Lạm dụng thuốc dễ hại thận

Lạm dụng thuốc dễ hại thận
TP - Hỏi: Con gái em 5 tuổi bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Thuốc được dùng nhiều nhất là gentamycin và tobramycin. Cũng như mấy lần trước, em lại thấy cháu đi tiểu khó, nước tiểu đục, và kêu đau. Ra phòng khám, bác sỹ bảo có thể thận bị thương tổn do dùng quá nhiều thuốc.

Có phải vậy không, thưa bác sỹ?

Trả lời: Bạn không nói cụ thể thuốc điều trị cho cháu dùng thế nào và tình trạng thận của con bạn lúc bình thường ra sao nên không thể khẳng định thận trục trặc có phải do thuốc hay không.

Tuy nhiên, gentamycin và tobramycin đúng là hai thứ thuốc có tỷ lệ gây độc cho thận khá cao vì thường bị lạm dụng khi chữa bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp cho trẻ dưới sáu tuối.

Hai thuốc này đều là kháng sinh thuộc nhóm aminoid có tỷ lệ gây độc cho thận là 10 phần trăm. Chúng gây nhiễm độc chủ yếu cho ống thận, làm tế bào biểu mô ở ống thận bị tổn thương.

Gây nhiễm độc cho ống thận còn có kháng sinh cephalosporin thế hệ một (thế hệ hai và ba an toàn hơn), kháng sinh chống nấm amphotericin B (gây suy thận cấp, đái tháo nhạt), và cả thuốc giảm đau paracetamol (gây suy thận cấp nếu một ngày dùng quá 15 gram và gây suy thận mạn nếu dùng liều tương đối cao, kéo dài, kèm theo uống rượu), v.v...

Kháng sinh được liệt vào nhóm thuốc gây độc cho thận nhiều nhất và nhóm thuốc này đang được dùng ở nước ta với tần suất cao do nhiều nguyên nhân.

Chúng ta cần lưu ý rằng hầu hết các loại thuốc uống, thuốc tiêm, đôi khi cả thuốc dùng ngoài da, đều đi qua thận (dưới dạng biến đổi hay không biến đổi). Và thận trở thành một trong những bộ phận bị “vạ lây” khi ta dùng thuốc trị bệnh.

Suy giảm thận dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm, trong đó có ảnh hưởng đến trí nhớ. Nếu khả năng thải trừ thận của con gái bạn kém, độ thanh thải thấp, thuốc lưu lại trong thận lâu hơn, càng dễ khiến thận hư hơn.

Để tránh tổn thương cho thận, bạn nên bắt đầu cho con dùng bắt đầu từ liều thấp, tăng dần đến đủ và duy trì liều điều trị. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ các biểu hiện lâm sàng về thận như quan sát lượng nước tiểu nhiều hay ít, trong hay đục hơn so với trước khi dùng thuốc.

Nếu có điều kiện, trước hay trong khi dùng thuốc, bạn nên đưa con đến bệnh viện kiểm tra độ thanh thải thận (thanh thải creatin) để chọn và điều chỉnh thuốc và liều thuốc cho thích hợp. Cũng nên tìm hiểu kỹ xem thận có mắc các bệnh khác không thông qua các xét nghiệm cụ thể như làm protein niệu chẳng hạn.

MỚI - NÓNG