Rạo rực đến, lưu luyến khi chia xa

Rạo rực đến, lưu luyến khi chia xa
TP - Có đi cùng đoàn thầy thuốc trẻ và thanh niên tình nguyện về với bà con nghèo huyện Thái Thụy, Thái Bình dịp đầu tháng Ba này, tôi mới thấu hiểu sự nhiệt tình, tâm huyết của các ĐVTN mặc blouse trắng.

> Khám chữa bệnh cho hơn 1.000 dân nghèo
> Sẽ khám chữa bệnh cho hơn 2.000 người

Mờ sáng, khi đường phố còn vắng vẻ, nhóm bác sỹ trẻ lỉnh kỉnh ba lô sau lưng, rồi thoăn thoắt, người bê thùng thuốc, người khiêng máy điện tim, máy siêu âm lên xe bắt đầu hành trình vượt gần 200 cây số đến với bà con "vùng quê năm tấn”.

Lên xe, câu chuyện tháng ba bắt đầu râm ran. Tiếng nói cười, những bài hát tình nguyện, những kế hoạch ngược xuôi miền Bắc, miền Trung khám chữa bệnh cho đồng bào nghèo cứ rôm rả.

Nguyễn Văn Đăng, bác sỹ nội trú khoa ung thư, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nói không ngừng, như một hoạt náo viên, tạo nên những tiếng cười sảng khoái, giúp các thành viên xua tan mệt nhọc trên hành trình.

Sau lễ ra quân Tháng Thanh niên cùng Đoàn thanh niên Tập đoàn Dầu khí, các bác sỹ trẻ bắt đầu với phòng khám di động tại trạm y tế xã Thái Đô, huyện Thái Thụy. Gần 500 bà con tập trung ở trạm y tế từ sớm, khi thấy đoàn bác sỹ từ Thủ đô về, họ mừng rỡ.

Đích thân Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Đại học Y trực tiếp đôn đốc các bác sỹ trẻ tình nguyện tại xã Thái Đô.

Bí thư Đoàn Thanh niên Tập đoàn dầu khí Nguyễn Quốc Thịnh nói với bà con rằng, “thật may mắn khi hôm nay bác sỹ hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội trực tiếp điều hành việc khám chữa bệnh cho người dân”.

Trên khuôn mặt những người dân nghèo ánh lên những niềm vui. Dù trời mỗi lúc một nắng nóng nhưng bà con vẫn kiên nhẫn ngồi đợi theo thứ tự khám bệnh.

Cụ Nguyễn Thị Mão năm nay 101 tuổi đến khám bệnh cùng con gái. Cụ bị tai biến liệt nửa người hơn 30 năm, nay đã tập đi lại được. Cụ cho biết: “Nghe tin có đoàn bác sỹ trẻ từ Thủ đô về, tôi nóng lòng chờ từ mấy hôm nay. Tôi nói con gái sắp xếp công việc đưa tôi ra trạm y tế bằng được, nay được khám cẩn thận, tôi phấn khởi lắm”.

Cụ Tạ Văn Cao năm nay 85 tuổi bị huyết áp cao và viêm khớp đi lại khó khăn, lại bị khó thở nhưng không có điều kiện đi thăm khám tại bệnh viện, nay có đoàn bác sỹ về khám bệnh, phát thuốc tại xã, cụ rất vui. Cụ nói: “Tôi bị viêm phế quản mãn tính nhưng lâu rồi không có tiền mua thuốc uống, cứ chịu đựng vậy. Nhà có ông bà chăm nhau, bà nhà tôi năm nay 83 tuổi, cũng muốn đi để bác sỹ trẻ khám cho nhưng không có ai trông nhà nên bà nhường cho tôi”.

Các bác sỹ chia làm nhiều nhóm, trong đó có một nhóm bác sỹ phụ trách phát thuốc, một bác sỹ điện tim, một bác sỹ siêu âm và hai nhóm bác sỹ khám. Nhiệt tình, điềm đạm và thân thiện, các bác sỹ chiếm được cảm tình của người dân. Một số người dân đi khám bệnh còn mang biếu bác sỹ mớ rau, con cá...

Làm việc không ngừng nghỉ từ sáng đến 12h trưa, các bác sỹ vẫn không đáp ứng hết nhu cầu của người dân. Đầu giờ chiều, bác sỹ trở lại công việc sớm. Trong một ngày, các bác sỹ khám, phát thuốc cho hơn 350 người.

Nói về kết quả khám, bác sỹ Nguyễn Văn Đăng cho hay, không có người nào bị bệnh lạ hay bệnh quá nặng, phần lớn bà con đều bị bệnh tuổi già như huyết áp cao, viêm khớp, một số người bị viêm loét dạ dày, viêm đại tràng, có 5-10 người bị nhồi máu cơ tim, bị các triệu chứng của bệnh suy tim.

Ấn tượng với chuyến đi, Nguyễn Văn Hải, bác sỹ trẻ mới tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội chia sẻ: “Tình cảm nồng hậu và sự đón chờ của bà con làm cho mình cảm thấy việc làm của mình thật ý nghĩa. Cứ sau mỗi chuyến tình nguyện, mình lại muốn đi những chuyến tiếp theo”.

Bác sỹ Hải nhớ có lần khám tình nguyện cho bà con đồng bào dân tộc nghèo ở Tuyên Quang, có bà cụ đi bộ từ sáng, vượt hơn 10 cây số đường đồi để đến khám; có người dân tặng bác sỹ đôi đũa cả để nấu cơm hay nải chuối, mớ rau... “Đó là sự quan tâm chân tình mà những bác sỹ trẻ như tôi không bao giờ quên”, Hải nói.

Bác sỹ Võ Trương Như Ngọc (Đại học Y Hà Nội), trưởng đoàn bác sỹ trẻ tình nguyện tại huyện Thái Thụy (Thái Bình) chia sẻ: “Dù đi nhiều, gặp nhiều bà con ở các vùng khác nhau nhưng mỗi lần khám bệnh tình nguyện lại có một cảm xúc, đến những vùng càng khó khăn, chúng tôi càng cảm nhận rõ nhu cầu, sự khát khao được gặp bác sỹ của người dân nơi đây”.

Cuối tháng Ba này, đoàn bác sỹ trẻ tình nguyện trường Đại học Y Hà Nội lại lên đường về miền Trung, hoạt động ở bệnh viện Đặng Thùy Trâm (Đức Phổ - Quảng Ngãi), nơi bà con vẫn còn gặp nhiều khó khăn!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG