Đêm trắng Hà thành với người vô gia cư

Đêm trắng Hà thành với người vô gia cư
23g, phố phường Hà Nội phủ kín hơi sương. Những cơn mưa phùn mùa xuân khiến cho cái lạnh của Hà Nội về đêm càng tê tái. Trong một quán cà phê sách nhỏ, nhiều bạn trẻ đang phân loại quần áo, chăn màn, giày dép và cả những suất ăn nhẹ xếp vào những túi nhỏ xinh xắn.

Bắt tài xế cán chết 2 nữ sinh mưu sinh 8 - 3

3g sáng, bé Nguyễn Anh Tuấn - 13 tuổi - co ro trong chiếc chăn mỏng, không ngủ được vì trời lạnh. Được nhận quà, em tủi thân chực khóc... - Ảnh: HUỆ BẠCH

3g sáng, bé Nguyễn Anh Tuấn - 13 tuổi - co ro trong chiếc chăn mỏng, không ngủ được vì trời lạnh. Được nhận quà, em tủi thân chực khóc... - Ảnh: HUỆ BẠCH.

Phân loại xong, nhóm chia làm hai ngả tỏa đi khắp các con phố: Xã Đàn, Đại Cồ Việt, Lê Thánh Tông, Trần Quang Khải, Lý Thái Tổ, Bà Triệu, Quang Trung, Lê Duẩn... Đó là các thành viên nhóm Ấm, được hình thành từ vài tháng nay chuyên đi phát chăn màn, quần áo, đồ ăn cho người vô gia cư. Tại Hà Nội còn có nhiều nhóm như Ấm.

Đêm xuân thứ bảy rét mướt

Góc phố bên đầu ngã tư Hàng Đậu, dưới ánh đèn mờ, trong góc khuất, một cụ bà bần bật quờ tay túm lại miếng nilông mỏng vừa bị gió dứt ra khỏi tấm thân gầy guộc. Cứ kéo được bên này miếng nilông lại bật ở bên kia. Các thành viên nhẹ nhàng bước đến. Thấy chúng tôi lại gần, mấy người dân bán hàng xung quanh nháy: “Đừng lại gần bà ấy, bà dữ dằn lắm đó!” Nhưng bàn tay già nua lọng cọng hiền lành đỡ lấy gói xôi và chiếc áo ấm.

Bà đã ngoài 90 tuổi, không còn nhớ được mình là ai, con cái ở đâu. Bà xúc động lắm nhưng trong hốc mắt sâu những giọt lệ đã khô khốc tự lâu lắm rồi. Người dân ở đây cho biết bà lão ngủ ở đây được 4-5 năm nay, ban ngày bà vạ vật xin ăn khắp mọi nơi, 7g tối lại về đây ngủ, sáng 6g lại đi. Có những hôm bà sốt nằm li bì 4-5 ngày, người dân xung quanh cứ tưởng bà chết gọi người khám nhưng bà không cho họ lại gần. Nhưng đêm thứ bảy nào bà cũng thức thật khuya. Dường như bà thức để chờ chúng tôi đến. Có lẽ bà thèm hơi ấm tình thương từ những đứa trẻ như con cháu của mình.

Ở ngay đầu điểm trung chuyển xe Long Biên, một ông cụ gầy gò ngồi thẫn thờ nhìn vô định, đôi bàn tay nhăn nheo run run đan vào nhau. Có lẽ chiếc chăn mỏng không đủ giữ ấm cho những giấc ngủ ngon nơi màn trời chiếu đất. Xúc động đón gói quà nhỏ từ tay một bạn trẻ, ông bật khóc: “Mấy ngày nay bị ốm tôi không đi nhặt được gì nên không có đồ ăn. Trời lại nhiều sương, mưa phùn nhớp nháp, ẩm ướt lạnh quá, nằm mãi mà không chợp mắt được các cô chú ạ”.

Cho và nhận

Trong nhóm Ấm, Nguyễn Ngọc - năm nay bước sang tuổi 18 - là thành viên tiêu biểu nhất. Thứ bảy nào Ngọc cũng là người có mặt sớm và ra về muộn nhất. Ngọc chia sẻ: “Tận mắt chứng kiến những cảnh đời nghèo khổ, mình chỉ muốn trưởng thành thật nhanh để làm được nhiều điều cho họ hơn”. Với Ngọc, những chuyến đi đêm hôm như thế này giúp bạn hiểu về cuộc sống và sống tốt hơn.

Ông cụ tên Nguyễn Phú Cường, trong tiềm thức ông chỉ biết mình từng bị bệnh thần kinh và đi khỏi nhà hơn bốn năm nay. Trước đây còn trẻ ông đi tẩm quất thuê ở chợ Long Biên, ai thuê gì làm nấy, nhưng giờ già yếu hay đau ốm, đi lại khó khăn nên chẳng làm được gì. Ông tâm sự: “Mỗi ngày kiếm được vài chục ngàn đồng dành tiền mua thuốc, ăn uống còn thiếu huống chi là áo ấm chăn bông...”. Tài sản duy nhất của ông cụ chỉ là một chiếc chăn mỏng, có bao nhiêu quần áo ông mặc hết trên người để chống chọi với những đêm giá lạnh. Nhận được gói xôi, hộp sữa lót dạ cùng với đôi giày và chiếc áo mới ông mừng lắm. Tên ông là Phú Cường mà vẫn chật vật vì miếng ăn khi đã đến tuổi trời.

Ngang qua phố Lê Duẩn, ngay phía trước ga Hà Nội, một em bé nằm co ro nép bên góc tường. Đó là Nguyễn Anh Tuấn, năm nay mới 13 tuổi, nhà ở gần ga Phủ Lý, Hà Nam nhưng bỏ quê lên Hà Nội gần hai tháng nay. Ban ngày Tuấn lang thang vạ vật kiếm sống ở ga Hà Nội, đêm đến ngủ luôn tại ga. Đã 3g sáng nhưng Tuấn vẫn thức, có lẽ do trời lạnh quá không ngủ được. Hỏi chuyện, Tuấn chực khóc, tủi thân: “Cháu lên đây chỉ đi một mình, bố mẹ bỏ nhau rồi, chẳng ai muốn nuôi cháu cả”...

Nắm tay lại vì người vô gia cư

Ra đời cách đây không lâu nhưng Ấm - một nhóm tình nguyện mở - đã trở thành người bạn thân của người vô gia cư nơi thủ đô. Trưởng nhóm là Nguyễn Hoàng Thảo, một nữ giảng viên xinh đẹp, một phiên dịch viên giỏi, có một chuỗi cửa hàng bán đồ cho giới tuổi teen. Hiện nhóm có tới hàng trăm thành viên (qua mạng xã hội Facebook) và các cộng tác viên. Sự tham gia của các tình nguyện viên có thể dưới nhiều hình thức: thông báo các hoàn cảnh, nơi ở của người vô gia cư; quyên góp quần áo, đồ ăn; đi phát đồ vào tối thứ bảy hằng tuần. Trung bình mỗi tối thứ bảy nhóm Ấm phát hàng trăm bộ quần áo, chăn màn, giày dép và 50-70 suất đồ ăn.

“Có những đêm mưa gió, trời rét kinh khủng, cả nhóm lập cập đi hết một vòng Hà Nội cố tìm giúp những mảnh đời khốn khó. Sau những đêm như thế có thành viên đổ bệnh”- Thảo kể. Có bạn còn bị mẹ mắng vì “thứ bảy nào cũng đi đàn đúm qua đêm”, sau hiểu ra mẹ bạn thương và khuyến khích con nhiều hơn.

Cùng với nhóm Ấm, ở Hà Nội còn có nhóm tình nguyện Vì Cộng Đồng (VGC) và nhóm tình nguyện Niềm Tin cũng có các hoạt động tương tự. Mạc Trường Giang (22 tuổi, sinh viên năm thứ 4 Trường đại học Kiến trúc) - trưởng nhóm VGC - cho biết những ngày đầu các thành viên của nhóm tự đóng góp tiền mua thịt, mua gạo nấu xôi, rồi đi kêu gọi quyên góp quần áo, chăn ấm để giúp người vô gia cư bớt đói, bớt lạnh. Dần dần có thêm nhiều người giúp sức.

Vì có nhiều nhóm hoạt động riêng rẽ, đi phát quà không tập trung nên mọi người bày tỏ mong muốn được tập hợp tất cả các nhóm lại thành lập một “liên minh giúp đỡ người vô gia cư”. “Trên thực tế một số phong trào tình nguyện chỉ sôi nổi thời gian đầu, về sau đuối sức. Chúng mình muốn tập trung tất cả các nhóm để hoạt động bài bản hơn, giúp người vô gia cư tốt hơn. Mình mong muốn khi nào có đủ tiền sẽ thành lập một mái nhà chung, nơi mà bất cứ người vô gia cư nào cũng có thể tá túc lúc ngặt nghèo”- Nguyễn Hoàng Thảo nói.

Đêm trắng từ đường phố tới bệnh viện

Đêm Hà Nội vắng lặng, lần trên những con phố dài hun hút không khó để tìm ra những con người nghèo khổ. Khu vực chợ Đồng Xuân, ga Hà Nội, các cây ATM... là nơi tập trung đông nhất những người nghèo khổ. Hành trình kết thúc lúc hơn 3g sáng, khi những gói quà trong túi đã phát hết. Xong việc, một số thành viên tản về nhà, số còn lại tiếp tục tham gia nấu cháo cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện K đến sáng.

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG