Loạn đào tạo ngành nghề

Loạn đào tạo ngành nghề
Luật Giáo dục chỉ cho phép trường ĐH đào tạo từ trình độ CĐ trở lên. Thế nhưng, hiện nhiều trường ĐH mở các cấp học từ dạy nghề đến sau ĐH, cơ cấu ngành đào tạo cũng mất cân đối, không theo quy hoạch.

Loạn đào tạo ngành nghề

Luật Giáo dục chỉ cho phép trường ĐH đào tạo từ trình độ CĐ trở lên. Thế nhưng, hiện nhiều trường ĐH mở các cấp học từ dạy nghề đến sau ĐH, cơ cấu ngành đào tạo cũng mất cân đối, không theo quy hoạch.

Thí sinh đăng ký vào CĐ nghề tại trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Đây là một trong nhiều trường ĐH được đào tạo cả CĐ nghề
Thí sinh đăng ký vào CĐ nghề tại trường ĐH Công nghiệp TP.HCM.
Đây là một trong nhiều trường ĐH được đào tạo cả CĐ nghề. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
 

ĐH mà chủ yếu dạy nghề

Điều 42 Luật Giáo dục quy định: “Trường ĐH đào tạo trình độ CĐ, ĐH; trình độ thạc sĩ, tiến sĩ khi được Thủ tướng Chính phủ giao”. Thế nhưng hiện nay hàng loạt trường ĐH công khai vi phạm luật khi tuyển sinh và đào tạo cả các bậc học thấp hơn.

Nhiều trường còn “tự hào” tuyên bố sẽ là trường ĐH đa cấp (đào tạo từ trung cấp nghề đến ĐH)! Vì vậy, là ĐH nhưng có trường chỉ đào tạo vài ngành bậc ĐH còn lại đủ các hệ, trong đó có cả sơ cấp nghề.

Ví dụ trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh (nâng cấp từ trường CĐ Kỹ thuật mỏ) hiện chỉ có 5 ngành đào tạo ĐH, 10 ngành đào tạo CĐ, còn lại 7 ngành hệ TCCN và rất nhiều nghề trong đó có cả trình độ sơ cấp!

Trường ĐH Sao Đỏ Hải Dương, nâng cấp từ trường CĐ Công nghiệp Sao Đỏ chủ yếu đào tạo bậc CĐ với 24 ngành, gấp đôi các ngành đào tạo ĐH, đồng thời đào tạo trung cấp nghề, CĐ nghề với 16 nghề khác nhau. Đặc biệt, trường ĐH Nông Lâm Bắc Giang chỉ có 400/3.000 chỉ tiêu đào tạo ĐH, còn lại là các bậc học thấp hơn trong đó có cả công nhân nghề, kỹ thuật viên trung cấp.

Định hướng của Chính phủ khi quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ là: “Cân đối hợp lý cơ cấu đào tạo giữa các trình độ ĐH, CĐ, TCCN và dạy nghề”. Tuy nhiên, đến nay cơ cấu đào tạo giữa các trình độ vẫn mất cân đối nghiêm trọng. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2010 số học sinh TCCN chưa đến 700.000 nhưng số SV ĐH, CĐ là gần 2 triệu.

Theo định hướng quy hoạch, mỗi trường sẽ ưu tiên một số ngành, nghề kỹ thuật và công nghệ nhưng hầu hết các trường mới thành lập đều mở các ngành như kế toán, tài chính ngân hàng và quản trị kinh doanh... để dễ đào tạo và chiêu sinh.

Hiện nhóm ngành kinh tế, luật, xã hội nhân văn đang chiếm tới 38%, trong khi nhóm ngành kỹ thuật công nghệ chỉ chiếm 21%. Đặc biệt nhóm ngành khoa học tự nhiên hiện chỉ chiếm 2% trong tổng quy mô đào tạo.

Bất cập quản lý

Thực trạng đào tạo đa cấp diễn ra ở nhiều trường là do việc quản lý có nhiều bất ổn. Phía các trường ĐH cho rằng đây là xu thế cần thiết, giúp những thí sinh không có cơ hội học ĐH được học ở những bậc thấp, sau đó học liên thông lên bậc cao hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là một lý do vì đa phần các trường mới thành lập đều rất khó tuyển sinh bậc ĐH do nguồn tuyển không đủ. Vì vậy các trường đã mở ra các hệ đào tạo này để thu hút thí sinh.

Sau một thời gian học nghề hoặc trung cấp, sinh viên sẽ được học liên thông lên ĐH. Đặc biệt, hiện nay nếu học CĐ nghề, thí sinh không cần phải qua thi tuyển. Sau khi tốt nghiệp lại được liên thông lên ĐH như những thí sinh học bậc CĐ trong hệ thống giáo dục ĐH. Vì thế, nhiều trường ĐH đã đào tạo cả nghề để dễ tuyển sinh.

Điều bất cập là hiện nay hệ thống đào tạo trình độ ĐH, CĐ và nghề thuộc 2 cơ quan quản lý là Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB -XH. Hai hệ thống này lâu nay vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn. Ví dụ, Luật Giáo dục không cho phép các trường ĐH đào tạo nghề nhưng Luật Dạy nghề thì ngược lại.

Cụ thể, Luật Dạy nghề quy định: “Cơ sở đào tạo nghề là trường CĐ, trường ĐH có đăng ký dạy nghề trình độ CĐ, trung cấp”. Như vậy các trường ĐH, CĐ chỉ cần đăng ký với Bộ LĐ-TB-XH là được phép đào tạo nghề!

Trong khi đó, việc quản lý của Bộ GD-ĐT còn có nhiều vấn đề. Đơn cử: khi các trường ồ ạt ra đời và không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng nhưng Bộ vẫn cho phép tuyển sinh, thậm chí cấp chỉ tiêu cao hơn năng lực đào tạo.

Một số trường vi phạm nhiều quy định, đặc biệt là vi phạm cả Luật Giáo dục nhưng Bộ GD-ĐT vẫn không xử lý. Hay việc tồn tại rất nhiều trường với quy mô và chất lượng đào tạo khác nhau nhưng Bộ vẫn "ôm" việc tuyển sinh khiến nhiều trường hết sức khó khăn trong xét tuyển...

Bộ GD-ĐT chỉ quản lý 14,4% trường ĐH, CĐ

Việc đào tạo chồng chéo ngành nghề và nâng cấp không theo quy hoạch cũng xuất phát từ cơ chế quản lý hiện nay.

Năm 2009, khi báo cáo với Quốc hội về chất lượng giáo dục ĐH, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (lúc đó là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) đã bày tỏ: “Trong tổng số 376 trường ĐH, CĐ cả nước hiện nay, Bộ GD-ĐT quản lý 54 trường (14,4%); các bộ, ngành khác quản lý 116 trường (30,8%); UBND các tỉnh, thành phố là cơ quan chủ quản của 125 trường (33,2%)...

Trong khi Bộ GD-ĐT là cơ quan duy nhất theo luật pháp được ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giáo dục cấp bộ, thì việc kiểm tra chấp hành các văn bản đó ở các trường ĐH, CĐ thuộc các bộ, ngành khác và các trường do ủy ban nhân dân là cơ quan chủ quản còn rất hạn chế, có bộ còn ra văn bản chồng chéo lên chức năng quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT”.

Nghị quyết 14 năm 2005 của Chính phủ đã nêu là phải xóa bỏ cơ quan chủ quản ở các trường ĐH, CĐ nhưng đến nay điều này chưa được thực hiện.

Theo Vũ Thơ
Báo Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG