Làng phế liệu - Hoa mắt, váng đầu

Làng phế liệu - Hoa mắt, váng đầu
TP - Mỗi ngày có đến hàng chục tấn phế liệu từ đài, ti vi, ghế nhựa hỏng đến lông gà lông vịt đổ về làng Triều Khúc. Các nhà làm nghề tái chế rác vẫn xen kẽ với nhà dân khiến ô nhiễm ở đây trở nên đáng báo động.

Nghề thu gom, tái chế phế liệu ở Triều Khúc (xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) có từ hàng trăm năm nay. Xưa làng chỉ thuần thu mua lông gà lông vịt làm chổi, phất trần.

Nay hầu như mọi thứ giời ơi đất hỡi đều được dân Triều Khúc thu mua hết. Lông gà vịt cũng thành hàng xuất khẩu, chủ yếu sang Trung Quốc. Cái gì cũng ra tiền cả.

Chuyên môn hóa nên việc buôn bán, sản xuất ngày càng tấp nập. Các máy xay xát nhựa, giặt lông gà vịt hoạt động rào rào không nghỉ. Thanh niên trai tráng vác búa tạ rầm rầm đập vụn ti vi, quạt, bàn ghế trước khi cho vào máy nghiền. Phế liệu chất đống ngổn ngang.

Xe tải chở đồ đồng nát cứ chiều đến lại xếp hàng dài tiến vào làng, phun khói mù mịt. Đổ phế liệu xong lại lặc lè quay ra với những thứ đã được phân loại, sơ chế, đem bỏ cho những mối quen là các xưởng đúc nhôm, sắt và xưởng nhựa.

Một số người làng đã trở thành đầu nậu phế liệu tầm cỡ, xây biệt thự, mở xưởng, mua ô tô tải, thuê hơn chục nhân công làm việc đêm ngày. Các loại xe đắt tiền phóng vèo vèo trên đường làng. Hầu hết đều từ phế liệu mà ra.

Chỗ nào cũng rác

Hóa chất từ việc súc xả các chai xà phòng, dầu gội, dầu nhớt, axit hòa lẫn hóa chất hấp nhuộm vải làm cá trong ao chuôm, thậm chí cung quăng trong cống, chẳng con nào sống sót. Vụn nhựa từ các xưởng nghiền phế liệu ứ đọng làm ách ắc dòng chảy. Đi khắp làng chỗ nào cũng đụng rác. Rác nổi lều bều trong các cống, vũng nước, ao tù lẫn với từng đám ruồi bu đen kịt.

Phó Chủ tịch xã Hoàng Trọng Đức cho biết, nghề cổ của xã là dệt thổ cẩm và làm guốc gỗ. Nay chỉ hơn chục hộ ở Triều Khúc bám khung dệt. Nghề làm guốc gỗ có khoảng mươi nhà bên Yên Xá, còn lại bung ra thu gom phế liệu. Chủ yếu ở làng Triều Khúc.

Nghề đồng nát thay đổi cuộc đời dân Triều Khúc. Năm 2000, doanh thu của cả làng là 28 tỷ đồng. Riêng doanh thu từ lông gà vịt đã tới 5,7 tỷ đồng. Thu nhập bình quân mỗi người đạt 500.000đ - 700.000đ/tháng.

Xã cũng chú ý đến vấn đề môi trường bằng việc thành lập đội thu gom rác. 7 chị em thôn Triều Khúc, 5 chị em thôn Ninh Xá. Đồng thời ký hợp động vận chuyển rác với Cty môi trường Thăng Long chở ra bãi rác Nam Sơn.

Nhưng “7 tấn rác xả ra một ngày không thể gom xuể - Ông Hoàng Trọng Đức, Phó chủ tịch UBND xã Tân Triều nói – Tính ra mỗi chị một ngày “cõng” 4 xe rác. Nhưng cứ quay đi là lại có rác mới”.

Nhiều hộ thậm chí xả rác ra ao công. Ao đầy, họ đổ quanh làng. Khắp đường làng chỗ nào cũng ngồn ngộn phế thải và rác.

Xã Tân Triều có hai làng, Triều Khúc và Yên Xá, với gần 20.000 nhân khẩu. Riêng Triều Khúc có gần 3.000 hộ với gần 300 cơ sở kinh doanh, xay xát phế liệu. Chiều chiều, người làng đi chợ, trẻ con tan học phải lách qua những xe tải  đầy có ngọn lông gia cầm, nước bẩn theo kẽ hở chảy ròng ròng. Mùi hôi tanh bốc nồng nặc.

“Những hôm nắng mới đáng sợ. Ngay đằng sau ủy ban xã người ta đặt mấy máy giặt lông gà vịt. Hôm nào họ giặt cán bộ ủy ban cứ thế bịt mũi làm việc”– Chị Thu Đông, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã trần tình.

Mùi và tiếng ồn là hai “đặc sản” của Triều Khúc. Đi xuống cuối làng, tới bãi Giò Gà là nơi phơi lông gà vịt. Tuy đã cách khu đông dân nhất của làng một thôi đường, nhưng mùi mẽ theo gió phát tán tứ tung. Phơi trong sân không đủ, người ta còn phơi ngay trên đường làng. Xe máy phóng qua, lông gà bay lên mù mịt.

Những hộ sống gần xưởng xay xát nhựa mới thật khổ. Đứng cách nhau vài mét nhưng hét thả cửa cũng không ai nghe thấy gì. Cảnh xóm giềng từ bảnh mắt đã thức giấc bởi tiếng máy nghiền nhựa chạy ầm ầm là chuyện cơm bữa.

Chị Thu Đông nhà bên thôn Yên Xá, may mắn ít phải ngửi mùi lông gà vịt và “nói chuyện mỏi tay”, nhưng lại viêm phổi và phế quản mãn tính do hít phải mùi sơn phun guốc gỗ. “Bên Triều Khúc này cũng thế thôi. Trẻ con dễ bị ho hen nhất” – Chị Đông nói. Số ca điều trị bệnh đường hô hấp ở trạm y tế xã đầu năm 2006 đã tới hơn 600.

UBND thành phố Hà Nội đã có dự án quy hoạch làng nghề Triều Khúc đến năm 2007. Tuy nhiên, với diện tích eo hẹp chỉ gần 8 ha, nhiều hộ làm nghề tính toán có lẽ vẫn phải trụ lại trong làng.

Một người làng lo lắng bảo cứ đà này “dân làng không điếc mũi thì cũng điếc tai sớm”.  

MỚI - NÓNG