Chung kết Vì khát vọng Việt: Làm 'đau đầu' BGK

Chung kết Vì khát vọng Việt: Làm 'đau đầu' BGK
TP - Tối 21/11, sau khi vượt qua vòng chung kết 1, ba đội thi gồm ĐH Quốc tế (ĐHQG TP HCM), ĐH Nông nghiệp Hà Nội và ĐH Tây Nguyên tiếp tục thuyết phục Ban giám khảo và các nhà đầu tư về dự án của mình.

> Ý tưởng “trồng rau su su” giành giải nhất Hành trình Vì khát vọng Việt
> Tổng kết Hành trình Vì khát vọng Việt lần II- 2013

Phần trình bày dự án rau su su của đội ĐH Nông nghiệp Hà Nội
Phần trình bày dự án rau su su của đội ĐH Nông nghiệp Hà Nội.

Ban giám khảo chung kết gồm ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty nhiên liệu Sài Gòn; bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp- BSA; Tiến sĩ kinh tế Vương Quân Hoàng và nhà đầu tư Đỗ Quốc Hiệp. Bên cạnh đó còn có sự góp mặt của các diễn giả nổi tiếng trên thế giới như ông Ramu Damodaran, Giám đốc Ủy ban tác động Học thuật Liên Hiệp Quốc và ông Senior Adrison, Cố vấn cấp cao, nguyên Phó Tổng giám đốc Metro Đức... Ở phần thi này, mỗi đội có 10 phút trình bày lại dự án của mình trước BGK và các nhà đầu tư. Sau đó BGK và các nhà đầu tư sẽ chất vấn, đánh giá và đưa ra quyết định.

Dự án “Nâng tầm nông sản Việt”

Mở đầu đêm chung kết là dự án “Nâng tầm nông sản Việt” của đội ĐH Nông nghiệp Hà Nội khi sử dụng công nghệ Việt Gap và nguồn nước tự nhiên từ suối Thác Bạc để trồng rau Su Su, tiến tới thành lập công ty cổ phần nông sản Su Su.

Trao đổi bên lề với Tiền Phong về chương trình Hành trình “Vì khát vọng Việt”, ông Senior Adrison, Cố vấn cấp cao, nguyên Phó Tổng giám đốc Metro Đức cho biết, “đối với cuộc thi này, các đội thi phải cạnh tranh nhau để trở thành người chiến thắng, khi cạnh tranh, những ý tưởng mới xuất sắc sẽ xuất hiện và chỉ những ý tưởng mới mới tạo nên sự thay đổi và phát triển”.

Việc ứng dụng các công nghệ kỹ thuật cao sẽ giúp người tiêu dùng minh bạch được sản phẩm của mình, bên cạnh đó sẽ gắn mã số, mã vạch vào sản phẩm để phân loại và nhận biết rau của từng hộ gia đình.

Dự án được tiến hành khép kín bằng cách giao hàng tận nơi, tránh trường hợp trà trộn các sản phẩm khác qua khâu trung gian nên giá thành tới tay người tiêu dùng sẽ rẻ và đảm bảo chất lượng hơn. Ước tính, số vốn ban đầu của dự án vào khoảng 700 triệu đồng bao gồm giống, xe vận chuyển, nhân công…, và sau 1 năm sẽ hoàn vốn.

Nhận xét về dự án “Nâng tầm nông sản Việt” của ĐH Nông nghiệp Hà Nội, TS Vương Quân Hoàng nói, “đây là dự án thực tế và rất khả thi, tôi sẽ đầu tư cho dự án nếu các bạn trưởng thành hơn nữa”. Còn bà Vũ Kim Hạnh cho biết, “thay vì đầu tư vào xe tải vận chuyển, các bạn nên đầu tư vào truyền thông để quảng bá thương hiệu rau sạch Su Su cho mọi người biết, như thế tính hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều”…

Dự án “Liên minh các hộ kinh doanh heo rừng”

Theo đội ĐH Tây Nguyên, dự án “Liên minh các hộ kinh doanh heo rừng trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột” là dự án khả thi và thực tế, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng. Việc thực hiện mô hình liên doanh theo hình thức hợp tác xã với người chăn nuôi heo rừng nhằm cung cấp thịt heo tươi ngon, chất lượng và có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đông đảo khán giả và diễn giả nước ngoài đến xem đêm chung kết
Đông đảo khán giả và diễn giả nước ngoài đến xem đêm chung kết.

Dự án sẽ cung cấp con giống thuần chủng, sạch bệnh, được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, đồng thời tổ chức kênh phân phối rộng rãi và thuận lợi, chú trọng ứng dụng công nghệ trong công tác quảng bá sản phẩm, tiến tới xuất khẩu thịt heo rừng.

Theo đó, nếu liên minh này có 10 hộ, trung bình mỗi hộ sẽ thu nhập khoảng 4,4 triệu đồng/ 1 hộ/ 1 tháng. Nếu liên minh 30 hộ, thu nhập mỗi hộ sẽ vào khoảng hơn 6 triệu đồng/ tháng.

Nhận xét về dự án này, bà Kim Hạnh nói, “tôi ấn tượng với dự án nhưng cái tên “Liên minh” của dự án là chưa rõ nên việc quản lý và điều hành dự án sẽ gặp nhiều khó khăn”. Bà Hạnh cho biết thêm, “quy mô của dự án quyết định đến thành bại chứ không phải lợi nhuận của nông dân, bởi nếu quản lý không tốt thu nhập của liên minh sẽ giảm xuống, kéo theo thu nhập của người nuôi heo cũng giảm theo”.

Dự án sản xuất giấy làm từ phân bò

Một dự án được cho là khá mới lạ và táo bạo của ĐH Quốc Tế, ĐHQG TP HCM khi ứng dụng phân bò vào công nghiệp làm giấy. Theo đội ĐH Quốc Tế, phân bò ngoài việc làm phân bón, ủ chuồng và làm khí đốt thì không có thêm ứng dụng gì, trong khi đó việc thừa thải lượng phân này sẽ làm gây ô nhiễm môi trường nên nảy ra ý tưởng sử dụng chúng làm giấy bởi trong phân bò có một lượng lớn Xen- lu- lo- zơ.

Nếu việc ứng dụng này thành công sẽ đem lại một nguồn lợi kinh tế lớn, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nhu cầu khai thác rừng làm giấy như hiện nay, bởi 1 tấn giấy làm từ phân bò sẽ giảm 17 cây xanh bị khai thác và 5 tấn phân bò thải ra ngoài môi trường.

Dự án ước tính có vốn đầu tư khoảng 1,25 tỷ đồng, năm thứ nhất chấp nhận lỗ hơn 1 tỷ đồng, năm thứ 2 sẽ thu lợi hơn 700 triệu đồng và đầu năm thứ 4, dự án sẽ hoàn vốn. Giá của sản phẩm sẽ từ 120- 130 nghìn đồng/ 3 kg giấy.

Tuy nhiên, theo ông Quỳnh, việc các nhà đầu tư bỏ vốn ra quá nhiều (lên đến 2 tỷ đồng) là quá lớn, trong khi đó, giá thành của giấy được sản xuất từ phân bò so với giấy sản xuất thông thường không có sự chênh lệch nhiều.

Trong khi đó, ông Hoàng Quốc Hiệp tỏ ra băn khoăn về dự án bởi một nhà xưởng chỉ với 2 tỷ đồng là quá ít (bao gồm đất đai, máy móc, hệ thống xử lý rác thải, thu gom nguyên liệu… sẽ vượt quá con số 2 tỷ đồng). Ông Hiệp cho biết thêm, “trên phương diện là một nhà đầu tư, thì tôi sẽ không đầu tư vào dự án nhưng sẽ chú trọng đến nó, bởi dự án rất có sáng tạo và táo bạo”.

Kết quả cuộc thi Chung kết Hành trình “Vì khát vọng Việt” đã được công bố vào đêm gala 23/11 tại Dinh Thống Nhất, có sự tham gia của nhiều diễn giả nổi tiếng như ông Ramu Damodaran, Giám đốc Ủy ban tác động Học thuật Liên Hiệp Quốc; ông Ranjanetnam, Cựu Cố vấn đặc biệt Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan; bà Nghiêm Thanh Hương, nhóm sáng lập Wikipedia; ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Lemeadia…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG