Giáo viên vùng cao 'mượn' con em tới trường

Giáo viên vùng cao 'mượn' con em tới trường
Năm học mới sắp đến, các thầy cô chia nhau đến tận nhà vận động học sinh tới trường. Nhưng phụ huynh lại bảo: Nhà neo người lắm, chúng tôi còn đi làm nương, cháu đi học thì không có người đi chăn trâu, không có ai trông con. Nếu thầy cô nói khó quá thì họ nói: “Cho thầy giáo mượn con mấy hôm thôi nhé”.

Giáo viên vùng cao 'mượn' con em tới trường

Năm học mới sắp đến, các thầy cô chia nhau đến tận nhà vận động học sinh tới trường. Nhưng phụ huynh lại bảo: Nhà neo người lắm, chúng tôi còn đi làm nương, cháu đi học thì không có người đi chăn trâu, không có ai trông con. Nếu thầy cô nói khó quá thì họ nói: “Cho thầy giáo mượn con mấy hôm thôi nhé”.

Học sinh Trường Tiểu học Sùng Đô Ảnh: THUẬN HOÀNG
Học sinh Trường Tiểu học Sùng Đô Ảnh: THUẬN HOÀNG .
 

Giáo viên nài xin cho trẻ tới trường

Chị Hoàng Thị Thuận - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Sùng Đô – ngôi trường nằm trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, Yên Bái - miên man trong câu chuyện kể với tôi về công việc quen thuộc của chị và các thầy cô giáo mỗi đầu năm học mới.

Tháng 7, 8 trời mưa nhiều, là mùa của người vùng cao thu hoạch lúa, ngô, cũng là lúc giáo viên các trường phải lên trường chiêu sinh. Sau hơn một tháng nghỉ hè, đường vùng cao bị mưa lũ xói mòn, đường sống trâu, những chỗ trũng dòng nước chảy xoáy xuống tạo thành vũng, xe máy đi qua chắc chắn bị quệt gầm, sỏi đá to không trôi theo nước đứng chỏng trơ giữa đường tranh lối đi của xe máy. Chuyện đổ xe, ngã xe của người vùng cao là thường xuyên. Đi một đoạn là có thể gặp những mảnh xi nhan xe win 100 vỡ liểng xiểng trên mặt đường.

Mùa mưa, theo kinh nghiệm của giáo viên vùng cao, khi lên trường mỗi giáo viên phải mang theo 1 mảnh áo mưa, mang theo quần cộc để khi đi qua suối nước lũ. Muốn không bị ướt quần áo thì nên mặc quần cộc để lội qua suối, lên đến trường rồi hãy thay quần dài. Việc khiêng xe qua suối thì nhờ giáo viên nam.

Nếu nước lũ ngập nửa xe máy trở lên thì thuê dân địa phương khiêng xe, mỗi suối khoảng 60.000 đồng cho 4 người khiêng, cả thảy 2 suối mỗi chủ xe phải trả 120.000 đồng.

Lên được đến trường đã là cả một quá trình gian nan, rồi còn phải chia nhóm để lên tận bản, đến tận nhà để gọi học sinh, mặc dù trước đó đã nhờ các đồng chí trưởng các thôn bản nhắc học sinh đến trường. Trên đường đi vắng tanh, chẳng gặp một ai, đôi khi cũng gặp đúng học sinh của mình nhưng các em đang ngồi trên lưng trâu.

Nhìn từ xa, các em đã chào thầy cô, khi đến gần hỏi vì sao không đến trường thì các em trả lời: “Em còn đi trăn trâu đã, ngày mai em mới đi học”, hoặc “Em còn phải trông em cho bố mẹ đi thu ngô đã, mai em mới đi học”.

Việc lao động dọn vệ sinh quang cảnh sư phạm đều do các thầy cô chia nhau ra để làm. Cũng không hẳn là không có học sinh nhưng với tỉ lệ 3 cô 2 trò (chỉ được vài em nhà gần trường và con em cán bộ xã là có mặt, còn lại thì vẫn vắng tanh). Phòng GD-ĐT huyện Văn Chấn cũng đặc biệt quan tâm tới các trường vùng đặc biệt khó khăn, đã cử cán bộ chuyên viên cùng đến các trường như Sùng Đô, An Lương, Nậm Mười… để cùng đi tuyển sinh bán trú, cùng gọi học sinh ra lớp với nhà trường. Muốn gặp được phụ huynh học sinh thì phải chờ đến tối, như vậy cũng đồng nghĩa với việc các thầy cô phải ở lại trường.

Song gặp phụ huynh rồi cũng chẳng mấy khả quan, vì họ nói: Nhà neo người lắm, chúng tôi còn đi làm nương, cháu đi học thì không có người đi chăn trâu, không có ai trông con. Nếu thầy cô nói khó quá thì họ nói: “Cho thầy giáo mượn con mấy hôm thôi nhé”.

Cô Hoàng Thị Thuận và học sinh Ảnh: THUẬN HOÀNG
Cô Hoàng Thị Thuận và học sinh Ảnh: THUẬN HOÀNG.
 

Dọa không cho con đi học tiếp

Nhà trường yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm khi tuyển sinh là thu luôn số hộ khẩu của học sinh để đầu năm học làm chế độ “Chi phí học tập” cho học sinh, song nhiều phụ huynh vẫn bận mải làm nương, hết hạn nộp họ cũng mặc kệ. Thế nhưng, trong năm học nếu con không được tiền chế độ thì họ cứ đến trường để lấy tiền chế độ, còn dọa, sẽ không cho con đi học nữa vì không được tiền chi phí học tập.

TH-THCS Sùng Đô là trường có hai cấp học, phòng học ở tất cả 5 điểm trường đều là phòng bán kiên cố và phòng học tạm, rất chật chội cho học sinh THCS, bàn ghế thì không đúng quy định, học sinh lớp 1 đến lớp 9 đều ngồi chung một cỡ bàn ghế và đều phải học hai ca. Các em học sinh từ lớp 3 trở lên thì đều phải về trung tâm học vì thiếu phòng học, do vậy nhà trường phải bố trí ở bán trú cho học sinh.

Hai thôn bản xa trung tâm nhất cách điểm trường chính khoảng 20 - 21 km. Khi đi học các em thường đi tắt qua đường rừng, với sức đi nhanh và thông thạo của học sinh thì mất chẵn một ngày đường, nếu người không quen đi rừng thì không thể đi một ngày đến trường được. Còn nếu đi xe máy cũng vẫn phải gửi xe rồi đi bộ khoảng 3 - 4 giờ đồng hồ mới tới được bản.

Tháng 7 vừa rồi, nhà trường phải lên trực hàng tuần trời để chờ học sinh nộp hồ sơ xin ở bán trú (thứ hai đến trường, thứ 7 trở về nhà ). Phụ huynh học sinh đến nộp hồ sơ một cách lẻ tẻ, hôm sau phải đi duyệt rồi mà vẫn phải chờ phụ huynh học sinh. Ông chủ tịch xã vừa sốt ruột, vừa bực mình, gọi điện liên tục nhờ người nhắc phụ huynh giúp, đến nửa chiều có thêm 3 phụ huynh đến.

Họ mang sổ hộ khẩu chưa photo đến, nếu xuống thị xã để photo phải đi khoảng 36 km, mà phụ huynh lại đi bộ xuống trường. Cả hội đồng xét bán trú vừa mệt mỏi, vừa bực mình, phụ huynh thì mồ hôi nhễ nhại.

May sao thầy Tuyển, hiệu trưởng, nghĩ ra cách lấy máy điện thoại chụp ảnh số hộ khẩu rồi tháo thẻ nhớ đưa vào máy tính rồi in ra, mặc dù đen nhẻm nhưng có còn hơn không, vậy là đã giúp thêm cho một học sinh có chế độ, còn ảnh thì nhà trường đã phải cử một thầy giáo mang máy ảnh lên tận hai bản xa nhất ở tại bản 3 ngày để chụp ảnh cho học sinh.

Năm nào cũng vậy, bước vào năm học mới những trường như trường chúng tôi gặp vô vàn khó khăn, việc nhà trường và Phòng Giáo dục lo nhất là tỷ lệ chuyên cần và chất lượng giáo dục. Học sinh không đi học đều thì làm sao đảm bảo chất lượng giáo dục? Trong khi hoàn cảnh gia đình đại đa số phụ huynh học sinh còn gặp rất nhiều khó khăn, nhà dột nát tứ bề, mùa giáp hạt trong nhà chẳng có hạt gạo, các em từ lớp 4, 5 trở lên đều có thể lao động giúp bố mẹ. Cho dù các thầy cô có lên tận nương để gọi học sinh, nếu có gặp được thì học sinh vẫn nói, mấy hôm nữa em sẽ đi học. Vậy là lại cười trừ, động viên học sinh rồi ra về.

Theo Hiếu Nguyễn
Báo Giáo dục và Thời đại

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG