Tim đã ngừng đập nhưng lửa vẫn rực cháy

Tim đã ngừng đập nhưng lửa vẫn rực cháy
TP - TS Nguyễn Phú Bình (Phó Vụ trưởng Vụ Dân vận các cơ quan nhà nước - Ban Dân vận T.Ư, nguyên Bí thư Đoàn trường ĐHSP TPHCM), nhân vật trong bài viết “Người gieo hạt Mùa hè xanh” trên báo Tiền Phong xuân Quý Tỵ 2013 đột ngột ra đi ngày 5-3.

> Khai mạc trọng thể đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X
> Khát vọng tuổi trẻ dựng xây đất nước

Đột ngột

Khoảng 22 giờ đêm thứ ba, ngày 5-3, trong lúc tôi đang ăn cơm tối thì điện thoại reo, một người bạn và là đồng nghiệp của anh Phú Bình thông báo: “Anh Bình bị trụy tim, đang cấp cứu ở Viện Tim thành phố”.

Tôi chạy đến, Viện Tim vắng lặng, người thân anh Bình ngồi hai bên hành lang trước phòng mổ. Một người trong số đó cho biết, khoảng 5h30 chiều hôm đó, trong lúc đang trên đường đi công tác miền Tây Nam bộ, anh Bình và đoàn công tác dừng ăn cơm tối tại Long An.

Đột nhiên anh ôm ngực, lảo đảo rồi gục xuống. Mọi người chuyển anh đến Viện Tim TPHCM và các bác sỹ ở đây tiến hành phẫu thuật khẩn cấp...

Khoảng nửa giờ sau khi tôi có mặt ở bệnh viện, cánh cửa phòng mổ mở, một bác sỹ trong kíp phẫu thuật bước ra cho biết: Đã mổ xong, bệnh nhân bị tắc mạnh máu, phẫu thuật đặt stend và đã thông chỗ tắc, tuy nhiên tim vẫn chưa hoạt động trở lại. “Đây là ca rất nặng, khả năng tim hoạt động trở lại là rất chậm”- vị bác sỹ nói.

Hôm Tết, anh Bình gọi điện cho tôi chúc mừng năm mới. Nhân tiện anh tâm sự: “Rất cảm ơn báo Tiền Phong đã có bài viết về mình. Đây là món quà rất ý nghĩa mà báo dành cho mình, bởi sau hơn hai thập kỷ Chiến dịch ánh sáng văn hóa hè và Mùa hè xanh tình nguyện vẫn còn có người nhớ đến mình”. Anh còn hẹn, sau Tết gặp lại, anh em trò chuyện nhiều hơn về những vấn đề anh tâm huyết, trăn trở về Mùa hè xanh và phong trào tình nguyện.

“Bình là người đúng nghĩa vô sản”, anh Phạm Thanh Hồng, một người bạn thân từ thời nối khố của anh Bình nói. Rồi anh kể: “Khi Bình ra đi, kiểm tra ví còn đúng 1,3 triệu đồng, ngoài ra không còn gì khác”. Giọng của người đàn ông từng trải này đã nhiều lần lạc đi và câu chuyện anh kể phải ngắt quãng giữa chừng vì xúc động. Vợ anh Bình làm nghề buôn bán nhỏ, gia đình nhỏ của anh vẫn chưa có một chốn riêng và phải ở nhờ gia đình nhà vợ.

Người nhóm lửa

Anh Nguyễn Phú Bình (thứ hai từ trái sang, hàng sát ôtô) nói chuyện với sinh viên tại lễ ra quân công tác hè năm 1993
Anh Nguyễn Phú Bình (thứ hai từ trái sang, hàng sát ôtô) nói chuyện với sinh viên tại lễ ra quân công tác hè năm 1993 .
 

Trước Tết không lâu, có dịp hàn huyên với nhau, tôi được anh Bình chia sẻ về kỷ niệm không bao giờ quên trong Chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè 1994 (Chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè đầu tiên của Thành Đoàn TPHCM): “Hôm đó, Chiến dịch Ánh sáng văn hoá ra quân được 5 ngày rồi, thứ sáu, tôi với Tăng Hữu Phong - cán bộ Thành Đoàn (hiện là Phó TBT Báo Tuổi Trẻ), chở nhau trên chiếc xe máy cà tàng đi kiểm tra chiến dịch ở Bình Chánh. Khắp nơi, tình hình ngổn ngang: chỗ thì chiến sĩ chưa tìm được chỗ ở; chỗ mở được lớp một ngày, hôm sau học viên lại bỏ lớp; một số sinh viên lần đầu tham gia chiến dịch không chịu được gian khó, tinh thần dao động và lác đác vài bạn bỏ về.

Lo quá! 5 giờ chiều chúng tôi về đến Bình Trị Đông, Thắm - đội trưởng đội sinh viên tình nguyện ĐHSP báo tin mở được lớp rồi, tối nay khai giảng.

7 giờ tối về thị trấn An Lạc, lại một điểm nữa của ĐHSP mở lớp, mừng quá! Về đến nhà 9 giờ đêm và suốt đêm đó không ngủ được, tôi ngồi viết một lèo đến gần sáng thì hoàn thành bài thơ Giữa mùa mưa chiến dịch.

Sáng hôm sau, thứ bảy, tôi vào Thành Đoàn theo lời hẹn với Tăng Hữu Phong. Tôi đưa Phong xem bài thơ và bảo bằng mọi giá phải làm xong bản tin đầu tiên về chiến dịch để kịp sáng thứ hai giao ban các mặt trận. 1h chiều vừa xong việc, anh em ra đến cổng Thanh Đoàn thì gặp phóng viên Việt Bình (bấy giờ là Chủ nhiệm CLB Tuổi trẻ Đài tiếng nói Nhân dân TPHCM).

Tôi đưa bài thơ cho Việt Bình xem. Xem xong, Việt Bình đề nghị tôi lên phòng thu của Đài đọc trực tiếp bài thơ này cho chương trình Câu lạc bộ Tuổi trẻ phát vào 8h sáng chủ nhật.

Sáng hôm sau bài thơ được phát đi, những chiến sĩ trên các mặt trận đều nghe được. Sáng thứ hai, bài thơ xuất hiện trên bản tin đầu tiên của chiến dịch, góp phần động viên các chiến sĩ đi suốt mùa mưa chiến dịch năm ấy.

Tôi hỏi anh Bình: Là một trong những người gieo hạt giống cho phong trào thanh niên tình nguyện thời kỳ đổi mới, qua từng ấy thời gian, đến bây giờ anh thấy mình gặt hái được những gì? Anh Bình nói: “Chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè 1994 là một kỷ niệm không thể nào quên. Dù đã gần 20 năm qua đi nhưng nó vẫn như đốm lửa đỏ trong lòng tôi - đốm lửa của sự hy sinh, của sự ẩn nhẫn, nhưng lớn hơn hết là đốm lửa của lòng nhiệt thành và cái đó nó giúp tôi vượt qua mọi chông gai, khó khăn trong cuộc đời”.

Anh tâm sự, suốt 20 năm qua, mỗi khi mùa hè đến, giai điệu bài hát Mùa hè xanh của nhạc sỹ Vũ Hoàng vang lên, tôi lại thấy lòng mình nao nao, rộn ràng. Tôi cũng cảm thấy một niềm vui nho nhỏ vì đã góp viên gạch đầu tiên xây dựng phong trào thanh niên tình nguyện cả nước rất ý nghĩa và lớn mạnh như hôm nay.

Không chỉ là người gieo hạt của Mùa hè xanh và phong trào thanh niên tình nguyện có sức lan tỏa rộng khắp như ngày nay, Nguyễn Phú Bình còn là người tiên phong trong các phong trào của Đoàn, Hội, Đội và nhiều hoạt động tình nguyện khác.

Anh Hồng kể: “Sau giải phóng miền Nam, năm 1976 Bình từ TPHCM đi kinh tế mới ở Tân Phú (Đồng Nai) và được giao làm Phó trưởng Ban điều hành trường cấp I Phú Điền, lúc đó Bình mới 19 tuổi và học xong lớp 11. Năm 1979, ngay sau khi thượng sỹ lực lượng vũ trang nhân dân Lê Đình Chinh hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, Bình bàn với tôi và Đạt- những giáo viên trẻ ở cùng trường, và đứng ra thành lập Liên đội Lê Đình Chinh tại trường Phú Điền”.

Anh Hồng kể tiếp: “Cũng trong năm 1979, bốn anh em chúng tôi là Bình, Sáng, Rạng và tôi viết đơn tình nguyện đi bộ đội ra biên giới phía Bắc chiến đấu và được chấp nhận. Đến ngày nhập ngũ, cả bốn đứa đã tập trung tại huyện đội, khi đọc tên lên xe, chờ mãi không thấy đến lượt mình, chúng tôi chạy đi hỏi ông chỉ huy trưởng huyện đội thì được biết trước đó ông trưởng phòng giáo dục huyện đề nghị cho bốn anh em tôi hoãn thi hành nghĩa vụ quân sự vì huyện thiếu quá nhiều giáo viên. Thế là chúng tôi phải ở lại trong sự tiếc nuối”.

Còn anh Sáng thì nhớ: “Sau một thời gian đã chuyển công tác ra ngoài thị trấn Tân Phú, trong một lần trở lại trường Phú Điền thăm mọi người, đang đi, tôi nghe tiếng loa sắt phát đi giọng một người đang kêu gọi, vận động toàn dân đi học bổ túc văn hóa. Tôi hỏi mấy người bạn, “tiếng ai nghe giống tiếng thằng Bình?”.

Bạn trả lời: “thằng Bình chứ ai””. “Bình là con người như vậy đó, luôn hết mình với công việc, với mọi người và phong trào”- anh Sáng nói trong xúc động.

Trong ký ức của anh Hồng cũng như bạn bè, người thân: “Bình là người luôn vượt khó vươn lên và đã làm gì là làm đến nơi đến chốn”. Chả thế mà anh đã vượt qua rất nhiều giai đoạn khó khăn nhất, và từ một cậu học trò lớp 11, Bình đã không ngừng nỗ lực học tập và bảo vệ thành công luận án tiến sỹ.

Nguyễn Phú Bình sinh năm 1957, tại TPHCM; từng là giáo viên; Tham gia công tác Đoàn và làm Bí thư Đoàn trường ĐHSP TPHCM. Chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè xuất từ Trường ĐHSP TPHCM do Nguyễn Phú Bình khởi xướng, sau đó lan tỏa trên cả nước thành một phong trào lớn.

Anh từng giữ vị trí phó trưởng Ban Đại học chuyên nghiệp Thành Đoàn TPHCM; từng kinh qua các nhiệm vụ tại Ban Dân vận Thành ủy TPHCM và Ban Dân vận T.Ư, cơ quan thường trực tại TPHCM.

Giữa mùa mưa chiến dịch

(Trích)

(Tặng các chiến sỹ “Ánh sáng văn hóa hè” )

*Nguyễn Phú Bình

...

Chiều Láng Le mười chiến sỹ ra quân

Ngỡ mảnh đất chiến khu xưa bừng thức dậy

Điểm học đầu tiên bồn chồn đêm Bình Trị,

Thị trấn sáng đèn mắt cô giáo mừng vui

Qua Lê Minh Xuân, về lại Phạm Văn Hai

Lớp mở giữa nông trường xưa một thời áo bạc.

Đêm Kinh Xáng bình yên dừa lao xao hát

Mấy đứa ngồi đợi con nước triều lên

Con đò đưa cô giáo nhỏ xuôi kinh

Về ấp dưới đàn em đang chờ đó…

...

Ba mươi ngày nơi đây…

Cuộc thử thách từ những điều đơn giản nhất

Nhưng dễ đâu ai cũng vượt nổi mình

Mùa mưa ở đây như dữ dằn hơn…

Gió heo hút liêu xiêu chiều xóm chợ.

Con đường trơn những ngày mưa bết bàn chân đất đỏ

Và cỏ chẳng mềm như cỏ thành phố đâu em.

...

Chiều ngoại thành heo hút gió lao xao

Nỗi nhớ riêng chung bập bềnh con nước lớn

Em sẽ đi trọn những ngày mưa nắng sớm

Hiểu quê hương mình và hiểu chính mình hơn

Bình Chánh ơi, xin nhớ mãi đừng quên,

Có bước chân em giữa mùa mưa chiến dịch.

Hè 1994

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG