Cao hổ nấu bằng xương gấu

Cao hổ nấu bằng xương gấu
Một người có nhiều năm kinh nghiệm nấu cao hổ cốt bật mí: Xương gấu giống xương hổ nhất, lại rẻ hơn nên thường được sử dụng. Tuy nhiên, để không bị phát hiện, họ có cả một công nghệ phù phép, đánh bóng, gọt giũa.
Cao hổ nấu bằng xương gấu ảnh 1
Xương hổ được sắp xếp để kiểm tra trước khi đưa vào nấu.

Quan trọng nhất, phải khoan một lỗ "mắt phượng" bằng kích cỡ trên xương hổ thật.

Thấy tôi đưa ra thông tin về tốc độ tuyệt chủng của loài hổ trên thế giới, Thạch Dũng - một người có nhiều năm kinh nghiệm nấu cao hổ cốt phản ứng: "Tôi công nhận ở Việt Nam hiếm hổ thật, nhưng trên thế giới thì còn nhiều, mà nó vẫn vào Việt Nam tằng tằng đấy chứ. Hổ thì có, nhưng “cao hổ bãi rác” thì nhiều hơn".

"Tôi nói, nhưng phải bí mật danh tính"

Đó là đề nghị của người đàn ông tên là Khang hiện đang sống ở Hà Nội. Nấu cao hổ cốt là nghề gia truyền của gia đình anh. Ở Hà Nội, có lẽ anh là một trong số hiếm hoi người hiểu rõ nhất về các loại cao của động vật quý hiếm, đặc biệt là cao hổ cốt. Rõ ràng, hổ là loài động vật nghiêm cấm buôn bán trên thế giới, người trong nghề càng hiểu điều đó hơn ai hết nên họ rất thận trọng với những thông tin mà mình đưa ra.

Tôi đã phải qua nhiều lần bắc cầu, thề thốt, hứa hẹn... thì mới gặp được Khang. Tuy vậy, Khang cũng nói rất khéo rằng, anh chỉ là người có tay nghề, được người ta thuê nấu cao chứ anh không mắc lỗi gì gây ra nguyên nhân tuyệt chủng của loài hổ hiện nay. Khang bảo, hổ hiếm thật đấy nhưng người ta vẫn kiếm được. Hàng thường vào Việt Nam từ Lào, Malaysia theo đường biển hoặc đường bộ. Để tránh lực lượng chức năng, hổ thường được nhét vào các container. Xương khô thì gọn và dễ vận chuyển, còn cả con hổ thì cho vào tủ đá to ướp lạnh bảo quản.

Cao hổ cốt được nấu ở hai dạng: cao xương và cao toàn tính. Cao xương chỉ nấu riêng xương, mầu cao thành phẩm trong hơn. Cao toàn tính thì nấu cả con, chỉ bỏ mỗi lông và ruột vì thế chất lượng kém hơn, thời gian bảo quản ngắn hơn. Việc nấu cao rất công phu, riêng công đoạn làm sạch xương đã mất rất nhiều ngày. Chỉ đến khi xương "sạch như miếng gạc", không còn dính thịt, tuỷ trong ống xương thì mới đạt yêu cầu. Xương hổ tốt thường nặng từ 15-20kg. 1kg xương đã chế nấu được khoảng 230g cao mềm.

Trò ảo thuật biến xương bãi rác thành cao hổ

Khang cho biết, anh ra Bắc vào Nam cứ như cơm bữa. Những chuyến đi ấy đều là do những người mua xương hổ nấu cao nhờ thẩm định. Nghe nói ở đâu có hổ, có bộ xương hổ là người ta lại đánh cả ôtô chở anh đi thẩm định. Nhiều lần Khang phát hiện xương giả ở những vùng thâm sơn cùng cốc như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu... Những tên lừa đảo phải mất nhiều công sức tạo hình những loại xương động vật khác nên trông giống y chang xương hổ. Ngay cả việc thẩm định cao đã nấu, anh Khang có thể biết được tỷ lệ xương khác trộn với xương hổ là bao nhiêu.

Nói về mánh khóe của những kẻ lừa, tay nấu cao chuyên nghiệp - Thạch Dũng bật mí: Xương gấu giống xương hổ nhất, lại rẻ hơn nên thường được dùng để đánh lừa những vị lắm tiền nhiều của luôn săn tìm hàng độc. Tuy nhiên, để không bị phát hiện, họ có cả một công nghệ phù phép, đánh bóng, gọt giũa. Quan trọng nhất, phải khoan một lỗ "mắt phượng" bằng kích cỡ trên xương hổ thật. Có thể khoan thêm một lỗ trên xương đầu cho giống như một vết đạn của phường thợ săn.

Nếu được xương gấu còn tốt, chứ nhiều tay còn dùng cả xương lợn, xương trâu, xương bò, xương chó để nấu cao hổ rởm. Muốn đánh lừa mắt người mua, họ phải nối xương, cạo, mài... rồi còn lập hẳn một nhóm sử dụng công nghệ lăng xê, tạo sự bí hiểm về nguồn gốc của bộ "xương hổ". "Khối kẻ cứ tưởng xương bãi rác là xương hổ thật đấy" - Thạch Dũng cười hì hì rồi vuốt đuôi thêm một câu: "Đáng đời những kẻ muốn dùng cao hổ cốt nhưng lại muốn tốn ít tiền".

Đương nhiên, những kẻ bán cao rởm sẽ đưa ra giá thấp hơn giá thị trường với hàng ngàn lý do để hấp dẫn người mua như: Bọn buôn bị lộ nên bán rẻ để "thoát hàng", hoặc nhờ người quen mang về từ Lào... Hóa  ra là vậy. Và tôi đã có thể lý giải được thắc mắc khi thấy những người nấu phở phơi xương đã qua sử dụng để bán, người nhặt rác ở các bãi rác lại thu gom cả xương trâu, xương bò...

Hãy cứu loài hổ bắt đầu từ ý thức mỗi con người

Khoảng 3 triệu đồng/kg hổ ướp đá (cả thịt, xương), xương khô 12 triệu đồng/kg, một con hổ nặng trên một tạ có giá xấp xỉ 500 triệu đồng. Đó là mức giá hiện hành mà các tay buôn tiết lộ. Với mức giá ấy, cao thành phẩm có giá rất cao. Vậy thì không có cớ gì mà cao thật đến tay người tiêu dùng lại chỉ vài triệu đồng một lạng(?!).

Hiện nay, hổ là động vật quý hiếm được cả thế giới bảo vệ. Tuy nhiên, trên một số báo, phương tiện thông tin đại chúng, Internet vẫn tuyên truyền tác dụng của cao hổ cốt như một thứ thần dược: chữa đau xương, tê thấp, bổ xương tủy, tăng sức lực... và hướng dẫn chi tiết, tỉ mỉ cách nấu cao. Cũng thời gian này năm ngoái, một chị bạn của tôi đã góp tiền cùng một số người mua hẳn con hổ tươi về nấu. Họ chia nhau ra canh người nấu cao cả tuần không dám ngủ vì sợ bị múc trộm và hớt váng. Vậy là loại thú quý hiếm có nguy cơ bị diệt chủng vẫn đang bị con người làm thịt hàng ngày

Theo Việt Hà

CAND 

MỚI - NÓNG