Vụ tàu chiến Mỹ đâm va: Không loại trừ nguyên nhân bị chơi xấu, phá hoại

Tàu khu trục Mỹ John S. McCain bị móp sau vụ va chạm hôm 21/8 trên vùng biển gần Singapore. Ảnh: Reuters.
Tàu khu trục Mỹ John S. McCain bị móp sau vụ va chạm hôm 21/8 trên vùng biển gần Singapore. Ảnh: Reuters.
TPO - Đại dương rất rộng và công nghệ hàng hải đã rất phát triển, nhưng vẫn còn những yếu tố khiến các tàu đâm va vào nhau như vừa xảy ra giữa một tàu khu trục của Mỹ với tàu chở dầu vừa qua. Giới chuyên gia cho rằng hành vi chơi xấu, phá hoại cũng có thể là nguyên nhân.

Vụ va chạm của tàu Mỹ xảy ra lúc nửa đêm trên vùng biển gần Singapore. Một tàu chở gần 12.000 tấn dầu đâm vào mạn tàu khu trục John S. McCain.

10 thủy thủy tàu McCain vẫn mất tích, cho đến nay hầu như chưa được tìm thấy, còn chiếc tàu khu trục Mỹ đã được đưa về cảng Changi của Singapore. Đây là vụ tai nạn bi thảm và hiếm gặp, nhưng một vụ tương tự mới xảy ra cách đây 2 tháng khi tàu khu trục khác của Mỹ là USS Fitzgerald va chạm với một tàu chở hàng lớn ở ngoài khơi Nhật Bản, khiến 7 thủy thủ thiệt mạng.

Hai tàu khu trục gặp nạn này đều lớn và được trang bị các hệ thống định vị và radar hiện đại. Chúng còn có hệ thống định vị GPS và hệ thống liên lạc qua radio. Vậy vì sao những vụ tai nạn như vậy vẫn xảy ra? Có thể làm gì để ngăn chặn tai nạn tương tự?

“Nếu bạn theo dõi radar và quan sát bên ngoài thì những vụ tai nạn như vậy có thể tránh được”, ông Peter Roberts, giám đốc khoa học quân sự tại Viện các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), giải thích.

Những thông tin chi tiết về vụ va chạm của hai tàu Mỹ chưa được tiết lộ, nhưng trên thực tế đôi khi nhiệm vụ cảnh báo nguy cơ va chạm được phó thác cho các thiết bị thay vì con người.

Ông Roberts cho rằng ông từng đi trên những con tàu thương mại mà thỉnh thoảng chẳng có ai trên boong. “Báo động xuất phát từ radar và họ phụ thuộc vào cảnh báo từ hệ thống”, ông nói. Nhưng chuyên gia này cho rằng hai vụ tai nạn lớn liên quan đến tàu hải quân My vừa qua rất hiếm gặp.

Tất nhiên những tai nạn đó có thể là sự trùng hợp không may. Nhưng một số người nêu câu hỏi rằng liệu nguyên nhân có thể do chơi xấu hay phá hoại? Liệu các hệ thống định vị của tàu có bị tin tặc tấn công để tăng nguy cơ va chạm?

Từng có ít nhất một báo cáo về khả năng hệ thống định vị GPS bị tấn công đã ảnh hưởng đến một con tàu trên Biển Đen gần đây, khiến một số nhà quan sát lo ngại rằng một số nhà nước có thể đang đứng sau nỗ lực tấn công tin tặc để làm chệch hướng tàu.

Đến nay chưa có bằng chứng cho thấy điều đó đã xảy ra trong vụ tai nạn của tàu USS Fitzgerald hay John S McCain mà mới chỉ là những thuyết âm mưu được lan truyền trên mạng. Ông Robert nói rằng chuyện này cũng đáng được tính đến.

Những tàu lớn thỉnh thoảng vẫn gặp tai nạn, dù không phải vụ nào cũng thu hút chú ý. Ví dụ, chỉ ít ngày trước khi tàu McCain gặp nạn, 2 tàu chở hàng va vào nhau ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, và đã có thông tin về thuyền viên thiệt mạng.

Khi những vụ tai nạn như vậy xảy ra, các nhà điều tra thường tìm lỗi của con người, ông Henrik Uth, công tác tại Survey Association, một công ty của Đan Mạch chuyên giám định để ký hợp đồng bảo hiểm tàu, cho biết. Ông Uth nói thêm rằng những cuộc điều tra do công ty ông thực hiện cho thấy trong nhiều trường hợp, các thủy thủ thực sự đã giúp tránh xảy ra những vụ va chạm nguy hiểm.

“Rất dễ đổi lỗi cho chỉ huy tàu khi có vấn đề xảy ra, nhưng chúng tôi có xu hướng quên ghi nhận công lao của những chỉ huy tàu có công cứu con tàu khỏi nguy hiểm tức thì”, ông Uth nói.

Các tàu trên biển không chỉ có nguy cơ gặp nạn vì va chạm. Tàu MV Cheshire của Anh chở hàng ngàn tấn phân bón vừa bốc cháy và trôi dạt trên vùng biển gần quần đảo Canary của Tây Ban Nha. Các thủy thủ trên tàu được vận chuyển bằng máy bay về đất liền.

Các vùng biển ngày càng đông đúc khi số lượng tàu thương mại gia tăng trên toàn cầu. Theo số liệu của chính phủ Anh, có khoảng 58.000 đội tàu thương mại đang hoạt động trên thế giới, tính đến cuối năm 2016.

Theo ông Uth, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều công ty vận tải biển bị giảm lãi cận biên nên họ cũng giảm đầu tư cho thủy thủ. Trên bất kỳ con tàu cỡ lớn nào, một thủy thủ đoàn phải có những người biết các thứ tiếng khác nhau, nhiều quốc tịch khác nhau và hiểu về nhiều loại văn hóa an toàn.

Một điều đáng lo ngại là các thủy thủ hiện đại quá dựa dẫm vào công nghệ, ông Aron Soerensen, giám đốc bộ phận quản lý và công nghệ hàng hải tại Bimco, một trong những hiệp hội vận tải biển quốc tế lớn nhất thế giới, cho biết.

“Thay vì nhìn vào công cụ, bạn phải nhìn ra cửa sổ xem tình hình thực tế như thế nào”, ông Soerensen giải thích.

Ông Soerensen cho biết các tổ chức hàng hải đang cố tìm ra cách giảm nguy cơ va chạm. Một trong những cách như vậy là phân tách luồng tàu. Kế hoạch phân tách luồng tàu đầu tiên được thiết lập ở eo biển Dover năm 1967 và ngày nay đã có khoảng 100 hệ thống như vậy trên thế giới.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.