Sự sáng tạo đẳng cấp quốc tế

Sự sáng tạo đẳng cấp quốc tế
Bệnh viện nhi TW đã phẫu thuật tạo hình thành công nhiều trường hợp không có hậu môn bằng phương pháp mới, đánh dấu bước tiến quan trọng của phẫu thuật tạo hình Việt Nam và thế giới.
Sự sáng tạo đẳng cấp quốc tế ảnh 1

Bệnh nhi Nguyễn Ích Hoàng một ngày tuổi được phẫu thuật tạo hình hậu môn.                               Ảnh: Như Giang

Thành công này cũng mở ra hướng phát triển tạo hình sớm cho những bệnh nhi bị dị tật như phình đại tràng bẩm sinh, lỗ đái thấp, hội chứng sinh dục thượng thận...

Theo thống kê của Bệnh viện, trung bình mỗi tuần Khoa Ngoại tiếp nhận 2 bệnh nhi trong tình trạng không có hậu môn. Đây là một dị tật hay gặp. Theo các bác sĩ, nguyên nhân gây dị tật có liên quan đến sức khỏe của bà mẹ trong quý đầu thai nghén. Làm thế nào để có thể tạo cho những bệnh nhi này hậu môn đáp ứng nhu cầu sinh lý bình thường, là nỗi trăn trở của PGS.TS. Nguyễn Thanh Liêm và các bác sĩ Khoa ngoại nhiều năm qua.

Trên thế giới, ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, người ta đã tiến hành phẫu thuật một lần để tạo hình bộ phận này bằng cách mổ qua đường bụng, hạ bóng trực tràng xuống và tạo hậu môn. Những trường hợp này tử vong gần 100%, nếu sống được thì chức năng đại tiện rất kém.

Ở nước ta, những năm 70 của thế kỷ 20, các bác sĩ cũng bắt đầu phẫu thuật tạo hình hậu môn và được tiến hành theo 3 bước: Trước hết đưa ruột già ra ngoài thành bụng, dùng túi đựng phân; 6 tháng sau hạ bóng trực tràng và tạo hình hậu môn bằng đường bụng; 3 tháng sau đóng hậu môn nhân tạo.

Phương pháp này đã giảm tỷ lệ tử vong nhưng số ca thành công thực sự vẫn còn rất ít vì chưa đúng cơ sở sinh lý của một hậu môn bình thường. Cùng với đó là các biến chứng, đặc biệt là vấn đề rò đường tiết niệu và đại tiện không thể giải quyết triệt để.

Nhiều năm trôi qua, các nhà phẫu thuật nhiều nước trên thế giới và Việt Nam đều nhận thấy rằng, nếu phẫu thuật qua đường bụng thì khó có thể kiểm soát được tình trạng són phân ở những bệnh nhân có hậu môn nhân tạo.

Bệnh viện nhi Trung ương cũng thực hiện kỹ thuật mổ sau trực tràng, bệnh nhân đặt trong tư thế nằm sấp nhưng có nhiều kỹ thuật khác biệt so với thế giới.

Tại Mỹ, người ta cũng đã mổ ở tư thế này nhưng vẫn cắt bớt bóng trực tràng cho dễ kéo xuống rồi khâu lại. Điều này không giữ nguyên vẹn cơ thắt trong, vì vậy tỷ lệ són phân, táo bón khá cao.

Ngay trong tháng 3 vừa qua, PGS Liêm và các cộng sự đã mổ thành công 4 ca mắc dị tật này đều trong vòng 48h sau khi sinh. Ngày 17/3/2005, bệnh nhi Nguyễn Xuân Nam, 11 ngày tuổi, ở Yên Đồng, Yên Lạc, Vĩnh Phúc đã xuất viện. Hiện các bệnh nhi sơ sinh là Phạm Thị Thu Huyền (Nghĩa Hưng, Nam Định), Nguyễn Ích Hoàng (Hoài Đức, Hà Tây), Nông Thị Thương (Lục Ngạn, Bắc Giang) đều đại tiện tốt và sắp được xuất viện.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thanh Liêm, thành công của phương pháp này mở ra hướng xử trí phẫu thuật sớm cho những trường hợp phình đại tràng bẩm sinh, hội chứng sinh dục thượng thận, dị tật lỗ đái thấp...

MỚI - NÓNG