Vén màn bí mật về công nghệ tác chiến điện tử trong chiến tranh

Trạm chế áp điện tử Krasukha-2 của Nga.
Trạm chế áp điện tử Krasukha-2 của Nga.
Theo các chuyên gia quân sự, không thể tiến hành chiến tranh hiện đại nếu thiếu phương tiện tác chiến điện tử (TCĐT). Dù có ưu thế áp đảo về không quân và vũ khí tấn công chính xác cũng không đảm bảo giành chiến thắng, nếu hệ thống chỉ huy, điều khiển vũ khí bằng các phương tiện điện tử bị TCĐT của đối phương chế áp.

Tổ hợp tác chiến điện tử Khibiny của Nga

Vào cuối năm 2014, nhiều thông tin khẳng định rằng Nga đã chặn bắt được 2 chiếc máy bay không người lái (UAV) MQ-5B Hunter của Mỹ vào tháng 3/2014, khi xảy ra các sự kiện ở Crimea và rằng Nga đã sử dụng tổ hợp TCĐT 1L222 Avtobaza chiếm được hệ thống điều khiển để buộc một chiếc hạ cánh. Theo các nhà phân tích, lực lượng TCĐT Nga còn đảm bảo được bí mật cho chiến dịch ở Crimea.

Các nhân viên tình báo Mỹ thừa nhận thất bại vì chính họ và các vệ tinh quân sự của Mỹ đã không thể phát hiện được sự di chuyển của một lượng lớn các binh sĩ và trang thiết bị quân sự ở Crimea khi đó. Nguyên nhân chính của thất bại này được cho là các phương tiện TCĐT của Nga đã “làm mù” hệ thống theo dõi của Mỹ.

Trường hợp điển hình nhất xảy ra vào ngày 10/4/2014, khi tàu khu trục USS Donald Cook của Mỹ được trang bị các radar tiên tiến nhất và hệ thống điều khiển chiến đấu Aegis mới nhất đi vào Biển Đen. Theo một số chuyên gia, các radar, hệ thống điều khiển chiến đấu và truyền dữ liệu của con tàu này đã không thể sử dụng được, khi chiếc Su-24 của Nga có sử dụng tổ hợp TCĐT Khibiny bay đến gần và lượn vòng quanh nó. Rất có thể, chiếc Su-24 đã thử nghiệm công nghệ TCĐT thế hệ mới trên cơ sở tổ hợp Khibiny.

Cũng có ý kiến nghi ngờ về độ xác thực của các thông tin này. Tuy nhiên, các chuyên gia đều thống nhất cho rằng Nga đang chế tạo các thiết bị vô tuyến mới cho radar và hệ thống TCĐT dựa trên quang tử học nano và rằng trên thế giới đang diễn ra cuộc chạy đua nhằm giành lợi thế trong cuộc chiến tranh vô tuyến điện tử.

Các thiết bị TCĐT trong chiến dịch Bão táp Sa mạc

Khả năng của hệ thống TCĐT được thế giới biết đến khi Mỹ và đồng minh tiến hành chiến dịch Bão táp Sa mạc trong những năm 1990-1991. Lần đầu tiên, 60 trạm mặt đất và 37 máy bay trực thăng TCĐT có khả năng tiến hành hoạt động trinh sát và gây nhiễu ở khoảng cách 150 km đã được sử dụng ở các hướng không kích chính của NATO. 

Một ngày trước cuộc không kích, hệ thống TCĐT của NATO đã tấn công hệ thống thông tin liên lạc của Iraq bằng cách gây nhiễu ồ ạt. Các cuộc không kích được bắt đầu sau khi 2 trạm cảnh báo sớm của lực lượng phòng không Iraq bị chế áp hoàn toàn. Tiếp đến, các phương tiện phát hiện của phòng không Iraq cũng bị vô hiệu hóa toàn bộ. Để gây nhiễu, máy bay F-4G mang tên lửa HARM chống radar có độ chính xác cao, các máy bay chế áp điện tử EF-111 đã được sử dụng.

Đồng thời, các máy bay do thám RC-135, E-8 của Mỹ còn kiểm soát chặt chẽ không phận và phá hủy các máy vô tuyến định vị của Iraq. Các phương tiện phòng không mặt đất và máy bay tiêm kích của Iraq gần như hoàn toàn “bị mù”, rối loạn và trong thời gian ngắn, phần lớn các trạm vô tuyến định vị bị loại khỏi vòng chiến đấu, lực lượng phòng không của Iraq gần như không còn tồn tại. 

Trong thời gian tấn công trên bộ, các thiết bị TCĐT của các đơn vị lục quân Mỹ đã chế áp được các mạng vô tuyến của Iraq. Khi đó, người Mỹ đã lần đầu tiên thử nghiệm hoạt động chế áp khả năng thông tin của đối phương bằng cách sử dụng các phương tiện TCĐT như các trạm phát thanh, truyền hình, các máy tiếp phát...

Trong khi đó, hoạt động quân sự của NATO vào năm 1999 ở Nam Tư cũng được coi là hình mẫu của cuộc chiến tranh có sử dụng công nghệ thế hệ mới. Trong cuộc chiến không tiếp xúc kéo dài gần 3 tháng này, Mỹ đã tích cực sử dụng hệ thống TCĐT để chế áp các phương tiện vô tuyến điện bằng cách gây nhiễu, ngăn chặn. Họ đã sử dụng các máy bay TCĐT EC-130H, EA-6B và máy bay tiêm kích chiến thuật mang tên lửa tự dẫn đến nguồn bức xạ. Ở khu vực Balkan, lần đầu tiên, Mỹ thử nghiệm loại bom tạo xung điện từ mạnh làm tê liệt tất cả các thiết bị điều khiển, do thám và thông tin liên lạc trong một bán kính lớn.

Có thể làm cho UAV trở nên vô dụng

Trong “cuộc chiến 5 ngày” với Gruzia, Nga cũng đã sử dụng lực lượng TCĐT. Các chuyên gia quân sự phương Tây thừa nhận rằng các hoạt động của lực lượng phòng không và thông tin liên lạc giữa các đơn vị bộ binh của Quân đội Gruzia gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí, các đơn vị quân đội Gruzia đã phải sử dụng con người để làm liên lạc bởi các thiết bị TCĐT của Nga đã chế áp được hệ thống thông tin, tiêu diệt các trạm radar của Gruzia và chống được hoạt động tình báo điện tử của các tàu NATO ở Biển Đen. Tuy nhiên, trước đó, hệ thống TCĐT của Gruzia cũng lấn át liên lạc vô tuyến của một số đơn vị và đã gây tổn thất cho không quân Nga, trong đó có chiếc máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3.

Hiện nay, Nga đứng đầu thế giới về chất lượng các thiết bị TCĐT, điều mà chính các chuyên gia phương Tây cũng thừa nhận. Điển hình là trạm chế áp điện tử 1L269 Krasukha-2. Chức năng chính của trạm này là bảo vệ các sở chỉ huy, tập đoàn quân, hệ thống phòng không, công trình công nghiệp, chính trị - hành chính quan trọng chống các thiết bị định vị vô tuyến trên không, vô hiệu hóa hệ thống dạng như máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không (AWACS).

Trạm sẽ phân tích các loại tín hiệu, tác động vào các trạm định vị vô tuyến của đối phương bằng bức xạ nhiễu mạnh trong vòng bán kính 250 km và do vậy, máy bay đối phương bị mất khả năng phát hiện mục tiêu và rơi vào tầm bắn của các loại vũ khí có độ chính xác cao.

Trong tương lai gần, các lực lượng vũ trang Nga sẽ được trang bị tổ hợp TCĐT 1L 267 Moskva-1. Tổ hợp này sẽ quét không phận và, sau khi phát hiện được thiết bị vô tuyến của đối phương, nó truyền dữ liệu thu được cho hệ thống TCĐT của lực lượng phòng không và không quân để vô hiệu hóa mục tiêu. Khác với các radar thông thường, 1L 267 Moskva-1 hoạt động ở chế độ định vị vô tuyến thụ động, nghĩa là nó thu sự bức xạ của mục tiêu mà không bị đối phương phát hiện, có thể thu được bức xạ của các máy bay và tên lửa có cánh, thậm chí cả đạn pháo của đối phương, xác định được chủng loại và mức độ của mối đe dọa ở khoảng cách lên đến 400 km.

Tổ hợp TCĐT Himalaya cải tiến được sản xuất cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Sukhoi T-50. Himalaya là một hệ thống các trạm định vị quang học và vô tuyến định vị chủ động và thụ động được tích hợp vào thân máy bay tạo thành lớp bọc thông minh để bảo vệ máy bay trước các hoạt động TCĐT của đối phương. Nga cũng đang triển khai sản xuất hệ thống tương tự cho các máy bay dân dụng. Hiện nay đã có mẫu - tổ hợp Prezident-S. Tổ hợp này sẽ phát hiện tên lửa, xác định mức độ của mối đe dọa, kích hoạt hệ thống gây nhiễu điện tử thụ động và chủ động.

Vén màn bí mật về công nghệ tác chiến điện tử trong chiến tranh ảnh 1

Tàu khu trục USS DONALD COOK của Mỹ có thể đã bị hệ thống TCĐT mới của Nga chế áp.

Hệ thống chế áp các kênh GPS bằng các thiết bị TCĐT đặc biệt có thể làm cho máy bay không người lái (UAV) trở nên vô dụng. Hiện nay, đã xuất hiện các thiết bị xách tay có khả năng chế áp hiệu quả trong phạm vi khoảng 150 km và làm cho UAV, tên lửa có cánh mất phương hướng. Còn có một phương pháp khác, còn được gọi là các cuộc tấn công giả mạo vào hệ thống định vị của UAV, cũng đang được cải tiến. Bộ thu GPS nhận được các tín hiệu giả, nghĩa là UAV được cấp  tọa độ sai, nhưng các hệ thống của nó lại cho là đúng. 

Có thể, chính nhờ phương pháp này mà vào năm 2011 Iran đã chặn bắt được chiếc UAV RQ-170 Sentinel của Mỹ. Các chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật vô tuyến điện cho rằng tổ hợp 1L 222 Avtobaza mà Nga chuyển giao trước đó đã giúp Iran chặn bắt được chiếc UAV này của Mỹ. 

Tuy nhiên, theo Denis Fedutinov - chuyên gia về UAV, Tổng biên tập cổng thông tin điện tử UAV.ru, còn quá sớm để nói rằng các thiết bị TCĐT hiện nay có thể vô hiệu hóa hoàn toàn các UAV. Denis Fedutinov khẳng định rằng hệ thống liên lạc của một số UAV hiện đại dễ bị tổn thương, các phương tiện TCĐT có thể có tác động nhất định như gây nhiễu hệ thống liên lạc giữa UAV và các trạm điều khiển mặt đất, và ở chừng mực nào đấy, có thể gây nhiễu hệ thống định vị của UAV. Nhưng, không nên phóng đại khả năng đó. 

Để chặn bắt được UAV, cần phải sử dụng một số trạm TCĐT, đồng thời cũng cần có các giao thức truyền lệnh điều khiển UAV ở mức tối thiểu, còn trên thực tế, cần phải có một trạm điều khiển giống với trạm điều khiển gốc của UAV, và “một phi hành đoàn” có các kỹ năng điều khiển UAV cùng loại đó.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự, hệ thống vô tuyến điện tử càng phức tạp, thì việc phá hủy hoạt động của nó càng dễ nhờ sử dụng các phương tiện TCĐT. Dù có ưu thế áp đảo về không quân, vũ khí chính xác và các loại vũ khí tấn công hiện đại khác cũng không thể đảm bảo giành chiến thắng, nếu hệ thống chỉ huy, điều khiển vũ khí hiện đại bằng các phương tiện điện tử bị TCĐT của đối phương chế áp. Hiệu quả tác động của các phương tiện TCĐT có thể so sánh với việc sử dụng các loại vũ khí hiện đại có độ chính xác cao, về một số tiêu chí, thậm chí còn vượt cả loại vũ khí đó. 

Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí thế giới của Nga Igor Korotchenko, mặc dù TCĐT trở thành một phần quan trọng của chiến tranh hiện đại, nhưng không nên tuyệt đối hóa nó. Chiến tranh hiện đại là một cuộc chiến tổng hợp, nơi mà những nỗ lực của tất cả các quân, binh chủng là rất quan trọng. Nhưng, không thể tiến hành chiến tranh hiện đại nếu thiếu các phương tiện TCĐT.

Theo Theo An Ninh Thế Giới Cuối Tháng
MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.