Đồng Tháp: 

Chích nước chữa bệnh, hai người chết

Chích nước chữa bệnh, hai người chết
TP - Thuốc trị bệnh của Nghĩa có màu trong như nước suối, đựng trong chai, có nhãn hiệu “T&H”, tất cả các loại bệnh đều dùng chung thứ nước này. Ít nhất 2 trường hợp đã tử vong vì tiêm nước “bí truyền” này.
Chích nước chữa bệnh, hai người chết ảnh 1
Cổng nhà Mười Nghĩa

Một nhóm “lang băm” do Trần Hữu Nghĩa cầm đầu, hoạt động khám chữa bệnh trái phép tại nhà riêng ở ấp Đông, xã Tân Bình (Châu Thành, Đồng Tháp) kéo dài trong nhiều tháng qua nhưng chính quyền vẫn chưa thể “dẹp” được.

Và sự việc nghiêm trọng đã xảy ra khi ít nhất có hai trường hợp đã tử vong vì tiêm nước “bí truyền” của Mười Nghĩa.

Đau đâu chích đó

Từ năm 2002, Trần Hữu Nghĩa (Mười Nghĩa) và Trần Văn Hiếu đã có những hoạt động trái pháp luật như:

Tụ tập đông người, thường xuyên tụ tập tại các đám giỗ gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Năm 2006, Mười Nghĩa chuyển sang tổ chức chích thuốc trái phép cho người bệnh. Số lượng người đến nhà Mười Nghĩa ngày càng đông, trong tháng 1/2007 có ngày lên đến 1.500 người.

Để được khám, chích thuốc bệnh nhân phải bắt số. “Lang băm” Nghĩa đã sử dụng gần 10 đệ tử dùng kim tiêm chích cho bệnh nhân theo kiểu “đau đâu chích đó”. Mười Nghĩa và các đệ tử hoàn toàn không có trình độ chuyên môn, bằng cấp và giấy phép hành nghề y.

Để ngăn chặn cơ quan chức năng, nhà báo, Mười Nghĩa sử dụng trẻ em chạy vòng ngoài xem xét đối tượng, khi phát hiện dấu hiệu khả nghi thì báo ngay với nhóm thanh niên bên ngoài hàng rào khu khám bệnh để lực lượng này ngăn cản, thậm chí tấn công những người đến không vì mục đích chữa bệnh.

Ngày 9/2/2007, các lực lượng chủ chốt của ngành Y tế, bảo vệ, đoàn thể huyện, xã với trên 150 người tập trung gần nhà Mười Nghĩa để kiểm tra việc tiêm chích trái phép nhưng đã bị chống đối quyết liệt.

Mười Nghĩa cho đàn em dùng gạch đá, gậy tầm vông, sử dụng đối tượng thiếu nhi, phụ nữ, bệnh nhân để chống đối. Lúc này có rất nhiều bệnh nhân bị khống chế trong nhà Mười Nghĩa nên đoàn kiểm tra buộc phải rút lui. 

Dọa cả đoàn kiểm tra

Chích nước chữa bệnh, hai người chết ảnh 2
Xe ôm chở bệnh nhân đến nhà Mười Nghĩa

Theo bản báo cáo mới đây của UBND huyện Châu Thành, nhóm đối tượng này không đơn thuần là hành nghề chữa bệnh trái phép mà còn có các hoạt động chống đối khác.

Đối tượng có tư tưởng thách thức, không chấp hành chủ trương, đường lối, yêu cầu của chính quyền địa phương. Hoạt động khám chữa bệnh trái phép hiện vẫn diễn ra.

Khi có đoàn kiểm tra thì chúng hù dọa.  Hiện chỉ mới có lực lượng trinh sát đột nhập được vào “động chích” của lang băm Mười Nghĩa để nắm tình hình.

Ông Lê Thành Công, Bí thư Huyện ủy Châu Thành cho biết: “Trong những ngày qua huyện đã dùng các biện pháp tuyên truyền nên số lượng người dân đến khám chữa bệnh tại nhà Mười Nghĩa đã giảm đáng kể.

Ngành chức năng cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở khám chữa bệnh Mười Nghĩa, yêu cầu ngưng hoạt động trái phép ngay”.

Thuốc trị bệnh của Nghĩa có màu trong như nước suối, đựng trong chai, có nhãn hiệu “T&H”, tất cả các loại bệnh đều dùng chung thứ nước này.

Theo một trinh sát thì nguyên liệu “thuốc” là một số thảo dược, được chưng cất như nấu rượu thủ công, nguồn gốc cung cấp từ Lấp Vò (Đồng Tháp) và tại tỉnh An Giang.

Chính quyền và ngành chức năng huyện Châu Thành (Đồng Tháp) vẫn chưa thể “dẹp” được nhóm lang băm Mười Nghĩa hoạt động trái phép. Sự việc nghiêm trọng đã xảy ra khi có ít nhất 2 trường hợp ở huyện Châu Thành (Đồng Tháp) đã tử vong vì tiêm “nước cất” của Mười Nghĩa.

Anh Nguyễn Văn Quang (31 tuổi), ngụ tại ấp Phú Hội Xuân, xã Phú Long, tử vong ngày 17/10/2006. Đầu tháng 10/2006, một số đệ tử của Mười Nghĩa đến nói tiêm miễn phí, chúng chích 2 mũi (một vào đầu, một vào tay phải). Sau khi tiêm, sức khỏe anh Quang yếu dần và đến 17/10/2006 thì tử vong.

Ông Phan Văn Vờ (65 tuổi), ngụ tại ấp Phú An, xã Tân Bình, đau dạ dày và suy thận đã điều trị ở BV Đa khoa Sa Đéc, cơ bản sức khỏe đã hồi phục và BV cho xuất viện.

Có người giới thiệu, ngày 14/1/2007, ông Vờ đến nhà Mười Nghĩa chích 2 mũi (một vào bụng - vì ông đau bụng - và một mũi vào đầu). Sau đó sức khỏe của ông Vờ suy sụp, 4 ngày sau thì qua đời. Hiện, gia đình đã làm đơn gửi CA huyện Châu Thành đề nghị điều tra, làm rõ.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".