảng 800 đoàn viên Komsomol từ 14 vùng của Liên bang Xôviết cũng gia nhập OMSBON.

Trên 800 vận động viên, được tuyển chọn bởi các hội đồng trung ương của các hội thể thao tình nguyện "Dynamo", "Spartak", "Lokomotiv", và nhiều nơi khác cũng tham gia lữ đoàn.

Trong số họ rất đông là những vận động viên công huân và là những huấn luyện viên, tài năng thể thao, nhà vô địch Liên Xô, vô địch Châu Âu và vô địch thế giới như cặp anh em vận động viên điền kinh S. I. và G. I. Znamenskiy, vận động viên trượt băng A. K. Kapchinskiy, các võ sĩ quyền anh N. F. Korolev S. và S. Shcherbakov, đô vật G. D. Pylnov, vận động viên trượt tuyết L. V. Kulakova, vận động viên bơi thuyền A. M. Dolgushin, các thành viên của đội bóng đá "Dynamo Mynsk", 150 học viên và huấn luyện viên của Học viện Trung tâm Quốc gia Văn hóa Thể chất, cũng như các học viên của các hội Lưu trữ sử học, Chế biến gia công Da thuộc, Địa chất mỏ, Máy công cụ và Y dược Moscow, và Học viện Lịch sử, Triết học và Văn học (MIFLI). Bản lĩnh chính trị vững vàng là điểm nổi bật của các chiến sĩ thuộc "đại đội các triết gia", một nhóm tác chiến được đặt biệt hiệu như vậy do có các chiến sĩ từng tham gia học viện triết học.

Họ là các phụ tá đáng tin cậy của các chỉ huy và chính trị viên ngoài mặt trận và trong việc hoàn thành các nhiệm vụ đặc biệt. Hơn 300 phụ nữ đã trở thành các điệp viên, điện đài viên và y tá trong đơn vị OMSBON, cũng như hàng trăm tình nguyện viên từ nhiều nhóm tị nạn chính trị chống phát xít thuộc nhiều dân tộc: người Tây Ban Nha, Bulgaria, Đức, Áo, Ba Lan, Séc, Serbia, Pháp, Nam Tư và Hungaria, tạo thành tiểu đoàn quốc tế của lữ đoàn xạ thủ môtô.

Chương trình huấn luyện chiến đấu cho các chiến sĩ của Lữ đoàn bao gồm học tập tác xạ nhiều loại vũ khí khác nhau, chiến thuật chiến đấu, đo vẽ địa hình, kỹ năng định hướng, kỹ năng sử dụng chất nổ, kỹ năng giáp lá cà, tự vệ tay không, nhảy dù, liên lạc điện đài, lái ôtô, môtô và sơ cấp cứu. Ưu tiên đặc biệt là kỹ năng tồn tại và chiến đấu trong điều kiện vùng du kích gian khổ cùng khả năng hoạt động độc lập.

Việc rèn luyện thể lực cho chiến sĩ được dành khá nhiều thời gian. Việc huấn luyện chỉ huy cấp thấp, huấn luyện viên chất nổ (đã có 534 chuyên viên huấn luyện chất nổ và 5.255 chuyên viên gây nổ được đào tạo), lính nhảy dù (hơn 3.000 người được huấn luyện kỹ thuật nhảy dù), điện đài viên và chuyên viên đặt mìn được tổ chức chặt chẽ.

Theo Theo An ninh thế giới
MỚI - NÓNG