Khi bác sĩ… thất nghiệp

Giờ học phẫu thuật trên mô hình của sinh viên y khoa
Giờ học phẫu thuật trên mô hình của sinh viên y khoa
Lâu nay, khá nhiều người trong xã hội đều nghĩ rằng học nghề y vừa dễ tìm việc, vừa dễ kiếm tiền, lại được xã hội trọng vọng. Nhưng mấy ai biết để trở thành bác sĩ, ngoài 6 năm gian nan vất vả ở giảng đường, bệnh viện, thì chưa chắc khi tốt nghiệp đã kiếm được một chỗ làm.

1. 31 tuổi, tốt nghiệp Trường Y đã 6 năm, Trần Văn Vĩnh (tên một số nhân vật trong bài đã thay đổi), quê ở Cà Mau vẫn chưa tìm được việc làm vì khi ra trường, Vĩnh quyết định ở lại TP HCM với hy vọng sẽ có một cơ hội tiến thân! Vĩnh nói: "Em đã gửi đơn xin việc ở 3 bệnh viện (BV) tuyến thành phố, 2 đơn xin việc ở BV tuyến huyện và 2 đơn xin việc ở 2 BV tư nhân. Cho đến nay, mới chỉ có 2 BV tư nhân mời em phỏng vấn nhưng sau đó họ từ chối với lý do em chưa có kinh nghiệm".

Tôi hỏi: "Vậy cậu sống bằng gì?". Vĩnh cười: "Cũng may là một bác sĩ đàn anh có phòng mạch tư. Anh ấy cho em phụ việc". Tôi hỏi tiếp: "Sao cậu không về quê? Nhiều nơi bây giờ đang rất cần có thêm bác sĩ…". Ngần ngừ một lát, Vĩnh, nói: "Về quê cũng chưa chắc vào được những BV lớn mà lắm khi còn phải đi trạm y tế xã, phường. Ở đó thì coi như… héo đời vì chẳng học hỏi gì được nữa".

Tâm trạng của Vĩnh cũng chính là tâm trạng của một số bác sĩ sống tại TP HCM, hiện nay vẫn thất nghiệp hoặc đang làm một nghề khác. Theo tìm hiểu của chúng tôi, 70% trong số này là những người hộ khẩu ở tỉnh, hoặc được tỉnh cử đi học dưới dạng đào tạo theo yêu cầu nhưng khi ra trường, họ không quay về địa phương.

Bác sĩ Mai, tốt nghiệp Khoa Răng Hàm Mặt (RHM), cho biết: "Với ngành này thì sau khi học xong, thường có 4 hướng: Một là xin vào làm ở các BV Nhà nước, hai là làm cho những phòng nha tư nhân, ba là tiếp tục học sau đại học và bốn là trở về nhà".

Vẫn theo lời Mai, nhà cô ở một xã vùng sâu thuộc huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp - nhưng cô lại muốn ở TP HCM nên ngay khi tốt nghiệp, cô đã nộp 3 hồ sơ xin việc nhưng có nơi trả lời rằng họ không có nhu cầu tuyển bác sĩ RHM, có nơi nói đã đủ người, và có nơi gợi ý "chung chi". Sau hơn 6 tháng chờ đợi, Mai quyết định đi làm cho một phòng nha tư nhân.

Cô nói: "Tuy nhiên, theo quy định, mới ra trường như em thì không được làm lâm sàng - nghĩa là không được khám chữa trực tiếp trên răng người bệnh vì chỉ những bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, được cấp sau 18 tháng công tác tại các cơ sở y tế có khoa RHM thì mới có quyền…".

Thế nhưng, phòng nha tư nhân thuê cô đâu phải để làm cảnh, mà hàng ngày Mai vẫn phải thực hiện việc nhổ, trám, làm răng giả. Mai nói tiếp: "Em biết như thế là làm chui, vi phạm quy định của ngành y tế nhưng nếu không làm thì biết sống bằng gì bây giờ".

Giống như Mai, Trần Thị Thiên Thảo sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa cũng quyết định ở lại TP HCM mặc dù ngành y tế địa phương nơi cô có hộ khẩu thường trú là huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý nhận cô. Thảo cho biết: "Nhờ bạn bè giới thiệu, em xin làm trình dược viên cho hãng dược phẩm G. trong khi chờ đi học sơ bộ chuyên khoa Mắt". Gọi là "trình dược viên" chứ thật ra, công việc của cô chẳng khác gì một người… rao hàng! Mỗi ngày, cứ 8 giờ sáng là Thảo lên đường.

Cô nói: "Trước đây, khi chưa có lệnh cấm bác sĩ tiếp trình dược viên trong giờ làm việc thì em còn dễ thở đôi chút", nhưng hiện nay, Thảo vào BV với tâm trạng như đang làm một việc lén lút. Cô kín đáo tiếp cận những bác sĩ là "mối ruột" của mình để giới thiệu những loại thuốc mới. Thảo nói tiếp: "Gặp bác sĩ tế nhị thì họ chỉ lắc đầu, bảo để lúc khác, còn gặp người khó tính, họ xua tay đuổi mình ra khỏi phòng".

2. Ngay từ khi quyết định chọn nghề y, các bác sĩ tương lai đã phải đối mặt với những khó khăn rất lớn. Ngoài điểm trúng tuyển luôn thuộc hàng "top ten", thì thời gian học 6 năm cũng là dài nhất so với các ngành học khác, chưa kể bắt đầu từ năm thứ 3, sinh viên "sáng đi lâm sàng, chiều học lý thuyết, tối trực".

Lượng kiến thức mà một sinh viên y khoa phải dung nạp cũng nhiều nhất với gần 100 môn và gần 200 lần thi - cả lý thuyết lẫn thực hành. Có những môn phải thi 12 lần như Nội khoa, Ngoại khoa. Ấy vậy mà khi ra trường, nhiều bác sĩ lại rơi vào cảnh thất nghiệp!

Phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lãng phí chất xám này, khách quan mà nói thì mỗi trường y ở nước ta trước đây mỗi năm thường chỉ đào tạo trung bình trên dưới 100 bác sĩ với những tiêu chuẩn khá gắt gao. Sinh viên trúng tuyển là những học sinh xuất sắc nhưng hiện tại, các trường y tuyển sinh khá ồ ạt, mỗi năm mỗi trường có thể tuyển đến 400 - 500 sinh viên. Vì mục tiêu đáp ứng nhu cầu y tế cho xã hội, nhiều trường mở rộng hình thức đào tạo, chẳng hạn như chuyên tu, cử tuyển, hạ điểm, ưu tiên….

Một bác sĩ là giám đốc một BV tư lớn ở TP HCM, nói: "Chúng tôi rất thiếu người vì đa số bác sĩ đang làm ở chỗ chúng tôi đều là bác sĩ nghỉ hưu ở các BV nhà nước. Nhưng chất lượng đầu vào của sinh viên y khoa như vậy, dẫn đến trình độ khi ra trường có sự chênh lệch rất lớn nên chúng tôi không dám tuyển mặc dù mục tiêu phát triển đội ngũ kế thừa cho BV là việc rất cần".

Khi bác sĩ… thất nghiệp ảnh 1

Không ít bác sĩ làm trình dược viên để ở lại thành phố. Ảnh minh họa

Trong một cuộc họp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế TP HCM, tổ chức vào tháng 5/2013 để bàn về đào tạo nhân lực, đã đưa ra con số cảnh báo: Khoảng 50% sinh viên y, dược ra trường thất nghiệp, không tìm được việc làm đúng ngành nghề.

Chẳng những điều dưỡng, dược sĩ trung cấp khó tìm việc mà ngay cả bác sĩ, cử nhân cũng chịu cảnh long đong. Dẫn chứng thực tế này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết: "Ngay cả Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, mỗi năm đào tạo ra 400 người nhưng chỉ sử dụng được một nửa", chưa kể nhiều bác sĩ, điều dưỡng ở các tỉnh khác cũng đổ về TP HCM khiến áp lực tìm việc gia tăng. Nếu như năm 2007, toàn TP HCM chỉ có 3 cơ sở thuộc các trường đại học y, dược, đào tạo hệ cử nhân, trung cấp thì đến nay, con số này đã là 27 với 5 trường công lập, 22 ngoài công lập, đào tạo gần 14.000 điều dưỡng, trung cấp dược. Tình trạng "bội thực" ấy sẽ còn trầm trọng hơn khi mùa tuyển sinh sắp đến, nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp lại tiếp tục định hướng, tư vấn cho học sinh chọn ngành y, dược vì… dễ kiếm việc làm (?!).

Theo Vũ Cao

Theo An ninh thế giới
MỚI - NÓNG