Vốn quý từ ngân hàng máu cuống rốn

Trẻ nhẹ cân bị bệnh về máu có thể được điều trị bằng cách ghép máu cuống rốn. Ảnh: T.Hà
Trẻ nhẹ cân bị bệnh về máu có thể được điều trị bằng cách ghép máu cuống rốn. Ảnh: T.Hà
TP - Ngân hàng máu cuống rốn đầu tiên tại miền Bắc do Bệnh viện Nhi T.Ư thành lập hiện trữ được gần 300 mẫu.

> Chữa bệnh hiểm nghèo bằng... cuống rốn

Nhờ nguồn vốn lưu trữ quý giá này, sẽ có nhiều trẻ mắc bệnh hiểm nghèo về máu được điều trị hiệu quả.

Trẻ nhẹ cân bị bệnh về máu có thể được điều trị bằng cách ghép máu cuống rốn. Ảnh: T.Hà
Trẻ nhẹ cân bị bệnh về máu có thể được điều trị bằng cách ghép máu cuống rốn. Ảnh: T.Hà.
 

BS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, cho biết, máu cuống rốn là nguồn nguyên liệu quý, phục vụ việc ghép tế bào gốc tạo máu. Đối với những người mắc bệnh lý ác tính về máu hoặc bị rối loạn bất thường về máu thì đây là biện pháp điều trị hoàn chỉnh, có thể cứu sống tính mạng bệnh nhân.

Tế bào gốc tạo máu được lấy từ 3 nguồn: trong đó có máu cuống rốn, tức là lấy ở bánh nhau dây rốn. Tuy lượng máu lấy được thấp hơn nhưng nếu không lấy thì nguồn này cũng bỏ đi. TS Điển cho hay việc lấy máu cuống rốn không ảnh hưởng sức khỏe của cả mẹ lẫn bé.

Tế bào gốc máu cuống rốn phải được thu thập sau khi sản phụ sinh con 10 phút.

Việc đăng ký lưu giữ máu cuống rốn phải thực hiện trước khi đứa trẻ ra đời. Theo đó, nếu có nhu cầu, người mẹ cần đăng kí tại ngân hàng máu cuống rốn và được hướng dẫn các thủ tục. Đến lúc sản phụ chuyển dạ thì liên hệ lại và sẽ có một nhóm bác sĩ, kỹ thuật của ngân hàng máu cuống rốn lấy mẫu máu đưa về ngân hàng xử lý và lưu trữ. Tiêu chuẩn của mẫu máu là sản phụ không bị viêm gan siêu vi, HIV và các bệnh lây qua đường máu.

Nhược điểm của máu cuống rốn là thể tích thấp so với các nguồn tế bào gốc khác, vì vậy máu cuống rốn được coi là nguồn ghép phù hợp cho bệnh nhân nhi trọng lượng thấp. Khi đến đăng ký trực tiếp tại ngân hàng, các bà mẹ mang thai sẽ được tư vấn, làm các xét nghiệm.

Chi phí lưu trữ máu cuống rốn của một người tại ngân hàng máu cuống rốn là 1.500 USD/năm. Ngoài những trường hợp đăng ký lưu trữ, ngân hàng cũng nhận mẫu máu cuống rốn mà không thu phí của những người tình nguyện hiến để điều trị nếu có bệnh nhân phù hợp.

Chữa nhiều bệnh nan y

BS,TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc bệnh viện Nhi T.Ư, cho biết hiện nay bệnh viện là trung tâm lớn nhất trong việc tiếp nhận, khám và điều trị cho các bệnh nhi mắc Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh). Các bà mẹ có tiền sử sinh con mắc Thalassemia khi đến bệnh viện được tư vấn di truyền và chẩn đoán trước sinh.

Trong trường hợp em bé được xác định không mắc bệnh, máu cuống rốn của người mẹ được đăng ký lưu giữ trong ngân hàng, là một nguồn tế bào gốc tiềm năng phù hợp để điều trị cho người anh hoặc chị mắc bệnh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG