Sinh viên thủ đô: Tết là cơ hội tốt để làm ăn

Sinh viên thủ đô: Tết là cơ hội tốt để làm ăn
Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán, trong khi hầu hết các bạn háo hức chuẩn bị hành trang về quê, không ít sinh viên vẫn ở lại Hà Nội thêm vài ngày nữa để làm thêm, kiếm tiền trang trải dịp Tết.

Kỳ thi hết học kỳ đã kết thúc khá lâu, đây là khoảng thời gian thích hợp để các bạn sinh viên có thể yên tâm làm thêm dịp Tết mà không sợ ảnh hưởng đến bài vở.

Bạn Hồ Quang Trung (sinh viên năm 2 trường Cao đẳng y tế cộng đồng, Hà Nội) quê ở Bắc Giang cho biết: Năm nay, Trung sẽ về nhà vào sáng 30 Tết hoặc chiều 30 tết. Trung ở lại Hà Nội cùng với một vài người bạn của mình đã mở một nhóm “Ship hàng sinh viên” để nhận chở hàng hóa đến địa điểm yêu cầu khi có người gọi. Trung cho biết, để chuẩn bị cho công việc này, Trung đã lên các trang diễn đàn, mạng xã hội tạo lập nick và topic nhận ship hàng cho các cửa hàng bán online.

"Ban đầu mình phải nhận chở những đơn hàng khá rẻ, chỉ đủ tiền xăng để gây dựng uy tín. Đến lúc cận Tết, chúng mình sẽ đẩy giá chuyển các đơn hàng ấy cao hơn một chút để bù vào. Bên cạnh đó, càng đến sát Tết, người thuê cũng tự động nâng giá lên cho mình. Những người bán hàng Online đa số là dân văn phòng thế nên đẩy giá cao hơn tầm 5 -10 ngàn đồng họ cũng vui vẻ đồng ý", Trung chia sẻ.

Không thuận lợi được như nhóm bạn của Trung, vì không có xe máy, Kim Thúy quê ở Nghệ An (sinh viên trường Đại học Đông Đô) chỉ xin được vào làm nhân viên bán hàng tại Lương Văn Can (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Thúy cho biết năm nay mình xin bố mẹ về quê muộn hơn vì cũng muốn có chút quà Tết gửi biếu bố mẹ và ông bà. Mọi năm về quê, là sinh viên ăn còn không đủ, lấy đâu tiền mua quà Tết cho mọi người.

Với công việc bán hàng đồ chơi trẻ em ngay tại phố Lương Văn Can, Thúy được trả 150 ngàn đồng/ngày, làm việc từ 8h sáng đến 8h 30 tối và được ăn hai bữa. "Nhờ nói được tiếng Anh nên khi bán hàng trên trung tâm này, mình không bị “khớp” khi có khách hàng là người nước ngoài vào hỏi. Cũng chính điều này đã khiến cho chủ cửa hàng đồng ý thuê mình", Thúy cho hay.

Bạn Lê Thành Tâm sinh viên khoa cơ khí trường Cao đẳng Bách Khoa Hà Nội cho biết năm nay nhà trường “mừng tuổi” sinh viên được 50 ngàn đồng. Một số người ở gần thì đủ tiền vé xe ô tô. Quê Tâm ở tận Quảng Bình nên năm nay muốn về muộn một chút vì vé tàu đã đặt sẵn. Nhờ người quen nên Tâm đã xin được một chỗ đứng ngay đường Nghi Tàm để chở cây cảnh cho người mua về trưng dịp Tết.

"Ban đầu đứng đây cũng run lắm vì sợ bị bắt nạt, nhưng may có người quen cũng làm xe ôm ở đây khá lâu rồi nên mình cứ đứng với anh ấy. Anh này với các chủ cửa hàng quanh đó cũng đã đồng ý với nhau, nếu chở một cây cảnh về nhà khách giá 40- 50 ngàn đồng thì gửi lại cửa hàng 10 ngàn “cảm ơn”, còn lại là tiền công chở cây cảnh của mình", Tâm kể.

Trong 5 ngày đứng ở đây, mỗi ngày Tâm kiếm được khoảng gần 200 ngàn tiền chở cây. "Khi chở các cây đẹp đến nhà khách, hoặc đi xa, dù đã mặc cả giá trước từ 40 hoặc 60 ngàn/1 lượt đi nhưng đến nơi mình vẫn xin thêm 10 – 20 ngàn. Khách thương tình ngày Tết vất vả nên vẫn cho thêm, mình giữ tiền đó riêng để về quê mua được cái ô tô điều khiển cho cậu em út như lời hứa trước đó", Tâm vui vẻ cho biết.

Theo Một thế giới
MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.