Việt Nam tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình LHQ: Diễn tập bệnh viện dã chiến

Thượng tướng Phạm Ngọc Minh đánh giá cao sự chuẩn bị của bệnh viện dã chiến của Việt Nam. Ảnh: Trần Nguyễn Anh.
Thượng tướng Phạm Ngọc Minh đánh giá cao sự chuẩn bị của bệnh viện dã chiến của Việt Nam. Ảnh: Trần Nguyễn Anh.
TP - Sáng 19/9, tại Sư đoàn 317, Quân khu 7 diễn ra cuộc diễn tập cao điểm trong đợt huấn luyện bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam sẽ triển khai tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại phái bộ Nam Xu - Đăng vào năm 2018. Họ đã sẵn sàng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình trên thế giới, phục vụ người bệnh khi cần.

Hiện đại, tinh nhuệ

Sáng sớm, các đơn vị phối kết hợp và Bệnh viện dã chiến cấp 2 đã triển khai diễn tập trong sự tập trung cao. Đại tá Hoàng Kim Phụng, Giám đốc Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đã diễn tập y như thật tất cả mọi khâu, bao gồm vận chuyển bệnh viện dã chiến từ Việt Nam sang Xu- Đăng, hoạt động tại Xu- Đăng và rút về nước sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Trong luyện tập, chúng tôi thực hiện luyện tập cho từng phòng ban, bộ phận, còn hôm nay cao điểm thì toàn bộ bệnh viện đều đồng thời hoạt động để Bộ Quốc phòng Việt Nam và các lực lượng quốc tế kiểm tra”.

Toàn bộ bệnh viện được lắp ráp bằng vải bạt rất cơ động, xung quanh được che chắn bằng công sự là các vật liệu nhựa. Bên trong, toàn bộ bệnh viện được khép kín, liên thông với nhau, có hệ thống điều hòa chống nóng, có các tủ lạnh bảo quản thuốc men. Khu nhà ở cũng bằng vải bạt chia làm khu dành cho nam và nữ, nằm giường xếp.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, trực tiếp huấn luyện cho bệnh viện tiết lộ: “Bệnh viện dã chiến này rất hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế mà lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đề ra. Nhiều trang thiết bị được nhập khẩu và chưa hề có tại các bệnh viện ở Việt Nam. Mặc dù là dã chiến nhưng bệnh viện hoạt động dựa trên hệ thống máy móc tin học”.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Thượng tướng Phạm Ngọc Minh, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, cho biết: “Nhiều thiết bị được nhập về chất lượng rất tốt. Tuy vậy, chúng ta sẽ còn bổ sung nhiều thiết bị hiện đại hơn nữa, chẳng hạn như việc kết nối internet để điều khiển hoạt động khám chữa bệnh từ xa, đặc biệt là hỗ trợ thông tin, thậm chí hội chẩn từ trong nước tới bệnh viện của chúng ta tại Xu – Đăng”.

Việt Nam đã tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình trong ba năm qua, tuy vậy mới chỉ là các tổ nhóm chuyên gia nhỏ lẻ. Lần đầu tiên, Việt Nam sẽ cử một bệnh viện dã chiến với 70 bác sĩ và chuyên gia y tế tới một điểm nóng trên thế giới để giữ gìn hòa bình. “Việt Nam là dân tộc yêu hòa bình và mong muốn thế giới được hòa bình. Việt Nam sẽ đóng góp nhiều hơn nữa vào việc gìn giữ hòa bình cho các khu vực trên thế giới”, Thượng tướng Phạm Ngọc Minh nói.

Trên thao trường, tham gia đợt huấn luyện có chuẩn tướng Toby Rowland, Trưởng đoàn quân y của Vương quốc Anh, từng chỉ huy bệnh viện dã chiến của Anh tại Nam Xu – Đăng và đại tá quân đội Hoa Kỳ Teresa Frame, người đã tham gia vận hành nhiều trang thiết bị quân y các phái bộ của Liên Hợp Quốc. Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn đánh giá rất cao sự tư vấn và hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia y tế quốc tế vừa mới trở về chính từ khu vực mà lực lượng tham dự gìn giữ hòa bình Việt Nam sẽ tới đảm nhận tại châu Phi.

Việt Nam tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình LHQ: Diễn tập bệnh viện dã chiến ảnh 1 Các nữ quân y của Việt Nam chuẩn bị tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Xu- Đăng.

Tự tin xử lý những ca khó

Phần lớn các y bác sĩ “xuất ngoại” lần này đều còn rất trẻ. Suốt thời gian qua, họ được diễn tập các kịch bản như: Chấn thương hàng loạt do mìn nổ, giập cẳng chân tay, giập nát bàn tay, chấn thương hàm mặt, chấn thương vùng ngực, chữa các loại bệnh dịch tả, bỏng trẻ em, sốt rét, virus Rota...

70 bác sĩ y tá của bệnh viện dã chiến gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc được tuyển mộ từ lực lượng quân y trong toàn quân và nhiều người là bác sĩ của Bệnh viện quân đội 175 tại TPHCM. Họ được đào tạo trong suốt ba năm qua. “Cảm xúc của chúng tôi bây giờ là cảm thấy rất vinh dự được Bộ Quốc phòng lựa chọn đi để thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình. Thời gian qua tất cả chúng tôi đều rất nỗ lực luyện tập, sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu nhất. Chúng tôi được biết ở châu Phi nhiều nơi là điểm nóng, diễn ra xung đột. Song, là người lính quân y, chúng tôi sẵn sàng phục vụ tổ quốc và người bệnh khi cần”, thiếu tá Thành nói.

Đại úy Nam, bác sĩ ngoại khoa phụ trách phòng mổ của bệnh viện dã chiến tự tin nói với phóng viên: “Chúng em có thể phẫu thuật các vết thương chiến tranh ở vùng bụng, ngực và đầu. Điều kiện trang thiết bị của phòng mổ chỉ cho phép xử lý những vết thương nghiêm trọng ở mức độ nhất định, sau đó sẽ chuyển bệnh nhân lên những bệnh viện cao hơn. Song trong điều kiện xung đột, chiến tranh, dịch bệnh, tai nạn… thì việc chữa trị ngay tại nơi xảy ra xung đột, dịch bệnh sẽ giúp cho bệnh nhân rất nhiều cơ hội sống sót”.

Bà  Mary Tarnowka, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM rất khâm phục trước sự chuyên nghiệp của các y bác sĩ Việt Nam tại bệnh viện dã chiến. “Chính phủ, quân đội Hoa Kỳ đã hỗ trợ nhiều trang thiết bị hiện đại cho bệnh viện và chúng tôi đánh giá cao việc Việt Nam tích cực tham gia vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn cho bệnh viện dã chiến này”.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.