Ngày mai, học sinh THPT Hà Nội mới phải học đến 19h

Ngày mai, học sinh THPT Hà Nội mới phải học đến 19h
Theo thông tin từ các trường THPT công lập thuộc địa bàn thủ đô, hôm nay (1-2), HS ca chiều chỉ phải học ba tiết, sau đó về sớm. Lý do là theo quy định của ngành, chiều thứ tư hàng tuần, các trường dành hai tiết cuối họp hội đồng.

> Hàng vạn học sinh ra đường từ sáu giờ 

Như vậy, bắt đầu từ ngày mai (2 - 2), các trường công lập mới thực hiện việc học ca chiều đến 19h theo quy định của UBND thành phố. Trong khi đó, do các trường ngoài công lập không tổ chức họp hội đồng vào ngày hôm nay nên đây là đơn vị đầu tiên thực hiện triển khai thực hiện quy định HS ca chiều tan học lúc 19h.

Ngày mai 2/2, HS các trường THPT công lập ở Hà Nội mới phải học đến 19h. Ảnh: Quang Phong (Dân Trí)
Ngày mai 2/2, HS các trường THPT công lập ở Hà Nội mới phải học đến 19h. Ảnh: Quang Phong (Dân Trí).

Ngoài công lập: Mỗi nơi một kiểu

Mặc dù đã có quy định cứng về khung thời gian giờ học, giờ làm mới nhưng trường ngoài công lập vẫn đang rất rối rắm và dường như không thể thực hiện được theo yêu cầu của UBND thành phố.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Với đặc thù là trường có khuôn viên chật hẹp nên chúng tôi phải bố trí ca kíp để các em chia nhau ra học. Với giờ chính khóa thì có thể thực hiện theo quy định còn trường chỉ bố trí học thêm, học phụ đạo… vào buổi chiều nên em nào học xong ca thì đành phải cho ra về. Bên cạnh đó, đối với trường chúng tôi có muốn giữ các em ở lại thì cũng không được”.

Cũng là cảnh ngoài công lập nhưng lại tổ chức học hai ca nên Trường THPT Lương Thế Vinh rơi vào tình huống khá oái ăm. Giáo sư Văn Như Cương - hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hiện tại, chúng tôi vẫn vào ca chiều vào lúc 13h và kết thúc vào lúc 17h15. Nếu thực hiện theo quy định của UBND thành phố là sau 19h thì trường đành “giam” HS lại và đợi đến giờ này mới mở cổng cho các em về”.

Cũng theo Giáo sư Cương, với khoảng thời gian chờ đợi gần hai tiếng ở trường thì không biết bố trí như thế nào cho các em bởi đã học 5 tiết mà tiếp tục học thêm thì không được, còn nếu tham gia các CLB thì HS đói, mệt mỏi cũng không thể tham gia được.

Trước câu hỏi của chúng tôi là tại sao trường không tiến hành học ca chiều vào lúc 14h30 (theo đúng quy định - PV) để HS tan học vào 19h, GS Văn Như Cương bày tỏ: “Đối với trường ngoài công lập thì gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuê giáo viên. Mọi việc đang ổn định nề nếp giờ lại thay đổi thì đòi hỏi nhà trường phải bàn bạc thống nhất lại với GV chứ không như trường công lập cứ áp vào là xong. Trong khi đó, để làm được việc đó thì cần có thời gian chứ không phải muốn là được ngay”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều trường ngoài công lập đã lên các phương án thu thêm các khoản để hỗ trợ cho việc thực hiện đổi giờ học, giờ làm. Với việc phải trang bị thêm các thiết bị chiếu sáng, số điện, số nước tăng nên việc phụ huynh phải “oằn mình” hỗ trợ cho nhà trường là điều tất yếu.

“Chưa biết việc điều chỉnh này hiệu quả đến đâu nhưng sự bất tiện thì đã thấy rõ. Ngay như việc quản lý HS sau khi kết thúc giờ học đến 19h là điều quá khó khăn với thầy cô bởi họ cũng có gia đình, cũng phải đưa đón con đi học…” - GS Cương nhấn mạnh.

Trường công lập: Khẩn trương trang bị thiết bị chiếu sáng

Với đặc thù là trường công nên các khoản thu - chi cần phải tuân thủ theo quy định của nhà trường. Trong khi đó để có thể bố trí cho HS học đến 19h đòi hỏi phải trang bị thêm hệ thống chiếu sáng cũng như lắp đèn cao áp ở sân trường.

Trường THPT H.B.T đang ở tình trạng xây dựng cơ sở mới nên các phòng học hiện tại ở mức khá “nghèo nàn”. Mặc dù mới 15h nhưng các phòng học đã phải bật đèn cho HS học. Với cơ cấu mỗi phòng học chỉ có 4-6 bóng đèn tuýp nên việc chiếu sáng cho phòng đủ ánh sáng vào lúc 17-19h là điều rất khó khăn.

Cùng chung cảnh ngộ, Trường THPT Việt Đức đang lên kế hoạch trang bị thêm thiết bị chiếu sáng ở phòng chức năng học thể dục. Bên cạnh đó cũng phải rà soát lại hệ thống chiếu sáng ở các phòng học.

“Với việc yêu cầu HS học đến 19h là điều bất hợp lý. Tùy theo tình hình thực tế chúng tôi sẽ điều chỉnh cho phù hợp” - lãnh đạo Trường THPT Việt Đức chia sẻ.

Đó là phương án nhưng chi phí để thực hiện cũng đang khiến các trường đau đầu bởi đối với trường công thì không thể yêu cầu phụ huynh đóng góp (theo quy định về điều lệ Hội cha mẹ học sinh mà Bộ GD-ĐT ban hành - PV).

Trong khi đó, nếu chờ tiền ngân sách thì không biết đến lúc nào mới hoàn thành được. Ngoài ra, với việc giáo viên phải làm việc thêm giờ thì đòi hỏi cần phải có chế độ nhưng đến nay vẫn chưa có một văn bản nào quy định về điều này trong khi trường không thể có ngân sách để hỗ trợ giáo viên.

Theo Nguyễn Hùng
Dân Trí

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.