Bộ GD&ĐT sẽ siết chặt quy định về sách tham khảo

Bộ GD&ĐT sẽ siết chặt quy định về sách tham khảo
TP - Chiều 15-3, thảo luận bàn tròn với một số phóng viên giáo dục, lãnh đạo các vụ bậc học Bộ GD&ĐT cho biết họ đang tìm kiếm giải pháp nhằm tham mưu cho lãnh đạo bộ này về việc siết chặt quản lý việc sử dụng tài liệu giảng dạy, học tập trong trường phổ thông.

> Rà soát, loại bỏ xuất bản phẩm có nội dung sai
> Sách in cờ TQ: Cứ giữ cách làm này thật đáng ngại

Theo ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học, Bộ GD&ĐT, vấn đề kiểm soát việc sử dụng sách tham khảo (STK) có chất lượng trong nhà trường được Bộ GD&ĐT triển khai từ nhiều năm trước đây. Gần đây nhất, năm 2008, trước hiện tượng “bung ra” STK trên thị trường của nhiều nhà xuất bản (NXB) khiến phụ huynh, học sinh lúng túng, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn 6631 hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa phổ thông và STK.

“Đến nay về cơ bản các nội dung trong công văn 6631 vẫn phù hợp với tình hình thực tại. Tuy nhiên, để ngăn chặn tình trạng STK có “sạn” hiện đang xuất hiện trên thị trường như báo chí đã phản ánh lọt vào nhà trường, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã giao các vụ bậc học chúng tôi rà soát nội dung công văn này để bổ sung một số nội dung mới”, ông Phạm Ngọc Định nói.

Theo quy định của công văn 6631, ngoài SGK là tài liệu do Bộ GD&ĐT ban hành để sử dụng cho việc giảng dạy của giáo viên, học tập của học sinh, sách giáo dục còn có sách giáo viên (SGV), sách bài tập, các loại STK khác.

SGV cũng là sách do Bộ GD&ĐT tổ chức thẩm định và ban hành, dùng để hỗ trợ giáo viên nghiên cứu thiết kế bài giảng. Sách bài tập là tài liệu tham khảo do NXB Giáo dục phát hành với sự tham gia biên soạn của một số tác giả SGK.

Giáo viên, học sinh có thể sử dụng để tham khảo trong dạy - học. Tất cả các nguồn tài liệu (cả kênh chữ, kênh hình, kênh tiếng) có nội dung liên quan đến một số môn học, hoạt động giáo dục trong nhà trường phổ thông được gọi chung là STK.

Ông Định cho biết, công văn 6631 cũng hướng dẫn, hiệu trưởng trường phổ thông có trách nhiệm giao cho các tổ chuyên môn xem xét nội dung các STK đang lưu hành trong nhà trường. Nếu phát hiện STK chưa chính xác hoặc không phù hợp với tính chất giáo dục phổ thông thì cần lưu ý học sinh trong việc sử dụng.

Nếu phát hiện STK có sai sót lớn ảnh hưởng đến dạy và học thì cần kịp thời báo cáo với các cơ quan quản lý giáo dục. Đặc biệt, các cơ quan quản lý giáo dục và các trường phổ thông không bắt buộc học sinh mua STK.

Cùng với ông Định, nhiều cán bộ lãnh đạo vụ bậc học khác bày tỏ băn khoăn về việc làm sao để đưa ra các quy định ngăn chặn sách có “sạn” cũng như sách chất lượng quá kém và không phù hợp với mục tiêu giáo dục vào các trường mà vẫn tôn trọng Luật Xuất bản, tôn trọng quyền bán sách của các nhà làm sách.

“Trước đây Bộ GD&ĐT từng đưa ra một danh mục những STK được sử dụng trong thư viện nhà trường nhưng rồi ngừng lại vì bị dư luận xã hội phản ứng, bị cho là tạo điều kiện để nảy sinh tiêu cực trong xuất bản sách giáo dục. Trong bối cảnh này có nên đưa trở lại danh mục này? Nếu có danh mục này thì cách làm thế nào để phù hợp với Luật Xuất bản?”, ông Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng Vụ GD Thường xuyên đặt câu hỏi.

Còn ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ GD Trung học cho rằng chắc chắn cần phải ban hành văn bản pháp quy mới về việc kiểm soát việc sử dụng sách tham khảo trong nhà trường. Cần có chế tài mạnh đối với những trường hợp cán bộ quản lý giáo dục, nhà trường, giáo viên ép học sinh mua STK.

“Với chất lượng STK trong nhà trường, ngành GD&ĐT chắc chắn phải có trách nhiệm kiểm soát. Nhưng với STK trên thị trường, chúng tôi mong chờ vào ý thức trách nhiệm của các NXB, vào sự kiểm soát của dư luận xã hội, giúp phụ huynh học sinh loại bỏ được sách “bẩn”.

Mặt khác, cá nhân tôi cũng cho rằng nên chăng Bộ GD&ĐT có buổi làm việc với Bộ Thông tin Truyền thông để cùng bàn bạc các vấn đề xuất bản, phát hành sách giáo dục”, ông Chuẩn nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG