Loạn xét nghiệm trong bệnh viện

Loạn xét nghiệm trong bệnh viện
Bất kỳ ai, dù bệnh nhẹ hay nặng, khi đến gặp thầy thuốc đều "được chỉ định" làm xét nghiệm (XN), ít thì 1 XN, nhiều có khi lên đến cả chục XN. Việc phải làm XN hay không đều phụ thuộc vào "lệnh" của bác sĩ.

Mới đây, khi Vụ Điều trị - Bộ Y tế thông báo con số báo động về tình trạng người bệnh phải làm quá nhiều  xét nghiệm (XN) tại 687 cơ sở y tế trên toàn quốc đã làm cho rất nhiều người bệnh "giật mình". Hoá ra, lâu nay người bệnh đã phải trả một số tiền không nhỏ cho các xét nghiệm không cần thiết.

Xét nghiệm vô tội vạ

Bác Cao Thu Hiền, phường Phương Mai, Hà Nội kể: "Hôm đó sáng ngủ dậy tôi thấy đau đầu liền vào khám tại phòng khám của BV Bạch Mai. Mới nghe nói tôi bị bệnh cao huyết áp, bác sĩ (BS) liền viết phiếu yêu cầu tôi đi XN.

Cầm các tờ phiếu XN máu, đo loãng xương, siêu âm tim..., tôi không hiểu vì sao phải làm nhiều XN đến thế. Tôi mất cả buổi sáng để chờ đợi xét nghiệm, siêu âm rồi cả buổi chiều chờ lấy kết quả.

Sau vài phút xem các kết quả XN đó, BS kết luận: Các chỉ số bình thường và cho một đơn thuốc để trị bệnh  cao huyết áp. Như để thanh minh cho việc phải làm quá nhiều XN, vị BS này nói, đây cũng là dịp tốt để kiểm tra sức khoẻ tổng thể. Nhưng với những người đã nghỉ hưu như tôi thì số tiền gần 500.000đ cho một lần kiểm tra sức khoẻ như vậy là quá lớn".

Tại các phòng khám tư, các chỉ định XN còn "nở rộ" hơn rất nhiều. Những cơ sở này thường đưa ra các gói dịch vụ khám sức khoẻ bao gồm một số XN nhưng hầu như không người bệnh nào không phải làm thêm các XN.

Chị Hải Yến ở Quảng Ninh đến khám bệnh viêm thận với gói dịch vụ 700.000đ tại phòng khám ở phố Yết Kiêu. Sau khi đọc các kết quả XN nằm trong gói dịch vụ, BS yêu cầu chị Yến làm thêm XN đường máu, XN men gan. Chị Yến thắc mắc thì BS nói: Không làm XN đó thì không thể chẩn đoán bệnh được. Thế là chị Yến đành ngậm ngùi bỏ ra hơn 100.000đ để mong BS tìm ra bệnh.

Trước vấn nạn này, không ít người bệnh đang bức xúc. Người bệnh đang không có quyền lựa chọn mà hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn của BS.

Xét nghiệm chồng lên xét nghiệm

Mất một khoản tiền không nhỏ để làm các XN, song rất nhiều trường hợp những tờ kết quả XN đó đã thành "giấy lộn" khi người bệnh chuyển đến một cơ sở y tế khác.

BV tư làm XN gấp 2-3 lần BV công

Số lượng các XN sinh hoá, huyết học, vi sinh, chụp X-quang, siêu âm, chụp CT -Scan và nội soi trong năm 2006 đều tăng từ 16-29,5% so với năm 2005. Riêng siêu âm và nội soi tăng cao nhất là  25,4% và 29,5%. 

Bình quân một người bệnh nội trú có 5,35 XN sinh hoá; 6,9 XN huyết học; 0,5 lần chụp XQ. Riêng các khối BV ngoài công lập các chỉ tiêu về XN tăng rất cao.

XN sinh hoá tăng 56,6%, huyết học tăng 90,9%, vi sinh tăng 94%, XQ tăng 46,1%, siêu âm chẩn đoán tăng 48,3%... So với các BV công lập, các chỉ số XN trong khối các BV tư nhân đang tăng gấp 2-3 lần...

Bà Nguyễn Thị Loan ở Nam Định, bị u mỡ ở gan vào khám và phẫu thuật tại BV Quân đội 108. Sau khi làm một loạt các XN, chụp chiếu tiêu tốn gần 2 triệu đồng và chờ ngày lên bàn mổ, nhưng có người bà con lại mách về BV Việt Đức mổ tốt hơn.

Đến BV Việt Đức, bà Loan đưa cho BS các phiếu XN đã làm tại BV 108 thì bị từ chối và yêu cầu phải làm lại XN theo yêu cầu của BV. "Chúng tôi không thể mổ  cho bà theo các kết quả XN của BV khác, nếu xảy ra chuyện gì bà tự chịu trách nhiệm nhé..."- đó là lý do mà BS đưa ra.

Bà Loan không còn cách nào khác lại phải bỏ thêm gần 2 triệu đồng làm các XN để được mổ tại BV Việt Đức...

Vì sao các cơ sở y tế lại không thừa nhận các kết quả XN của nhau? Nhiều chuyên gia về XN cho rằng, ngành y tế cần phải xây dựng hệ thống XN theo tiêu chuẩn để từ đó các kết quả XN phải đạt chuẩn.

Vì hiện nay, các phòng XN đều chưa đạt chuẩn nên dẫn đến tình trạng các BV tuyến T.Ư phủ nhận các kết quả XN của tuyến địa phương, hoặc  giữa các BV tuyến T.Ư cũng không thừa nhận kết quả XN của nhau.

Tuy nhiên, có một số ý kiến khác lại cho rằng, các BV (cả công lẫn tư) đang "sống" nhờ các dịch vụ XN nên càng làm nhiều XN càng tăng thu nhập cho cán bộ y tế.

Việc quản lý XN của nhiều BV cũng rất đáng ngại. Khoa chẩn đoán hình ảnh của một BV lớn của Hà Nội được BV khoán mỗi tháng phải nộp cho BV 100 triệu đồng. Chính vì thế,  khoa này đã móc nối với các phòng khám tư đưa bệnh nhân vào BV làm XN để tăng khoản thu. Vậy là, sau khi đã nộp đủ tiền khoán, khoa này đã dùng máy móc của Nhà nước để kiếm lợi.

Tình trạng lạm dụng XN  đã diễn ra từ rất lâu, nhưng ngành y tế chưa có biện pháp hữu hiệu nào để khắc phục. Người bệnh luôn bị dồn vào thế cùng đường đành phải "nhắm mắt" làm theo.

Theo Ngọc Phương
Lao Động

MỚI - NÓNG