Phạt nặng dạy thêm: Sợ chứ không phục!

Phạt nặng dạy thêm: Sợ chứ không phục!
Quy định của Bộ GD-ĐT tưởng rất chặt chẽ, muốn “múc nước” tiêu cực tại các “hố” dạy thêm, học thêm nhưng thực tế đang dùng rổ để làm!

Phạt nặng dạy thêm: Sợ chứ không phục!

> Dạy thêm sai quy định phạt tới 30 triệu đồng 

Quy định của Bộ GD-ĐT tưởng rất chặt chẽ, muốn “múc nước” tiêu cực tại các “hố” dạy thêm, học thêm nhưng thực tế đang dùng rổ để làm!

Học sinh của một trường trung học tại TPHCM đến trung tâm dạy thêm sau giờ chính khóa
Học sinh của một trường trung học tại TPHCM đến trung tâm dạy thêm sau giờ chính khóa. Ảnh: Tấn Thạnh

Bộ GD-ĐT vừa đưa quy định phạt 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi dạy thêm không giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn sử dụng vào dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đã dấy lên nhiều ý kiến trong ngành. Nhiều nhà giáo dục lão thành cho rằng quy định này chỉ nhằm giải quyết cái ngọn của thực trạng.

Học sinh thiệt thòi

Ở góc độ nhà quản lý, nhà nghiên cứu hay giáo viên thì dạy thêm, học thêm đều là nhu cầu tất yếu.

Bà Nguyễn Thị Thu Cúc, đại biểu Quốc hội, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định - TPHCM, cho biết chương trình thi đại học rất dàn đều. Học sinh bình thường chỉ có thể giải quyết được 50% yêu cầu nên muốn đậu đại học bắt buộc phải học thêm. Bản thân bà cũng đang dạy thêm môn hóa tại một trung tâm luyện thi đại học.

Bà Thu Cúc cho biết nhiều năm qua đã đào tạo được rất nhiều học sinh vào đại học. Mong muốn của bà là giảm dạy thêm, học thêm chứ không cấm triệt để bởi đây là nhu cầu chính đáng.

Bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1 - TPHCM), cho biết ngoài giờ học chính khóa, nhiều giáo viên ở lại để dạy thêm cho những học sinh yếu kém mà không lấy thù lao.

Ngoài ra, trường còn tổ chức ôn luyện cho những học sinh muốn thi vào các trường chuyên hoặc muốn bồi dưỡng thêm theo nhu cầu của phụ huynh. Nếu cấm dạy thêm, học thêm trong trường hợp này thì người thiệt thòi chính là học sinh.

Một giáo viên dạy giỏi của một trường tiểu học ở quận Đống Đa - Hà Nội cho biết lãnh đạo trường tuyệt đối tuân thủ quy định của Sở GD-ĐT, không đồng ý cho giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường.

“Thế nhưng, ai cũng muốn cho con vào trường chuyên lớp chọn, mà muốn vào học các lớp tốt thì phải luyện thi. Dạy học, nâng cao kiến thức cho học sinh theo yêu cầu của phụ huynh mà bị phạt tới 20 triệu đồng thì quả là bất công với chúng tôi” - giáo viên này bức xúc.

Một giáo viên khác cũng ngậm ngùi: “Chúng tôi không muốn đặt áp lực cho học sinh nhưng ngành giáo dục lại đặt áp lực cho chúng tôi. Nếu học sinh không đạt tỉ lệ khá, giỏi nhất định thì chúng tôi bị lãnh đạo nhà trường phê bình. Phạt nặng người dạy thêm như một nỗi đau của người làm giáo dục”.

Phải “trị” từ gốc

Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho rằng quy định về quản lý dạy thêm, học thêm không đề cập phụ huynh - học sinh, trong khi đây là yếu tố tác động rất lớn đến việc dạy thêm của giáo viên…

TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, không ngần ngại chỉ ra rằng Bộ GD-ĐT chính là nguyên nhân trực tiếp khiến việc dạy thêm, học thêm trở thành điều tất yếu. Chương trình học, thi tuyển rất nặng, càng lên cao thì giáo viên không đủ thời gian dạy cho học trò trong giờ chính khóa nên phải tổ chức dạy thêm.

Ông ví von: “Quy định của Bộ GD-ĐT tưởng rất chặt chẽ, muốn “múc nước” tiêu cực tại các “hố” dạy thêm, học thêm nhưng thực tế đang dùng rổ để làm điều này”.

Theo TS Hồ Thiệu Hùng, thông tư này vô hình trung đang tạo điều kiện cho trường dân lập thoải mái, muốn làm như thế nào thì làm. Trong khi đó, các trường công lập, trường chuyên thì bị nghiêm cấm khắt khe. Những giáo viên sau khi dạy có uy tín ở một trường nào đó, xin ra ngoài dạy thêm thì ai cấm được? Nhiều chuyên gia giáo dục, các nhà quản lý và giáo viên cho rằng quy định trên chỉ có thể khiến giáo viên sợ chứ không phục.

Theo Lan Anh – Nguyễn Huy
Người Lao Động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG