Vì sao Nga dỡ bỏ lệnh cấm bán S-300 cho Iran?

TPO - Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký một sắc lệnh dỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao tên lửa S-300 cho Iran. Nga cho rằng, lệnh  cấm vận này không còn cần thiết nữa. Trong khi đó, Mỹ lại tin rằng việc Nga quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận chứng tỏ các đòn trừng phạt của phương Tây đang dồn Moscow đến đường cùng.
Nga tuyệt vọng vì bị dồn đến đường cùng?
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-300. Ảnh: AP

Hôm 13/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bất ngờ ký một sắc lệnh dỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao tên lửa S-300 cho Iran. Sắc lệnh này có hiệu lực ngay lập tức sau khi được ký. 

Khỏi phải nói Tehran đã vui mừng hoan hỉ như thế nào trước quyết định của Tổng thống Putin trong việc mở đường cho Iran tiếp cận với tên lửa S-300 mà họ luôn khát khao bấy lâu nay. 

Tuy nhiên, Mỹ và đồng minh Israel lại “nhảy dựng” lên về quyết định của Nga. Các nước này bày tỏ lo ngại, việc Nga dỡ bở lệnh cấm bán S-300 cho Iran có thể giúp nước Cộng hòa Hồi giáo thêm bạo gan hơn trong cuộc đối đầu về hạt nhân với phương Tây. 

Phát ngôn viên Nhà Trắng – ông Josh Earnest mới đây đã nhắc lại mối quan ngại của Mỹ về vấn đề trên, nói rằng chính quyền Mỹ đã trực tiếp bày quan điểm của mình với giới chức chính phủ Nga. 

Tuy nhiên, ông Earnest cho rằng, quyết định của Moscow được đưa ra ra là do bị thúc đẩy bởi sự tuyệt vọng về kinh tế chứ không phải là mong muốn khuấy lên sự phiền toái, rắc rối cho phương Tây. 

"Không có gì đáng ngạc nhiên khi Nga có phần tuyệt vọng tìm kiếm một khoản thu nhập”, ông Earnest đã nói như vậy với cánh phóng viên. Ông này còn nói thêm rằng, “quyết định của Moscow thực sự cho thấy Nga sẵn sàng tham gia vào các giao dịch gây tranh cãi và điều đó là dấu hiệu thể hiện nền kinh tế của Nga đã bị làm cho suy yếu như thế nào”. 

Về phần mình, Tổng thống Barack Obama hôm qua (17/4) thừa nhận, ông “ngạc nhiên” vì Nga không dỡ bỏ lệnh cấm bán S-300 cho Iran sớm hơn. 

"Liên quan đến việc bán S-300, tôi xin nói rằng, việc này đáng ra đã được thực hiện từ năm 2009, khi tôi lần đầu tiên có cuộc gặp với Thủ tướng Nga khi đó là ông Vladimir Putin. Họ thực sự đã ngừng thương vụ đó, tạm ngừng chứ không phải là hủy bỏ, theo đề nghị của chúng ta”, ông Obama cho biết tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Italia Matteo Renzi. 

"Và nói thẳng ra là tôi thấy ngạc nhiên khi lệnh cấm đó được duy trì lâu như vậy trong bối cảnh nó không thuộc phạm vi điều chỉnh của những lệnh trừng phạt mà Liên Hợp Quốc đang áp dụng lên Iran”, ông chủ Nhà Trắng thừa nhận. 

"Khi tôi nói tôi không ngạc nhiên là trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đang xấu đi và trong bối cảnh thực tế là nền kinh tế của Nga đang gặp khó khăn và đó là một thương vụ đáng kể”, Tổng thống Mỹ nói thêm. 

Năm 2007, Nga đã ký một hợp đồng bán cho Iran các hệ thống S-300 với trị giá hợp đồng lên tới 800 triệu USD. Phía Iran đã trả trước cho Nga khoản tiền 166,8 triệu USD. Tuy nhiên, hợp đồng này đã bị đóng băng năm 2010 sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết trừng phạt Tehran. 

Nghị quyết trên quy định việc hạn chế cung cấp các loại vũ khí thông thường, bao gồm tên lửa và hệ thống tên lửa tấn công, xe tăng, máy bay trực thăng tấn công, máy bay chiến đấu, tàu chiến cho Iran. 

Ngày 22/9/2010, Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev đã  chính thức ký sắc lệnh ngừng hợp đồng cung cấp S-300 cho Iran. Lý do được ông Medvedev đưa ra là việc Nga cung cấp những tên lửa tinh vi S-300 cho Iran sẽ vi phạm các biện pháp trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt lên nước Cộng hòa Hồi giáo. 

Giờ đây, với sắc lệnh vừa mới được Tổng thống Putin ký, Nga có thể sẽ quay trở lại thực hiện hợp đồng năm 2007 với Iran. Tehran đang hy vọng họ sẽ có được trong tay loại tên lửa phòng không tối tân hàng đầu thế giới S-300 ngay trong năm nay. 

Sức mạnh S-300

S-300 là hệ thống có tính chất phòng thủ và không đe dọa đến an ninh của bất kỳ quốc gia nào trong khu vực.

Hệ thống phòng không S-300, thường được Mỹ và NATO gọi là SA-20, có khả năng tiêu diệt các mục tiêu tên lửa đạn đạo, và được coi là một trong những hệ thống tên lửa chống máy bay mạnh nhất hiện tại với tầm bắn lên đến 150 km.

Vì sao Nga dỡ bỏ lệnh cấm bán S-300 cho Iran? ảnh 2Quy trình hoạt động cơ bản của một hệ thống phòng thủ tên lửa S-300. Đồ họa:BBC

Hệ thống radar của nó có khả năng đồng thời theo dõi lên đến 100 mục tiêu. Thời gian triển khai S-300 là năm phút. Các tên lửa S-300 nằm trong các ống kim loại kín và không cần bảo trì.

Quy trình hoạt động cơ bản của một hệ thống S-300 gồm 4 bước. Đầu tiên, các radar giám sát tầm xa xác định mục tiêu và chuyển tiếp thông tin về các xe chỉ huy để tiến hành đánh giá, phân tích. Sau khi xác nhận mục tiêu, xe chỉ huy truyền lệnh bắn tới radar điều hướng. Khi tiểu đoàn ở vị trí tốt nhất nhận được lệnh bắn này, họ lập tức khai hỏa tên lửa đất đối không. Radar điều hướng giúp dẫn tên lửa tới chính xác mục tiêu cần tiêu diệt.

S-300 có nhiều phiên bản nâng cấp được trang bị những loại tên lửa, radar khác nhau với khả năng chống các phương pháp tấn công điện tử tốt hơn, tầm bắn xa hơn và ứng phó với nhiều tình huống hơn. Hiện có ba biến thể chính gồm: S-300V, S-300P và S-300F. Mỗi biến thể lại chia ra nhiều loại với từng tính năng riêng biệt.

Theo nhận định từ các chiến lược gia quân sự, S-300 là hệ thống tên lửa đất đối không đa năng "bất khả chiến bại" dù chưa một lần tham gia thực chiến. Việc Iran có thể mua lại hệ thống S-300 sẽ là "quân bài thay đổi cuộc chơi đối với tất cả các mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 như F-15, F-16 hay F/A-18", Daily Beast dẫn lời một phi công thuộc đơn vị Thủy quân Lục chiến Mỹ bình luận. "Nó là một con quái vật mà không ai muốn lại gần", ông cho biết thêm.

Tại sao Nga dỡ bỏ lệnh cấm bán S-300 cho Iran? 

Trong khi đó, giải thích về quyết định của Tổng thống Putin, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hồi đầu tuần đã nói rõ rằng, Nga tình nguyện dỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao S-300 cho Iran là vì thấy lệnh này không còn cần thiết khi mà đang có tiến triển đạt được trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng xung quanh chương trình hạt nhân của Iran. 

"Ban đầu, quyết định tạm ngừng thực hiện hợp đồng được thực hiện là để ủng hộ cho nỗ lực của 6 nước trong việc thúc đẩy tiến trình đàm phán hạt nhân. Việc đó là một hành động hoàn toàn tự nguyện bởi các biện pháp trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt lên Iran không cấm các nước bán vũ khí phòng vệ cho nước Cộng hòa Hồi giáo này. Tôi nhấn mạnh, quyết định của Nga được đưa ra dựa trên tinh thần thiện chí nhằm thúc đẩy tiến bộ đạt được trong các cuộc đàm phán”, ông Lavrov cho hay. 

Và năm nay, các cuộc đàm phán hạt nhân đã “đạt được tiến bộ đáng kể”, ông Lavrov nói tiếp. "Tiến trình đàm phán P5+1 đã đạt được tiến bộ trong việc tìm kiếm mục tiêu giải quyết vấn đề hạt nhân Iran. Các khung chính trị cho thỏa thuận cuối cùng đã được đưa ra. Kết quả này nhận được sự đánh giá cao ở khắp nơi trên chính trường quốc tế”, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cho biết. 

Chính vì lý do trên, Nga quyết định hủy bỏ lệnh cấm chuyển giao S-300 cho Iran. 

Ngoài lý do trên, quyết định của Tổng thống Putin được cho là cũng dựa vào thực tế Nga và Iran có mối quan hệ khá tốt đẹp. Chưa kể, Nga đương nhiên là cũng muốn trả đũa phương Tây khi các nước này đang dồn vây, gây sức ép mạnh mẽ lên Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

[CLip] Hệ thống S-300 hoạt động trên thực địa:

Theo Theo vnmedia.vn
MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.