Teen làm video đồ họa chiến thắng Điện Biên Phủ

Teen làm video đồ họa chiến thắng Điện Biên Phủ
Với hình ảnh đồ họa hấp dẫn, vui nhộn, cách trình bày mạch lạc, hiệu ứng âm thanh sống động, hai video chiến thắng 7/5/1954 của học sinh trung học ở TP HCM đang gây chú ý trên mạng.

Teen làm video đồ họa chiến thắng Điện Biên Phủ

Với hình ảnh đồ họa hấp dẫn, vui nhộn, cách trình bày mạch lạc, hiệu ứng âm thanh sống động, hai video chiến thắng 7/5/1954 của học sinh trung học ở TP HCM đang gây chú ý trên mạng.

Hình ảnh đồ họa hóm hỉnh trong video
Hình ảnh đồ họa hóm hỉnh trong video.
 

Video "56 ngày đêm chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng" và "Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954" là bài tập môn Tin học của học sinh lớp Toán và Hóa trường Phổ thông năng khiếu ở TPHCM.

Dài hơn 8 phút, video "56 ngày đêm chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng" đã tóm lược toàn bộ trận chiến lừng lẫy địa cầu. Bài làm của lớp Toán giống như một tiết giảng lịch sử hoàn chỉnh với cách phân chia rành mạch các phần như: Hoàn cảnh lịch sử, tương quan lực lượng hai bên, diễn biến, tổn thất và ý nghĩa lịch sử.

 

Để video thêm sinh động, nhóm học sinh đã thiết kế nhiều hình ảnh đồ họa ấn tượng cùng nhạc nền dồn dập tạo hiệu ứng. "Để kiểm soát Thượng Lào và làm đòn bẩy tiêu diệt Việt Minh, năm 1953 Pháp chọn thung lũng Điện Biên Phủ thanh bình dài 20 km, rộng 5 km làm căn cứ. Khu vực hẻo lánh này trên lý thuyết chỉ có thể tiệm cận được bằng đường hàng không, vì vậy phía Pháp cho rằng Điện Biên Phủ sẽ là một pháo đài bất khả xâm phạm", trích lời dẫn.

Ở phần giới thiệu cứ điểm Điện Biên Phủ, nhóm học sinh cho hay, Pháp chia nơi này làm 3 phân khu: Bắc, Trung tâm và Nam. Khi tiếp cận các cứ điểm này, quân đội Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi phải vượt quãng đường bộ dài 200 km chằng chịt trông gai, bom mìn, hỏa lực mà không hề được che chắn bởi trước đó Pháp đã san phẳng các chướng ngại vật để đỡ vướng tầm nhìn.

Video Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 của học sinh lớp Hóa có nhiều hình ảnh và chú thích nhí nhảnh
Video Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 của học sinh lớp Hóa có nhiều hình ảnh và chú thích nhí nhảnh.
 

So sánh lực lượng hai bên, Pháp có 267 tiểu đoàn trong khi đó Việt Nam chỉ có 127. Pháp được Mỹ viện trợ hơn 400.000 tấn còn Việt Nam được Liên Xô và Trung Quốc viện trợ 21.517 tấn. "Quân số và hỏa lực của Pháp đều mạnh hơn ta. Nếu người lính Việt có một khẩu súng thì một lính pháp có tới 20 khẩu", trích dẫn.

Không có những phương tiện hiện đại như xe tải, máy bay tiếp tế lương thực, lực lượng hậu cần của Việt Nam có 21 vạn xe đạp thồ được người dân tự cải tiến có thể chở được 200 - 300 kg hàng, cùng với đó là bè mảng. Phương tiện vận chuyển này đã gây bất ngờ lớn cho các tầm chỉ huy Pháp.

Cuối video, nhóm học sinh không quên nhấn mạnh, chiến thắng oanh liệt này kết thúc 9 năm cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam, góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Chiến dịch khẳng định và tôn vinh sức mạnh phi thường của quân dân, trí tuệ và chiến lược tài tình của bộ chỉ huy cũng như lòng yêu nước nồng nàn của mỗi người dân Việt.

Cùng chung chủ đề như lớp Toán, học sinh lớp Hóa cũng làm video về chiến thắng Điện Biên Phủ với cách trình bày sáng tạo. Để người xem dễ theo dõi và nhớ các mốc, nhóm chia thành từng mục: Địa hình; Khó khăn; Diễn biến và Kết luận. Nội dung và hình thức cũng tương tự nhóm lớp Toán trên nhưng cách thể hiện hài hước, nhí nhảnh hơn.

Trao đổi với VnExpress.net, Nguyễn Đỗ Vĩnh Anh (lớp 10 Toán, Trường phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP HCM) cho biết, em là trưởng nhóm thực hiện video "56 ngày đêm chiến dịch Điện Biên Phủ". Sau khi được thầy giáo dạy Tin học giao đề tài làm một đoạn phim ngắn 7-8 phút với một số chủ đề về giai đoạn lịch sử, sự kiện hoặc địa danh lịch sử, 6 thành viên đã chọn chiến thắng Điện Biên Phủ và làm trong suốt 3 tháng.

Mục đích của cả nhóm là làm một video về chiến công lẫy lừng của Việt Nam như một kỷ niệm lớp 10. Để có được lượng thông tin dày dặn, bên cạnh dựa vào kiến thức trong sách giáo khoa, Vĩnh Anh và các bạn cùng nhau tìm kiếm tư liệu trên mạng, trong thư viện hoặc hỏi các thầy cô giáo dạy Sử. Sau khi xong kịch bản, nhóm nhờ các thầy xem hộ.

Hình ảnh tương quan lực lượng giữa Pháp và Việt Nam trong video
Hình ảnh tương quan lực lượng giữa Pháp và Việt Nam trong video.
 

"Em chưa ưng ý với video này lắm vì phần cuối trùng đợt thi nên chưa làm kỹ được, âm thanh còn nhỏ, hình chưa đẹp. Làm xong, chúng em đưa cho bạn bè, người thân xem và ai cũng khen ngộ nghĩnh nhưng góp ý phần sau chưa tốt lắm", Vĩnh Anh chia sẻ.

Cậu học trò trên cho biết thêm, bài tập nhóm ấy vừa được nộp cho thầy giáo cách đây 2 tuần và giờ chưa có điểm.

Mặc dù chỉ gói gọn trong vòng vài phút nhưng video của học sinh trung học về trận đánh lịch sử trên phần nào tái hiện không khí hào hùng và khí thế sục sôi đánh giặc trong thời kỳ máu lửa ấy. Trước hai video này, từng có một số học sinh, sinh viên thể hiện các đề tài lịch sử qua phim hoạt hình hoặc dùng đồ họa.

Theo Bình Minh
Vnexpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG