Xương máu sao đổi bằng tiền

TP - Đã có những quan điểm trái ngược nhau khi các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), sáng 21/11.
Xương máu sao đổi bằng tiền ảnh 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Lê Việt Trường phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Một số đại biểu Quốc hội (QH) là quân nhân cho rằng, tham gia nghĩa vụ quân sự là thiêng liêng, là quyền cao quý của công dân Việt Nam được Hiến pháp năm 2013 quy định nên không thể cho phép “đóng tiền để thay thế cho nghĩa vụ quân sự”. Tuy nhiên, một số đại biểu khác cho rằng, hiện nay, chỉ có 6% người trong độ tuổi tham gia nhập ngũ, do vậy cần quy định nghĩa vụ thay thế để đảm bảo công bằng.

ĐB Ngô Minh Tiến (Bắc Giang) bày tỏ không đồng tình với một số quan điểm cho rằng, trong thời bình, do số lượng tuyển quân ít, số công dân trong độ tuổi nhập ngũ nhiều thì những đối tượng chưa phải đi nghĩa vụ quân sự có thể đóng tiền thay thế, để quân đội mua sắm vũ khí, trang bị hiện đại hóa quân đội. “Một nghĩa vụ thiêng liêng, một quyền cao quý của công dân được Hiến pháp quy định, đó là nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc chỉ có thể tính bằng xương, bằng máu chứ không thể quy đổi thành tiền”, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang, ông Ngô Minh Tiến, nói.

Phó Tư lệnh Quân khu 9, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, cho rằng, vào quân đội là chiến đấu, hy sinh, bị thương, mất tích. “Nói về xương máu, tôi không đồng ý là nghĩa vụ thay thế”, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ khẳng định.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, hiện nay, số lượng công dân tham gia nhập ngũ rất ít, các trường hợp khác không nhập ngũ, nhưng cũng không thực hiện nghĩa vụ gì với Nhà nước để thể hiện trách nhiệm của mình trong bảo vệ Tổ quốc. Đây là vấn đề đã được đặt ra trong quá trình sửa đổi Hiến pháp. Báo cáo 321 của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp ngày 18/11/2013 đã xác định, việc quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự là yêu cầu thực tiễn.

Việc thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự là nội dung mới sẽ được xem xét, nghiên cứu khi sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về nghĩa vụ quân sự. “Tôi đề nghị nghiên cứu để quy định dự thảo luật này theo hướng bảo đảm cho công dân bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, nên cân nhắc quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự trong dự thảo luật”, ông Tuyết nói.

Nghĩa vụ của nhóm công dân nghèo

Một số đại biểu QH cho rằng, đang có sự không công bằng trong thực hiện nghĩa vụ quân sự khi hơn 80% người tham gia là con em nông dân, còn số con em lãnh đạo và cán bộ nhập ngũ rất ít.

ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng, vấn đề nổi cộm, bất bình trong xã hội hiện nay là đa số con em nhân dân lao động nông thôn tham gia quân đội, con em lãnh đạo ở đô thị tham gia rất ít. Quân đội không tuyển được nhiều thanh niên có trình độ tham gia quân đội. Đây là nghĩa vụ rất vẻ vang nhưng lại thành nghĩa vụ riêng của một nhóm công dân nghèo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Lê Việt Trường cho biết, có 79,4% người nhập ngũ là con em nông dân; 2,24% con em cán bộ; 2,7% con em công nhân... Chất lượng thành phần nhập ngũ cũng chưa tương xứng với thực lực nguồn sẵn sàng nhập ngũ. Trình độ cao đẳng, đại học chỉ có 0,64%. Trung học phổ thông khoảng 60%, trung học cơ sở phải lấy tới 39%, thậm chí tiểu học còn lấy để có nguồn đào tạo cán bộ ở vùng dân tộc thiểu số, chiếm 0,59%.

Người đồng tính có phải nhập ngũ?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Hà Huy Thông đặt câu hỏi, những người đồng tính có tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự hay không? Bởi ở đây có hai khía cạnh, một là quyền của người đồng tính, khía cạnh thứ hai là ảnh hưởng, liên quan thế nào đến chất lượng quân đội. “Điều này chưa đề cập đến, nhưng đây là một vấn đề mà trên thế giới đã tranh cãi rất nhiều, có nước chấp nhận, có nước không, tôi nghĩ Ban soạn thảo cũng nên nghiên cứu vấn đề này”, ông Thông đề xuất.

MỚI - NÓNG