Ngồi xe lăn làm giảng viên đại học

Ngồi xe lăn làm giảng viên đại học
Bị bại liệt từ năm hai tuổi nhưng người con gái mang tên loài hoa đẹp ấy đã làm nên điều kỳ diệu chỉ với đôi bàn tay, tự tin đứng trên bục giảng.

Cô là Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - giảng viên tiếng Anh đại học dân lập Hải Phòng. Bị bại liệt từ năm hai tuổi nhưng cô đã làm nên điều kỳ diệu chỉ với đôi bàn tay, tự tin đứng trên bục giảng chứng minh cho mọi người thấy: “Đừng nhìn vào khiếm khuyết của tôi, hãy nhìn vào những gì tôi đã làm”…

Những tiết học thể dục đầy nước mắt

Quỳnh Hoa sinh năm 1981, bị bại liệt từ năm hai tuổi, chân trái teo lại không phát triển khiến cô gặp khó khăn trong di chuyển. Những ngày bé thơ, Hoa chưa nhận thức được hết những nỗi đau mà mình phải gánh chịu khi bị bạn bè chế giễu, trêu chọc là “con què”, còn người lớn thì nhìn mình với ánh mắt thương hại “khổ thân con bé, trông xinh xắn thế kia mà bị què”. Nhưng cô đã nhận thức ra mình là người “dị biệt” khi đến tuổi đi học.

Ngồi xe lăn làm giảng viên đại học ảnh 1

Trong khi các bạn cùng lớp có thể tung tăng ra ngoài sân chơi đùa hay học thể dục bình thường thì cô chỉ biết ngồi trong lớp lau nước mắt vì tủi thân. Mạnh mẽ vượt qua nỗi đau, cô dồn hết cho niềm đam mê học tập. Những ngày nghỉ hoặc thời gian rảnh rỗi, Hoa vùi đầu vào bài vở trong khi bạn bè cùng trang lứa rủ nhau đi chơi. Sự cần mẫn của cô được đền bù xứng đáng khi Hoa đỗ vào chuyên Anh, Năng khiếu Trần Phú và luôn đạt học sinh giỏi suốt những năm THPT.

Năm 2000, khi làm hồ sơ thi đại học, một lần nữa Quỳnh Hoa ý thức được thân phận của mình. Hoa muốn thi đại học ở Hà Nội nhưng gia đình không đồng ý, muốn cô đi học thợ may hoặc một nghề nào đó vì nghĩ rằng sức khỏe yếu như cô thì không thể làm những việc bình thường được. Khóc lóc suốt mấy ngày, dùng mọi cách thuyết phục, Hoa được bố mẹ đồng ý nộp hồ sơ vào hệ Sư phạm ĐH Hải Phòng.

Tuy nhiên cô không đạt tiêu chuẩn chỉ vì đôi chân. Không từ bỏ ước mơ, Hoa thi tuyển vào ĐH Dân lập Hải Phòng và đỗ thủ khoa với 25 điểm. Ra trường với tấm bằng cử nhân tiếng Anh giỏi năm 2003, Quỳnh Hoa may mắn được nhà trường giữ lại làm giảng viên tại khoa tiếng Anh. Bất chấp bệnh tật, cô lặn lội lên Hà Nội học cao học và bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ ngành Ngôn ngữ Anh với tấm bằng loại giỏi. Hoa đã chứng minh cho mọi người thấy: Dù bạn là người như thế nào thì thành công vẫn luôn mỉm cười với những ai biết nỗ lực nắm bắt lấy cơ hội!

Người thầy đặc biệt

Quỳnh Hoa chia sẻ: “Trong suốt 4 năm ĐH, tôi luôn được thầy cô giáo và ban giám hiệu nhà trường quan tâm giúp đỡ. Các thầy cô đã nhìn vào cái đầu chứ không phải đôi chân để đánh giá đúng khả năng của mình và hết lòng tạo điều kiện giúp tôi hoàn thành được giấc mơ sư phạm”.

Ngồi xe lăn làm giảng viên đại học ảnh 2

Thời gian đầu khi đứng lớp, sinh viên thấy rất lạ với một cô giáo trẻ xinh xắn và có phần đặc biệt như Hoa. Tuy nhiên giờ đây họ lại rất quý cô Hoa vui tính. Mỗi lần thấy cô đi làm là chạy tới trò chuyện, xách cặp hay dắt xe giúp cô. Không chỉ là cô giáo, sinh viên còn coi Hoa như người bạn, người chị để trút bầu tâm sự hay tìm đến khi cần những lời khuyên. Những câu chuyện gọi chị xưng em đầy thân mật hay những câu nói hồn nhiên, dễ thương “Cô ơi! Em yêu cô” của sinh viên đã giúp Hoa thêm yêu nghề, thêm tự tin vững bước trên con đường trồng người còn đầy gian khó.

Mỗi tuần, trung bình Hoa dạy 25-30 tiết. Khổ nhất là những hôm trời rét mướt hay mưa gió, mà lại dạy tiết 1, Hoa lọ mọ dậy từ hơn 5h sáng để chuẩn bị đến trường vì không muốn cho sinh viên nghỉ bởi thương các em dậy sớm đi học mà phải về còn khổ thân hơn.

Hai năm đầu đi dạy bằng xe đạp điện, Hoa không ít lần phải khổ sở giữa đường vì xe hết điện, không thể dắt nổi. Vậy là cô liều tập đi xe máy dù bố mẹ khuyên ngăn. Gần 8 năm đi xe máy, Hoa bị ngã không biết bao nhiêu lần do chân trái không thể chống xe được hay những lần hỏng xe phải đứng yên chờ bố đón. Mỗi lần vượt qua được một khó khăn là Hoa thêm phần mạnh mẽ, quyết tâm theo đuổi đến cùng nghiệp sư phạm.

Ngoài tiết học trên lớp, Hoa còn thường tổ chức những hoạt động ngoại khóa cho sinh viên. Cô kêu gọi sinh viên vào những nhóm từ thiện, giúp các em có sự yêu thương, sẻ chia, kết nối với những số phận bất hạnh, hay tổ chức những buổi thảo luận nhóm bằng tiếng Anh theo chuyên đề. Chính những hoạt động ngoại khóa như vậy đã giúp Hoa đến gần với sinh viên của mình hơn, nắm bắt đúng tâm lý của học trò, từ đó sáng tạo ra phương pháp dạy hiệu quả để sinh viên thêm yêu thích học tiếng Anh.

“Sinh viên bây giờ dù nhận thức được tầm quan trọng của tiếng Anh nhưng vẫn có tâm lý ngại học. Vì vậy mình phải tìm soạn giáo án cho phù hợp. Sinh viên yêu thích tiếng Anh là mình đã thành công một nửa”, Hoa vui vẻ cho chia sẻ.

Với những cống hiến của mình, Quỳnh Hoa vinh dự được vinh danh là 1 trong 15 cựu sinh viên tiêu biểu của trường nhân dịp kỉ niệm 15 năm thành lập trường. Cô được nhận danh hiệu “Nữ giảng viên giỏi việc trường, đảm việc nhà” và có hai đề tài nghiên cứu khoa học giúp người học tiếng Anh cải thiện kỹ năng nghe, nói được đánh giá cao.

Nữ thủ lĩnh của “Sống độc lập Hải Phòng”

Là giảng viên đại học được coi là thành công so với những người cùng hoàn cảnh nhưng Hoa luôn đau đáu trước thực trạng hiện nay là người khuyết tật chưa thực sự được đối xử bình đẳng như người bình thường.

Khi chương trình “Sống độc lập” triển khai tại đất cảng, cô là một trong những người tiên phong đưa phong trào này phát triển mạnh. Là trưởng nhóm của “Sống độc lập Hải Phòng”, 3 năm qua, Hoa đã cùng với các sinh viên, tình nguyện viên đi đến từng ngõ ngách để tìm kiếm người phù hợp tham gia chương trình. Đó là những người bại não, tổn thương cột sống, liệt nửa người… phải sống phụ thuộc vào gia đình. Với mục đích muốn giúp người khuyết tật tìm lại được niềm vui trong cuộc sống, tự tin hòa nhập với cộng đồng, đến nay chương trình đã có 30 thành viên đều là những người khuyết tật nặng.

Ngồi xe lăn làm giảng viên đại học ảnh 3

Quỳnh Nga và các thành viên trong nhóm "Sống độc lập".

Theo Quỳnh Hoa, nhiều người khuyết tật vẫn mang tâm lý mặc cảm tự ti, không muốn tiếp xúc với xã hội, nhất là những người khuyết tật nặng do tai nạn, họ thường bị sốc về tâm lý nên nhiều người ban đầu từ chối tham gia phong trào. Dần dần sau khi biết về Sống độc lập, họ đã rất hăng hái tham gia và còn giúp đỡ nhóm rất nhiều. Nhiều người nhà người khuyết tật ban đầu cũng ngại ngần, không muốn người thân tham gia, nhưng rồi dần dần hiểu về ý nghĩa của chương trình, mọi người rất ủng hộ.

Để chương trình sống được, Hoa đã không ngần ngại làm đủ mọi việc để gây quỹ. Vì lợi ích của nhóm, nhiều lần cô lọ mọ dậy sớm đi lấy hoa ra chợ bán, cũng mặc cả từng đồng hay đi xin tài trợ. Đã không ít lần Hoa muốn bỏ cuộc, muốn rời khỏi nhóm vì hoạt động của nhóm đi vào bế tắc do thiếu kinh phí, hoạt động không hiệu quả...

“Nhưng rồi tôi lại cố gắng bám trụ. Vì trong nhóm, tôi là người khuyết tật nhẹ nhất, coi như may mắn hơn mọi người nên muốn chia sẻ may mắn ít ỏi đó với những người bạn đồng cảnh. Lúc mệt mỏi nhất, tôi thường cắm hoa trang trí, vừa lấy lại cân bằng, vừa đem bán được để gây quỹ”, Hoa cho biết.

Năng nổ trong mọi hoạt động là thế, giỏi giang xinh đẹp là thế nhưng đến nay Hoa vẫn chưa tìm được hạnh phúc riêng cho bản thân. Cô lạc quan tâm sự: “Những người hoàn cảnh như tôi thường rất khó tìm được hạnh phúc. Cũng có vài người đến với mình nhưng rồi họ cũng bỏ đi vì không thể vượt qua nổi sức ép gia đình, dư luận xã hội. Đau nhưng rồi cũng vượt qua được. Tôi tin rằng có một ai đó ngoài kia đang tìm mình, và tôi vẫn đứng đây để chờ người ta tìm thấy”.

Theo An ninh Hải phòng
MỚI - NÓNG