Cần quy định rõ vai trò của sinh viên trong Hiến Pháp

Cần quy định rõ vai trò của sinh viên trong Hiến Pháp
Thành Đoàn TP. HCM vừa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần làm rõ vai trò của thanh niên, sinh viên trong thời đại mới và quy định cụ thể hơn về văn hóa, giáo dục.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Nên đưa vấn đề sinh viên vào Hiến pháp

Chỉ trong một buổi chiều, Thành Đoàn TP.HCM đã ghi nhận gần 40 ý kiến của nhà giáo trẻ tiêu biểu và sinh viên "5 tốt" góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Điều này chứng tỏ, thế hệ trẻ ngày nay không đứng ngoài cuộc với những vấn đề quan trọng của đất nước. Hầu hết các ý kiến đóng góp đều khẳng định, bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu hơn. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị giữ lại Điều 66 của Hiến pháp năm 1992.

Võ Đức Tài (trường ĐH KHTN, ĐHQG TP.HCM) nhận định, Điều 66 trong Hiến pháp 1992 có nêu: "Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động, sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc". Điều này hết sức quan trọng, không nên lược bỏ trong Dự thảo sửa đổi.

Theo Võ Đức Tài, nên giữ lại Điều 66 và đưa nội dung này thành một điều trong "Chương 1", quy định về "Chế độ chính trị" của Dự thảo Hiến pháp mới. Tại "Chương 1" có quy định về các tổ chức chính trị, xã hội. Mà Đoàn Thanh niên là lực lượng nòng cốt, thế hệ hậu bị của Đảng.

Nguyễn Trọng Đức (trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cũng cho rằng, cần phải làm rõ vai trò của thanh niên trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Nguyễn Trọng Đức nhấn mạnh, cần phải giữ lại Điều 66 và quy định cả trách nhiệm, nghĩa vụ của thanh niên với đất nước. Đồng thời, cần có thêm điều khoản quy định quyền hạn, vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Bởi khi vai trò, quyền hạn của tổ chức Đoàn được Hiến pháp quy định thì định hướng của Đoàn đối với sự phát triển của thanh niên Việt Nam càng được củng cố và phát huy mạnh mẽ.

Anh Thái Xuân Toàn, giáo viên trường Tiểu học Bình Tiên cũng đề nghị giữ lại Điều 66 của Hiến pháp 1992. Đồng thời, cần đưa sinh viên vào phạm vi điều chỉnh của Hiến pháp mới và quy định rõ vai trò và trách nhiệm của sinh viên vì đây là thành phần quan trọng trong tầng lớp thanh niên.

Quan tâm đến các giá trị nhân văn

Những nhà giáo trẻ tiêu biểu, sinh viên "5 tốt" và cán bộ Đoàn cũng dành rất nhiều ý kiến tâm huyết đến những vấn đề lớn của đất nước trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Phan Phạm Anh Thư (trường ĐH KHTN, ĐHQG TP.HCM) đề xuất, không nên bỏ Điều 41 và Điều 42 khi xây dựng Dự thảo Hiến pháp mới.

Anh Thư cho rằng: "Quy định Nhà nước quan tâm phát triển nền thể dục, thể thao dân tộc, khoa học và nhân dân; Nhà nước và xã hội phát triển du lịch, mở rộng hoạt động du lịch trong nước và du lịch quốc tế… là những vấn đề rất đúng đắn. Đó đều là những lĩnh vực then chốt của đất nước và cần phải quy định chặt chẽ trong Hiến pháp”.

Đến từ trường ĐH Luật TP.HCM, Nguyễn Đức Nguyên Vỵ cho rằng, Điều 42 trong trong bản Dự thảo quy định: "Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập" là quá chung chung. Bởi vì, đã là quyền thì công dân có thể thực hiện hoặc không.

Trong khi đó, ở Điều 59 của Hiến pháp 1992 ghi rõ: "Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí". Nguyên Vỵ nhấn mạnh: "Điều 42 cần quy định rõ ràng hơn. Chẳng hạn, ở bậc tiểu học sẽ được học miễn phí. Bởi chúng ta cần phải phổ cập kiến thức để mọi người dân biết đọc, biết viết. Còn lên các bậc học cao hơn, tùy vào điều kiện thực tế mà người dân quyết định sẽ học tiếp hay dừng lại".

Điều 21 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định: "Mọi người có quyền sống", theo nhiều ý kiến là chưa rõ nghĩa. Nguyễn Thế Đức Phong (trường ĐH Luật TP. HCM) cho rằng, cần bổ sung đầy đủ hơn. Theo Đức Phong, Điều 21 nên sửa thành: "Mọi người có quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc theo quy định của pháp luật" như trong Tuyên ngôn Độc lập của Bác Hồ đã đề cập về quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc.

Anh Lâm Đình Thắng, Phó Bí thư Thành Đoàn TP. HCM cho biết: "Sau đợt lấy ý kiến đóng góp vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Thành Đoàn sẽ xem xét, tập hợp và trình lên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp".

Theo Quế Sơn
Sinh viên Việt Nam

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG