Cô bé khiếm thị khát khao du học

Cô bé khiếm thị khát khao du học
TP - Chỉ một chút sơ suất và giấu diếm của người trông trẻ, đôi mắt bé An Như 11 tháng tuổi vĩnh viễn không còn nhìn thấy. 10 năm qua, với sự nỗ lực hết mình của người mẹ, An Như học giỏi, đàn hay và khát khao mang đàn tranh sang Nhật du học.

> Bi kịch nữ sinh nhập viện tâm thần vì học giỏi
> Cô bé khiếm thị và giải thưởng quốc tế

An Như trình diễn đàn tranh
An Như trình diễn đàn tranh.

Trong chuyến tặng quà từ thiện “Kết nối yêu thương” do báo Tiền Phong, báo Nhi Đồng và Tập đoàn sữa TH True Milk phối hợp thực hiện tại trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, tôi khá bất ngờ khi thấy bé gái đánh đàn tranh xinh xắn trong dàn nhạc của trường.

Luôn tin con sẽ nhìn thấy trở lại

Cô bé khiếm thị xinh xắn đó là Nguyễn An Như, 10 tuổi. Em được đoàn từ thiện trực tiếp hỗ trợ và trao tặng học bổng để mua một chiếc đàn tranh, giúp em thực hiện ước mơ sẽ thi đỗ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và mơ ước du học.

Chị Nhữ Tuyết Anh, mẹ của An Như kể lại: “Cháu sinh ra hoàn toàn bình thường. Lúc cháu 11 tháng tuổi, gia đình gửi cháu ở nhà trẻ tư. Ngay ngày đầu tiên, sau khi đón con ở nhà trẻ về, An Như không chịu ăn uống gì. Ăn vào một chút là nôn thốc nôn tháo”. Đi hết viện này viện kia, nhưng không tìm ra nguyên nhân. Người trông trẻ nói: Không sao đâu, vì cháu ăn no quá. Đến ngày thứ 8, một nửa mặt của cháu không cử động, đôi mắt không phản xạ với ánh sáng, còn não bộ đã ứ đầy máu tụ. Cô bé 11 tháng tuổi phải trải qua hai cuộc đại phẫu để cứu tính mạng. Nhưng dây thần kinh thị giác thì bị teo hoàn toàn, không thể hồi phục.

An Như và mẹ
An Như và mẹ.

Người mẹ trẻ như điên cuồng vì con. Chị “tha” con đi khắp Nam, Bắc với mong muốn tìm thầy thuốc giỏi khôi phục thị lực cho con.

Khi An Như 39 tháng tuổi, chị mời nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc đến nhà kiểm tra năng khiếu. Sau khi nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc cho biết, bé An Như có năng khiếu âm nhạc, chị đã mua đàn piano và mời giáo viên đến nhà dạy con từ bữa đó cho tới khi An Như học lớp dự bị của trường Nguyễn Đình Chiểu. Và chỉ một năm sau, chị đã chủ động đẩy tốc độ học của cháu vào thẳng lớp 2. Chị Tuyết Anh tạm chấp nhận một sự thật cay đắng: Con không bao giờ nhìn được nữa.

 Giá mà mẹ có nhiều tiền, con còn muốn học nhiều thứ nữa

An Như

Chị Tuyết Anh đã đọc rất nhiều sách dạy trẻ khuyết tật, những cuốn sách của các bác sỹ tâm lý như Nuôi dạy con khi bạn gặp khó khăn của bác sỹ Fitzhugh Dodson, một nhà tâm lý giáo dục Mỹ nổi tiếng. Thậm chí, chị học cả chữ nổi để cùng học với con. Chị bảo: “Tôi đọc nhiều đến nỗi mà thần hồn nát thần tính, suốt ngày lo con sẽ bị thế này, hoặc bị thế kia. Nhưng bù lại, tôi học được cách giúp con không bằng lòng với số phận của đứa trẻ khuyết tật”.

Cách dạy dỗ của chị từng bị gia đình hai bên phản đối. Ông bà nội ngoại đều cho rằng, làm mẹ như vậy là hơi “ác”. Bố An Như cũng không chấp nhận được sự thật nghiệt ngã này, và không biết phải chia sẻ, gánh vác thế nào…Cuối cùng hai bên đồng ý để anh một mình vào Nam lập nghiệp.

Lúc An Như lâm bệnh, nghề tư vấn luật đang thịnh, chị Tuyết Anh có thu nhập khá, lại có thêm nhiều công việc tại Công ty luật tư nhân ở TPHCM. Thế rồi, chị đã phải bán nhà, sang nhượng cổ phần để có tiền chạy chữa cho con. Rất may, những đồng nghiệp tại công ty luật nơi chị công tác cho chị nhận việc về nhà làm để vừa có thu nhập, vừa có thời gian nuôi dạy con.

Với nỗ lực hết mình của mẹ, bé An Như học không thua kém các bạn mắt sáng trong lớp. Cô bé thường xuyên được đi biểu diễn cùng dàn nhạc của trường. Diễn liên miên, trở về phải học bù văn hóa mà vẫn theo kịp các bạn. An Như được mẹ rèn cho tính tự lập cao, đến mức, hiện tại cháu còn động viên ngược lại mẹ mình: “Mấy hôm nữa con sẽ nhìn thấy đấy nên mẹ phải tranh thủ dạy con chữ sáng để học đồng thời với chữ nổi nhé”.

Tám tuổi, An Như đã có thể tự chăm sóc bản thân, rất ham học và có tinh thần tự giác cao. Có lúc, chị giả vờ đi công tác 1 tuần để quan sát con, chị thấy An Như rất tự lập, ăn uống, sinh hoạt như bình thường, tất nhiên có sự giúp đỡ của người giúp việc.

Giá mẹ có nhiều tiền

Chi phí học đàn khá tốn kém, nhưng chị Tuyết Anh vẫn gồng mình để con có thể theo đuổi con đường âm nhạc. Gần đây, An Như chuyển sang học đàn Tranh bởi em muốn thi đỗ vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, rồi sau đó du học với cây đàn tranh để giới thiệu với các bạn nước ngoài nhạc cụ truyền thống của Việt Nam. Nước Nhật là điểm đến mà hai mẹ con đều mơ ước.

Hiện nay, An Như chăm chỉ tự học tiếng Anh và thỉnh thoảng tranh thủ khoảng thời gian hiếm hoi học thêm một chút tiếng Nhật với sự giúp đỡ của mẹ (vốn cũng đã tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ khoa tiếng Anh). Chị vào mạng, tìm kiếm các file âm thanh dạy tiếng Anh, còn tiếng Nhật thì thông qua đài phát thanh và truyền hình NHK, rồi copy làm giáo trình học cho An Như.

An Như tỏ ra biết thông cảm với sự vất vả của mẹ: “Giá mà mẹ có nhiều tiền, con còn muốn học nhiều thứ nữa”. Còn mẹ thì an ủi con: “Mẹ mà có tiền thì con học gì cũng được”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG