Xe tăng pháo đôi kỳ lạ của Đức

Mẫu xe tăng 2 pháo chính trưng bày tại một bảo tàng quân sự ở Đức. Ảnh: War History Online
Mẫu xe tăng 2 pháo chính trưng bày tại một bảo tàng quân sự ở Đức. Ảnh: War History Online
Những năm 1970, Đức từng phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực lắp tới 2 pháo chính 105 mm nhưng dự án sớm bị hủy bỏ do đặc tính kỹ thuật kém.

Theo War History Online, những năm 1970, Tây Đức dự định phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực mới. Trước đó, xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1 do nước này chế tạo đã chứng minh là một thiết kế thành công.

Người Đức quyết định lựa chọn lối thiết kế khác nhằm nâng tầm sức mạnh xe tăng Đức lên tiêu chuẩn mới. Giai đoạn 1960-1970, Chiến tranh Lạnh giữa các nước Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên Xô diễn ra rất khốc liệt. Đức và Mỹ đã phát triển nguyên mẫu cho dự án chế tạo xe tăng chung MBT-70.

Dự án MBT-70 sau đó bị hủy bỏ, Đức trưng dụng nguyên mẫu để phát triển xe tăng mới có tên Kampfpanzer 3 (KPz 3), còn gọi là Versuchsträger 1-2, viết tắt là VT-1

Ý tưởng kỳ quặc

Giai đoạn 1960-1970, Liên Xô đã chế tạo thành công một số mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực đáng gờm. Các mẫu xe tăng như T-64, T-72 có thể chịu được pháo chống tăng tự hành cỡ nòng 90 mm của Đức. Do đó, họ cần một vũ khí “kẻ hủy diệt” xe tăng mới để đối phó với xe tăng tiên tiến của Liên Xô.

Để tăng sức mạnh hỏa lực, các kỹ sư trang bị cho xe tới 2 pháo chính. Pháo được gắn cố định vào thân xe cho phép bắn với độ chính xác cao. Các kỹ sư tin rằng, 2 pháo chính cùng khai hỏa có thể diệt mọi xe tăng ngay phát bắn đầu tiên.

Ban đầu Anh hỗ trợ dự án nhưng sau đó rút lui, họ quan tâm tới mẫu xe tăng có tháp pháo quay chứ không phải thiết kế bất thường của VT 1. Tuy vậy, Đức vẫn theo đuổi tham vọng về xe tăng 2 pháo chính đầu tiên của thế giới.

Năm 1974, mẫu thử nghiệm xe tăng 2 pháo chính lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất và tiến hành thử nghiệm. Mẫu sản xuất đầu tiên được lắp 2 pháo chính 105 mm, nạp đạn bằng tay. Mẫu tiếp theo lắp 2 pháo 120 mm, nạp đạn tự động để đối phó với xe tăng mới của Liên Xô.

Xét về yếu tố hỏa lực, VT 1 tỏ ra vượt trội so với các xe tăng cùng thời nhờ được lắp tới 2 pháo chính. Ngoài ra, phiên bản sử dụng pháo 120 mm có thể phóng tên lửa chống tăng qua nòng. VT 1 có chiều dài 9 m, rộng 3,54 m, cao 2 m, khối lượng chiến đấu 48 tấn.

Xe được trang bị động cơ diesel MTU MB803, công suất 1.500 mã lực, tốc độ tối đa 70 km/h. Ê kíp vận hành 4 người với VT 1-1, 3 người với VT 1-2

Đặc tính kỹ thuật kém

Nếu chỉ nhìn vào yếu tố hỏa lực, VT 1 là mẫu xe tăng đáng gờm. Tuy nhiên, nó tồn tại quá nhiều nhược điểm. Pháo chính gắn cố định vào thân xe khiến việc lựa chọn mục tiêu rất khó khăn do phải quay toàn bộ xe theo hướng bắn. Góc nâng của pháo khá hạn chế nên không thể bắn từ trên cao.

Xe tăng pháo đôi kỳ lạ của Đức ảnh 1

Ý tưởng lắp 2 pháo chính để tăng sức mạnh hỏa lực cho thấy không thành công. Ảnh: Detlef Ktos

Khả năng vận động trên chiến trường của VT 1 tương đối kém và không phù hợp với chiến thuật sử dụng xe tăng tiêu chuẩn. Xe tăng vốn hạn chế về tầm quan sát, VT 1 không sử dụng tháp pháo càng làm cho việc quan sát trở nên khó khăn hơn.

Đối với bất kỳ hệ thống vũ khí nào, hỏa lực mới chỉ là một trong các yếu tố cần và đủ. Xe tăng VT 1 không được quân đội Đức thông qua, cho dù nhà sản xuất đã cố gắng cải tiến động cơ và hệ thống treo nhằm tăng khả năng cơ động.

Dự án VT 1 nhanh chóng rơi vào quên lãng khi mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard-2 ra đời với đặc tính kỹ chiến thuật vượt trội. Leopard-2 được giới quân sự đánh giá là xe tăng chiến đấu chủ lực hàng đầu thế giới. Nỗ lực thiết kế một xe tăng khác truyền thống đã chứng minh không thành công.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG