Vọng phu thời bình

Ba mẹ con chị Lê Thị Ngân, vợ của đại úy Phạm Văn Bảy. Ảnh: TC
Ba mẹ con chị Lê Thị Ngân, vợ của đại úy Phạm Văn Bảy. Ảnh: TC
TP - Một năm, họ chỉ gặp nhau vỏn vẹn 30 ngày phép. Chưa ấm chỗ lại phải chia xa. Anh theo tàu ra biển xa trấn giữ, em ở nhà gánh vác gia đình. Vẫn hiểu vợ lính thời bình cũng đằng đẵng chờ chồng chẳng khác gì vọng phu thời chiến trận, nhưng đó lại là niềm tự hào đầy kiêu hãnh. 

Chuyện tình

Qua ba khúc quẹo xe máy, trong cuối hẻm sâu hun hút ở số 78 đường Đô Lương, phường 11, Vũng Tàu là tổ ấm của ba mẹ con chị Lê Thị Ngân, vợ của đại úy y sĩ Phạm Văn Bảy. Bế đứa con trai chưa đầy 6 tháng tuổi, chị Ngân đon đả: “Mời các anh vào nhà ạ. Anh Bảy đi biển, nhà có ba mẹ con thôi”. 

“Vợ cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1 đều có một điểm chung là chung thủy, đảm đang gánh vác công việc gia đình, lo dạy con cái học tập đàng hoàng, là điểm tựa vững chắc để chồng yên tâm công tác. Tiểu đoàn luôn làm tốt công tác động viên tư tưởng, thăm hỏi, tặng quà vào những dịp lễ, tết, giúp chị em yên tâm để chồng làm nhiệm vụ”.

Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, chính trị viên Tiểu đoàn DK1

Mời chúng tôi ly nước lọc trong căn phòng bếp còn thơm mùi sơn mới, chị Ngân không kể về những tháng năm chờ đợi chồng đằng đẵng, một mình vò võ nuôi con, mà tự hào kể về mối tình đẹp của cô thiếu nữ xứ Thanh với chàng trai quê lúa Thái Bình. “Em theo chị gái vào Vũng Tàu lập nghiệp rồi quen anh Bảy rất tình cờ trong một lần anh ấy đến quán em mua card điện thoại. Thật ra lúc đó em cũng không biết anh Bảy là bộ đội nhà giàn đâu. Một buổi sáng chủ nhật, tự nhiên anh ấy đến mượn xe đạp nói là đi chơi. Chẳng biết anh là ai, nhưng em đánh liều cho mượn. Anh nói đi một lúc sẽ về, ai ngờ em đợi dài cổ đến chiều chẳng thấy. Mà cái xe đạp Nhật lúc đó của chị gái em. Đúng lúc em nghĩ mình bị lừa thì anh ấy đem xe đạp về. Mãi sau này em mới biết, anh ấy chẳng đi đâu mà mượn xe lấy cớ rồi về trễ để tán tỉnh”. - Có lẽ đó là cái duyên để hai người yêu nhau? Tôi hỏi. Chị Ngân kiêu hãnh: “Còn lâu. Thoạt đầu em chẳng ưng đâu. Mãi sau biết anh là bộ đội nhà giàn em mới chịu”.

Câu chuyện tình yêu giữa cô gái xứ Thanh và người lính nhà giàn trở nên rôm rả thân tình khi chị Ngân biết chúng tôi cũng đã từng công tác ở nhà giàn DK1. Có lẽ vì thế nên chị Ngân kể chuyện tình vô tư, hồn nhiên. Khi biết Bảy là bộ đội nhà giàn DK1, Ngân đã xiêu lòng. Hình ảnh người lính hải quân khiến cô gái thôn quê chân ướt chân ráo vào thành phố nhiều đêm mất ngủ. Nhận lời yêu Bảy, Ngân vừa vui vừa sợ.

Vui vì đã có người để thương để nhớ, sợ vì biển xa sóng gió, thiên tai bất thường điều gì sẽ xảy ra. Trước lúc chia xa, Ngân nhận lời yêu Bảy và hứa hẹn đợi chờ. Cầm tay người yêu, Bảy chỉ nói một câu “Chờ anh nhé, nhất định anh sẽ về”. Tàu hú ba hồi còi rời cảng rồi khuất dần sau sóng biển. Ngân đạp xe về quán trọ trong rối bời bao nỗi chung riêng. 

Vọng phu thời bình ảnh 1

Nhà giàn DK1, nơi có các phu quân đang ngày đêm trấn giữ. Ảnh: TC

Sau hai tháng chia tay kể từ ngày Bảy tạm biệt lên đường ra nhà giàn công tác, Ngân nhận được lá thư của Bảy gửi về chứa chan niềm tâm sự. “Đó là lá thư tình cảm và xúc động nhất. Em không nghĩ anh Bảy lại viết thư xúc động vậy. Anh kể về cuộc sống ở nhà giàn gian khổ, khắc nghiệt bốn bề sóng gió. Lúc đó em đã khóc vì thương anh. Ngày ấy không có điện thoại như bây giờ. Để gửi thư cho anh, em phải căn thời gian tàu thay trực, vào đơn vị nhờ đồng đội gửi đi. Sau này anh Bảy gọi điện về qua Radio Vũng Tàu. Hơn một năm yêu nhau, anh Bảy về chở em đi quanh bờ biển một lần duy nhất. Chính lần đó em đã quyết định yêu và lấy anh làm chồng”, Ngân chia sẻ.

Hỏi về trở ngại khi anh Bảy công tác dài ngày trên biển, chị kể: “Lần sinh con gái đầu lòng anh ấy cũng không về được. Sinh con thứ hai, anh ấy cũng không về. Lúc vượt cạn một mình, không có chồng bên cạnh em thấy tủi thân muốn khóc. Nhưng nghĩ lại, ngoài biển anh cũng đang thầm lặng hy sinh. Con gái em cứ thấy các chú bộ đội hải quân là hỏi bố Bảy. Mấy chị hàng xóm gọi em là vọng phu thời bình. Hai năm anh ấy không về đón tết”.

Bế cu Tý trên tay, chị Ngân nhìn lên tấm ảnh nhà giàn treo trang trọng giữa phòng khách. Có lẽ chị đang nghĩ ở ngàn khơi xa xôi ấy, anh Bảy cũng đang nhớ mẹ con chị.

Nốt lặng 

Gần 15 năm lấy nhau, chị Nguyễn Thị Minh vợ của thiếu tá Lê Hữu Toàn tính thời gian gần chồng gói lại chừng 1 năm. Dẫu vẫn biết thiệt thòi, nhưng chị hiểu, đã là vợ lính nhà giàn thì chấp nhận nuôi con, chờ chồng, làm chủ gia đình là điều hiển nhiên. Chị Minh không nhớ mình bao lần tiễn chồng đi biển, bao lần cô đơn trào nước mắt… 

Hai vợ chồng anh chị đều là quân nhân nên thời gian làm việc siết chặt theo qui định của quân đội. Những ngày anh Toàn ngoài nhà giàn, một mình chị Minh vừa làm cha, làm mẹ, vừa làm chủ nhà. Thức dậy từ 5 giờ sáng, chuẩn bị bữa sáng cho con rồi cho chúng đi học. Trước khi đi làm, cắm sẵn nồi cơm. Chiều về, ba mẹ con quây quần bên mâm cơm của lính. Tối vào cơ quan đi trực.

“Ai chẳng muốn có chồng bên cạnh nhất là dịp lễ, tết, nhưng nếu không có các anh thì ai là người giữ biển, đảo. Vẫn biết thiệt thòi, nhưng em luôn tự hào hãnh diện, vì có chồng làm nhiệm vụ cao cả nơi tuyến đầu Tổ quốc”, chị Minh cứng cỏi. - Tết vừa qua anh Toàn về không? Tôi hỏi. “Đón tết một mình quen rồi. Bốn năm liên tục anh Toàn tết không về. Đêm 30 tết vừa qua, em trực trong đơn vị về đến nhà đã gần sang canh. Anh Toàn gọi điện về, em nghe cả tiếng sóng. Có lúc anh nghẹn lại. Em hiểu, anh đang nhớ vợ con đến thế nào”, chị Minh nói.

Vọng phu thời bình ảnh 2

Chị Nguyễn Thị Minh (ngồi giữa) vợ của thiếu tá Lê Hữu Toàn kể chuyện “Bố vắng nhà” trong buổi giao lưu. Ảnh: TC

Ở hai đầu xa cách, nhưng tình yêu và niềm tin giúp chị Minh phần nào vơi bớt cô đơn và nỗi nhớ chồng miên man khắc khoải. Chị sợ nhất là ngày lễ, tết, hoặc tối thứ bảy. Bao gia đình đầy đủ chồng con chở nhau trên xe máy đi chơi, chị không khỏi chạnh lòng. “Nhìn gia đình họ cho con đi chơi tết, mẹ con mình cảm thấy tủi thân lắm. Con trai cứ hỏi sao bố đi lâu thế. Mình chỉ biết trả lời bố ngoài biển sắp về. Con học giỏi, ngoan, bố về sẽ mua quà cho. Nó lại hỏi, quà gì? Mình bảo lương khô, cá kìm khô. Nó bĩu môi, không, con chỉ muốn bố chở đi chơi tắm biển cơ. Lúc đó mình chỉ muốn khóc”, chị Minh chia sẻ.

Tôi gặp chị Minh dịp 8/3, chị đang chuẩn bị cho những “vọng phu thời bình” có ngày Quốc tế phụ nữ tươm tất. Trong sâu thẳm của người vợ lính nhà giàn, chị Minh gói nỗi cô đơn, niềm mong đợi ngày gặp chồng bằng những vần thơ chứa chan cảm xúc: 

Chẳng bao giờ anh hiểu hết được đâu/Nỗi vất vả của người mẹ vừa làm cha, vừa làm chủ nhà, chủ hội/Của người lính thông tin trực ca sớm tối/ Của những đứa con với bao câu hỏi rối bời…

Niềm đau vô vọng

Khác với niềm mong đợi ngày chồng hoàn thành nhiệm vụ trở về, chị Vương Thị Trâm gạt nước mắt chờ chồng trong niềm thương đau vô vọng. Chồng chị - Liệt sĩ Dương Văn Bắc đã vĩnh hằng trong lòng đất mẹ. “Chừng này năm ngoái, anh Bắc gọi điện về chúc mừng mẹ con em. Anh nói đùa “Anh đi xa đừng nhận hoa của người khác nhé”. Anh còn gửi tin nhắn là bông hồng trong điện thoại tặng em”. Chị Trâm bật khóc. Giọt nước mắt của người vợ trẻ chứa đầy niềm đau.

Nhìn lên di ảnh chồng, cạnh đó có bìa giấy in dòng chữ chữ “DK1 mãi nhớ tên anh” của cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn DK1 kính viếng, thêm một lần nữa, chị Trâm: “Bây giờ anh còn đâu nữa mà gọi tên. Bắc ơi, em vẫn chờ anh và mãi mãi như vậy”. Hai con trai của chị còn nhỏ, nó chưa hiểu được nỗi cô đơn trong lòng mẹ, nhưng cũng đủ nhận biết được cha đã hy sinh. “Ba Bắc đã mất ngoài biển rồi. Tết chẳng có ba dẫn đi chơi, con ở nhà với mẹ, buồn lắm”, cháu Dương Nguyên Khôi, nói.
Sự hy sinh thầm lặng của những vọng phu thời bình là “nốt lặng” đẹp long lanh đầy kiêu hãnh.

MỚI - NÓNG