Khắc khoải món ăn khoái khẩu

Khắc khoải món ăn khoái khẩu
Kết quả kiểm tra gần đây của các cơ quan chức năng cho thấy, việc sử dụng hóa chất phụ gia độc hại, như hàn the, formol… trong chế biến và bảo quản thực phẩm vẫn rất tràn lan, với tỷ lệ khá cao.
Khắc khoải món ăn khoái khẩu ảnh 1

Trung bình cứ hai sản phẩm, như chả lụa, mì sợi, giò sống, bánh giò, bánh phở… có một sản phẩm có chứa hàn the hoặc formol.

Điều này khiến không ít người giật mình. Nhưng đáng lo ngại hơn là, không chỉ nhà sản xuất thờ ơ trước sức khỏe của cộng đồng, mà ngay cả người tiêu dùng, mặc dù biết đó là các sản phẩm có sử dụng hàn the, formol nhưng vẫn vô tư sử dụng… 

Bà Đào Mỹ Thanh, Trưởng khoa Kiểm nghiệm vệ sinh thực phẩm (Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM) cho biết, trung bình cứ hai sản phẩm, như chả lụa, mì sợi, giò sống, bánh giò, bánh phở… có mặt trên thị trường TP.HCM thì có một sản phẩm có chứa hàn the hoặc formol.

Kết quả khảo sát tại các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, như Hà Nội, Bạc Liêu, Hà Tây, An Giang, Ninh Bình, Thái Nguyên…, cũng cho thấy, mặc dù những nơi này thường xuyên có những đợt kiểm tra, tuyên truyền, phát hiện và xử lý không ít cơ sở sản xuất và chế biến, kinh doanh thực phẩm có sử dụng hàn the, formol, nhưng tình hình cũng không lấy gì làm sáng sủa.

Có lẽ, sau thời gian kiểm tra, đâu lại vào đấy. Vì thế, con số được các cơ quan chức năng công bố vào năm 2003, từng làm kinh hoàng không ít người tiêu dùng, cũng chưa có gì đảm bảo là đã được hạn chế: tỷ lệ hàn the, formol có trong các loại thực phẩm, như mì sợi, giò chả, giò sống, bánh đúc, bánh xu xê… lên tới 98% (formol) và 62% (hàn the).

Trước thực trạng đáng báo động trên, Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM đã chỉ đạo Khoa Kiểm nghiệm vệ sinh thực phẩm tiến hành một cuộc giám sát đối với một số loại thực phẩm chuyên dùng tại các cơ sở sản xuất, cũng như các cửa hàng kinh doanh, chế biến thực phẩm... Trung tâm đã lấy mẫu (dùng kỹ thuật test nhanh) ở nhiều loại hình khác nhau: cơ sở sản xuất, kinh doanh tại chợ, kinh doanh đường phố và hàng rong. Kết quả cho thấy: 47-49% sản phẩm tại cơ sở sản xuất có sử dụng hàn the.

Sản xuất thành công phụ gia thay thế hàn the

Tại cửa hàng kinh doanh đường phố, tỷ lệ cũng khá cao: từ 62 đến 68% các mẫu giò sống, chả lụa, mì sợi có chứa hàn the. Riêng đối với các quán hàng rong, kết quả kiểm tra cho thấy, tỷ lệ hàn the có trong thực phẩm luôn ở mức cao nhất, đặc biệt là chả lụa (77%); các loại khác, như giò sống, mì sợi cũng có tỷ lệ hàn the cao hơn ở các loại hình kinh doanh khác.

Kết quả giám sát trên 5 loại thực phẩm (giò chả, giò sống, phở…) được so sánh giữa năm 2004 và 2005 tại các quận, huyện Tân Bình, Hóc Môn, quận 1,3, 5,10 cho thấy, người tiêu dùng đang tiếp tục được “xơi” các loại thực phẩm độc hại, với mức độ độc hại không những không giảm, mà còn tăng lên: hàn the trong giò sống tăng từ 59,8% lên 72,3%, chả lụa trên 50% có chứa hàn the, còn với bánh phở thì vẫn có tới 45% mẫu có formol (năm 2004 là 28%).

Trên thế giới, 2 loại hàn the và formol được xếp trong danh mục chất cấm sử dụng trong thực phẩm từ những năm 60 của thế kỷ trước. Tại Việt Nam, 2 hợp chất này được coi là chất độc, bị Bộ Y tế nghiêm cấm sử dụng để chế biến thực phẩm. Nhưng trên thực tế, việc sử dụng các loại hóa chất độc hại này trong chế biến, kinh doanh thực phẩm vẫn rất tràn lan. Không chỉ người trực tiếp sản xuất nguyên liệu thực phẩm sử dụng các loại hóa chất phụ gia bị cấm bừa bãi, mà cả người kinh doanh (người nấu ăn) cũng tuỳ tiện không kém.

Khi nguyên liệu được chuyển đến người kinh doanh, thực phẩm lại trải qua một khâu “pha chế” mới, và tất nhiên, sẽ có thêm một chút phụ gia được sử dụng. Chẳng hạn, khi chế biến, người sản xuất dùng hàn the, formol để pha chế hoặc ướp cho hủ tiếu, bánh phở dai và tươi. Khi nguyên liệu này được chuyển đến người nấu ăn, đối tượng này lại pha chế đường hóa học vào trong nước lèo. “Đường hóa học dùng nêm nếm trong nước lèo sẽ tạo vị ngọt thanh, mà không một gia vị nào có thể thay thế được”, những người kinh doanh đã nói như vậy.

Ngoài phở, hủ tiếu là những món ăn thông dụng, thì các món giò chả, mì sợi, bánh giò, bánh da lợn, bánh xu xê, một số loại dưa mắm... cũng đều “góp phần” làm tăng lượng hàn the, formol trong cơ thể người tiêu dùng. Điều tra của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho thấy, trong tất cả các bữa tiệc, nhất là vào dịp cuối năm, thực khách đều được sử dụng tuần tự các món ăn được “tích trữ” trong các tủ cấp đông, buộc phải ít nhiều sử dụng hàn the.

Nhưng điều bất ngờ là, các kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết người tiêu dùng đều biết trong thực phẩm có sử dụng hóa chất nhưng vẫn sử dụng. Thậm chí, có đến 68,1% số người tiêu dùng được hỏi còn trả lời rằng, chủ động đặt làm sản phẩm có chứa hàn the.

Trao đổi với chúng tôi về trực trạng này, BS. Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện nay, Việt Nam đã ban hành danh mục gần 200 hóa chất phụ gia được sử dụng trong thực phẩm, với hàm lượng cho phép. Riêng hàn the và formol là loại hóa chất bị cấm sử dụng. Tuy nhiên, do xuất phát từ lợi ích cá nhân mà người kinh doanh vẫn sử dụng các loại hóa chất này. “Nhưng kiểm soát được là không đơn giản, bởi hiện nay, mạng lưới thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm rất thiếu, chỉ có 3 thanh tra viên”, BS. Giang nói và cho biết, các cán bộ chuyên trách về vệ sinh an toàn thực phẩm ở tuyến quận, huyện cũng rất thiếu và phải kiêm nhiệm. Hệ thống kiểm nghiệm phân tích, đánh giá dư lượng các chất trong thực phẩm cũng thiếu và yếu, chưa có khả năng phát hiện và đo đạc nhiều chất.

Theo BS. Giang, bên cạnh việc các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, thì giải pháp tốt nhất là các nhà khoa học nhanh chóng nghiên cứu, tìm ra các phụ gia thay thế, đồng thời người tiêu dùng phải tự ý thức được việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn.

Theo Đầu tư

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.