Lâm Đồng: Dịch lở mồm long móng xuất hiện ở 100% huyện, thị

Lâm Đồng: Dịch lở mồm long móng xuất hiện ở 100% huyện, thị
TP - Ngày 10/ 5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hoàng Sĩ Sơn cho biết, bệnh LMLM đã xuất hiện ở 100% huyện, thị, trong tỉnh với hơn 2.700 con bò và trên 11 ngàn con heo mắc bệnh

Trên 7.400 gia súc đã bị chết.

Tình trạng bán “chạy” gia súc bị bệnh vẫn còn phổ biến. Cơ quan thú y các huyện Tân Phú, Thống Nhất (Đồng Nai) phát hiện gần 20 vụ vận chuyển hàng trăm con heo từ vùng dịch Lâm Đồng về Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh để tiêu thụ.

Trạm kiểm dịch động vật Mađagui (Lâm Đồng) vừa kiểm tra phát hiện ô tô 60N - 5730 do Vũ Minh Quang (trú tại Biên Hòa, Đồng Nai) điều khiển, chở 14 con heo từ xã Lộc Châu (TX Bảo Lộc) về hướng Đồng Nai, trong đó có 13 con trọng lượng 20 – 30 kg và 1 heo nái  130kg.

Tất cả số heo này đều có dấu hiệu LMLM nên Trạm đã cho tiêu hủy. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng thừa nhận mặc dù đã tăng cường kiểm tra kiểm soát việc vận chuyển gia súc giữa các huyện và từ Lâm Đồng ra các tỉnh nhưng vẫn còn tình trạng lén lút vận chuyển gia súc.

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa quyết định chi  6 tỷ đồng để phòng chống dịch. Lâm Đồng cũng đã trang bị 126.400 liều vắc-xin và đang đề nghị Bộ NN&PTNT cấp bổ sung thêm 12 ngàn liều để các địa phương tiêm phòng cho gia súc. Các hộ nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số được UBND tỉnh hỗ trợ 100% tiền vắc-xin và công tiêm phòng.

Mới đây, sau khi kiểm tra dịch LMLM trên đàn gia súc ở Lâm Đồng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng chỉ đạo cần tăng cường kiểm soát việc giết mổ, vận chuyển gia súc, đặc biệt lưu ý công tác giám sát dịch, chống bán “chạy” gia súc bị bệnh.

Khánh Hòa: Tiêm vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng đạt kết quả thấp

 Theo báo cáo của các TT thú y vùng TPHCM (các tỉnh quanh TPHCM theo cách phân vùng của thú y), vùng Đà Nẵng và vùng Cần Thơ, tỷ lệ gia súc được tiêm vắcxin phòng bệnh LMLM rất thấp.

Tại vùng TPHCM (gồm 13 tỉnh), tỷ lệ tiêm vacxin LMLM trên trâu bò đạt 55%, trên heo đạt 43%. Tại vùng Đà Nẵng (gồm 9 tỉnh), tỷ lệ tiêm vắcxin LMLM trên trâu, bò đạt 41%, trên heo gần đạt 0,1%.

Tỷ lệ tương ứng tại vùng Cần Thơ (gồm 10 tỉnh ĐBSCL, trừ Long An, Tiền Giang, Bến Tre) là 24% và 4,5%. Công tác kiểm dịch cũng chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến kiểm dịch “chay”, không nắm được nguồn gốc gia súc không tiêm phòng vẫn được chứng nhận tiêm phòng, không xét nghiệm bệnh nhưng vẫn ghi đã xét nghiệm.

MỚI - NÓNG