Nhân Ngày Lao&Bệnh phổi Thế giới (24/3/2007):

Bệnh lao ở giới trẻ tăng nhanh

Bệnh lao ở giới trẻ tăng nhanh
TP - Vài năm gần đây, trong khi tỷ lệ mắc lao, tử vong ở bệnh nhân lao lứa tuổi trung niên và tuổi già giảm đi nhiều, tỷ lệ này ở nhóm tuổi 15- 35 đang có xu hướng tăng nhanh.
Bệnh lao ở giới trẻ tăng nhanh ảnh 1
Tại phòng bệnh số 4 khu bệnh nhân mới thuộc bệnh viện L&BP TƯ, 3 trong số 7 bệnh nhân trong phòng ở độ tuổi dưới 30.

Số liệu điều tra mới nhất của BV Lao&Bệnh phổi TƯ cho thấy, số bệnh nhân nhiễm lao phổi AFB(+) mới trong năm 2006 ở độ tuổi từ 15-34 chiếm 36,5% tổng số bệnh nhân, lớn nhất so với các nhóm tuổi khác.

Xem thường bệnh tật

Đến BV Lao&Bệnh phổi (L&BP) TƯ sáng 22/3, chúng tôi gặp bệnh nhân N. 25 tuổi, giáo viên cấp 3 ở Thái Nguyên. Ban đầu, ho kéo dài, chị nghĩ mình bị viêm họng do nói nhiều khi làm việc.

Chị đi khám tư nhân và được chỉ dẫn uống thuốc viêm họng song không khỏi. Tháng sau, nhà trường nơi chị N.dạy tổ chức khám sức khỏe định kỳ. Từ kết quả chụp X-quang phổi, rồi đến BV Đa khoa Thái Nguyên làm thêm các xét nghiệm liên quan, chị mới tin mình mắc lao.

S., sinh viên năm cuối trường ĐHBK Hà Nội nhập bệnh viện L&BP Hà Nội ngày 8/2. Ban đầu S. cũng ho rất nhiều. S nghĩ năm nay mùa cúm A, uống bao nhiêu thuốc theo chỉ dẫn của bác sỹ ở nhiều nơi vẫn không khỏi.

Đến khi chụp X-quang phổi và các xét nghiệm khác, S. mới bàng hoàng như chị N. Nữ bệnh nhân P., 24 tuổi, nhân viên công ty công viên cây xanh tại Hà Nội bị ho kéo dài gần năm trời và cũng nghĩ mình bị viêm họng.

Dùng các loại đông, tây y rồi thuốc nam, cơn ho tạm thoái lui 3-4 tháng. Nhưng chiều 2/3, P. ho ra máu, đến tối thì sốt. Hôm sau chụp x-quang theo dịch vụ y tế tư nhân, P. mới được nghe đến cụm từ “mắc lao” và hôm sau cô nhập bệnh viện L&BP TƯ.

Biết tin xấu, S. choáng váng. “Em không dám nghĩ đến ngày mai nữa”. Nhiều bệnh nhân mặc cảm về bệnh tật của mình. Tại một buồng bệnh khoa nội I (BV L&BP Hà Nội), một nữ bệnh nhân 22 tuổi quê Hà Tây không chịu nói tên ngoài việc tiết lộ nickname của mình là nhocluoi…@yahoo.com.

Cô giấu đồng nghiệp tại xưởng in vì nếu biết “có thể họ không dám đến thăm mình”. Nói đến đây, đôi mắt em tràn nước. Bệnh nhân T., 25 tuổi, nằm cùng phòng với nhocluoi… cho hay cô chẳng cho ai biết đang nằm ở đây. Gia đình ở xa nên hàng ngày T. phải tự chăm sóc mình.

Để tránh xa lao

Theo TS Bùi Đức Dương - Phó Giám đốc bệnh viện L&BP TƯ, tạo thói quen sống lành mạnh, hạn chế sử dụng thuốc lá, rượu, tránh xa ma túy, chú ý vệ sinh thân thể trong đó có việc tập thể dục thể thao là việc làm rất quan trọng để phòng chống lao.

Ngoài ra, giữ môi trường thông thoáng, đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt cũng là những yếu tố cần thiết nhưng bị nhiều bạn trẻ xem thường

Với những bạn trẻ đã mắc lao, TS Dương khuyến cáo cần thực hiện nghiêm túc quá trình điều trị hướng dẫn của bác sĩ. Nhiều bệnh nhân lao trẻ tuổi, do gánh nặng của học hành và công việc, không làm đúng theo phác đồ điều trị.

Th.S Lưu Thị Liên – Giám đốc BV L&BP Hà Nội, cảnh báo: “Đáng tiếc, không ít bệnh nhân trẻ không nhận thấy nguy cơ nhờn thuốc cao do không tuân thủ phác đồ.” Theo bà Liên, thời gian điều trị được chia làm hai giai đoạn. Ở giai đoạn tấn công (hai tháng đầu), cần điều trị nội trú hàng ngày. Giai đoạn duy trì (sáu tháng sau), mới có thể điều trị tại gia.

Tuy nhiên, Th.S Lưu Thị Liên cũng trấn an: “Đừng lo lắng nếu mắc lao. Bệnh nhân sẽ được điều trị khỏi hoàn toàn nếu phát hiện bệnh sớm và uống thuốc đều đặn trong tám tháng.Nếu tuân thủ chỉ dẫn, trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân có thể vừa tiếp tục học tập, làm việc vừa điều trị như một người bệnh ngoại trú bình thường”. 

Mỗi ngày có thêm gần 400 người mắc bệnh lao

Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 12 trong 22 nước có số bệnh nhân lao mới mắc hàng năm cao nhất thế giới và là nước có nhiều bệnh nhân lao đứng hàng thứ ba ở khu vực Tây Thái Bình Dương, sau Trung Quốc và Philippines.

Tỷ lệ dân số Việt Nam bị nhiễm lao là 44% và tỷ lệ tử vong do lao là 26/100.000 dân. Thống kê của Bộ Y tế  cho thấy mỗi ngày có thêm gần 400 người mắc bệnh lao, trong số đó 178 người mắc lao phổi ho khạc ra vi khuẩn làm lây nhiễm cho cộng đồng và  55 người chết vì bệnh lao.

Tỷ lệ kháng thuốc ở Việt Nam là 32,5%. Tỷ lệ này khá cao so với trong khu vực.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".