Nhà trường chịu trách nhiệm chính

Nhà trường chịu trách nhiệm chính
TP - Sau tai nạn với hai trẻ lớp 3 do lan can không an toàn ở Trường Tiểu học Định Công - Hà Nội, nhiều bạn đọc băn khoăn nghĩa vụ pháp lý của nhà trường trong những trường hợp này thế nào? Luật sư Trần Vũ Hải (Đoàn Luật sư Hà Nội) nói: Nhà trường là chủ thể trước tiên phải chịu trách nhiệm.

>> Tiếp vụ 'hai HS ngã từ tầng ba do lan can không an toàn'

Nhà trường chịu trách nhiệm chính ảnh 1

Luật sư Trần Vũ Hải cho rằng, đối với vụ việc xảy ra ở Trường Tiểu học Định Công, chịu trách nhiệm pháp lý đầu tiên là nhà trường, sau đó giữa nhà trường với nhà thầu cùng xác định trách nhiệm bồi thường. Phải xem nhà thầu đã làm đúng và đảm bảo chất lượng công trình chưa.

Trong thời gian học sinh ở trường, pháp luật quy định nghĩa vụ đảm bảo an toàn về thân thể đối với các em như thế nào thưa ông?

Theo quy định của pháp luật dân sự, về nguyên tắc, trong bất kỳ trường hợp nào nếu tai nạn xảy ra đối với học sinh ở khu vực nhà trường trong giờ học, trong lúc các em đi về, trong lúc đến trường hoặc trong lúc các em ở bán trú (tóm lại là trong thời gian các em được phép ở khu vực nhà trường hoặc nhà trường thực tế đã không mời các em ra…) thì nhà trường đều phải chịu trách nhiệm.

Cụ thể là trách nhiệm vật chất (bồi thường) và trách nhiệm hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự tùy tính chất và mức độ vụ việc. Đối với trách nhiệm hành chính hoặc hình sự thì truy đến cá nhân liên quan ở trường đó.

Luật sư Trần Vũ Hải
Luật sư Trần Vũ Hải.

Cũng cần xem xét thêm là trẻ em nghịch ngợm quá mức, vi phạm nội quy của trường dẫn đến tai nạn thì phải xem xét thêm như là yếu tố rủi ro mà phụ huynh phải gánh chịu một phần. Tuy nhiên, những trường hợp đó càng phải xem xét kỹ để xác định lỗi, nhất là khi trường hợp nhà trường trước đó không có biện pháp phòng ngừa đối với cơ sở vật chất thiếu an toàn.

Tiếc rằng cho đến nay, nhiều trường học chưa hiểu rõ trách nhiệm này của mình. Họ còn cho trông giữ thêm cả ô tô, xe máy để có thêm thu nhập. Có trường còn vừa cho xây dựng, vừa dạy học. Nếu điều gì xảy ra với các em thì trách nhiệm thuộc về nhà trường mà đứng đầu là hiệu trưởng.

Đối với các trường tư thục hoặc lớp học tư nhân mở ngoài giờ hành chính thì sao, thưa ông?

Không phân biệt trường tư hay trường công trong trách nhiệm ở đây. Ngay cả các lớp học nhỏ lẻ, trẻ bị tai nạn trong thời gian trẻ đang lưu trú do cơ sở vật chất không an toàn thì giáo viên chịu trách nhiệm nếu người tổ chức mở lớp đồng thời là giáo viên. Giáo viên mở lớp nhưng họ không đứng dạy thì trách nhiệm vẫn thuộc về họ với tư cách là người tổ chức lớp học ấy.

Mặc dù không có hợp đồng bằng văn bản giữa người tổ chức lớp học với phụ huynh học sinh nhưng khi đã có sự thỏa thuận miệng với nhau về việc dạy và học đối với trẻ thì đó là một dạng hợp đồng (hợp đồng miệng). Nếu việc mở lớp không hợp pháp thì trách nhiệm không chỉ dừng lại ở người tổ chức mà giáo viên giảng dạy cũng liên đới.

Nên có bảo hiểm học đường

Ở những nước phát triển, nhà trường phải tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với học sinh. Khi có vấn đề, chưa cần xác định trách nhiệm thuộc về ai nhưng cơ quan bảo hiểm ứng ra chi trả đã. Hiện nay Việt Nam mới có bảo hiểm y tế và bảo hiểm thân thể, tuy nhiên lại là những bảo hiểm tự nguyện do phụ huynh đóng .Vì vậy nên sớm có bảo hiểm học đường bắt buộc, bảo đảm trách nhiệm của nhà trường với học sinh và kinh phí bảo hiểm loại này bao gồm từ sự đóng góp của chủ sở hữu cơ sở dạy học, phụ huynh và ngân sách.

P.V (thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG