Teo cơ delta: Chờ nghiên cứu tới bao giờ ?

Teo cơ delta: Chờ nghiên cứu tới bao giờ ?
TPCN - Thay vì chờ đợi kết quả đề tài nghiên cứu cấp nhà nước chưa thấy bắt đầu và không biết bao giờ mới xong, nhiều ý kiến cho rằng nên sớm chỉ ra các yếu tố nguy cơ cao dẫn đến bệnh này.
Teo cơ delta: Chờ nghiên cứu tới bao giờ ? ảnh 1
Một bệnh nhân bị teo cơ delta tại Hà Tây. Ảnh VNN

Một đề tài nghiên cứu cấp bộ kéo dài ba tháng vừa được Bệnh viện Nhi Trung ương (NPH) hoàn thành và, theo PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc NPH, các kết quả thu thập trên cơ sở xem xét 3600 trường hợp đang được xử lý.

Nghiên cứu ban đầu cho thấy đa số bệnh nhân bị teo cơ delta có tiền sử bị tiêm nhiều lần. Từ thống kê có ý nghĩa đó, một số nhà nghiên cứu đề cập đến yếu tố nguy cơ cao có thể gây teo cơ delta  cần chú ý theo dõi và đề phòng. Đó là vấn đề liên quan đến tiêm, kỹ thuật tiêm, v.v...

Nghi ngờ này thực ra từng được đề cập trong các nghiên cứu riêng lẻ trước đó và cũng thấy phù hợp với nghiên cứu của một số nước.

“Kết quả nghiên cứu cấp bộ do NPH tiến hành cho thấy, không có cơ sở để kết luận tiêm vaccine là nguyên nhân dẫn đến teo cơ delta. Tuy nhiên tiêm bắp là yếu tố nguy cơ cao gây teo cơ delta”, PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BV Nhi Trung ương (NPH) cho biết.

Vấn đề là, trong bối cảnh bệnh teo cơ delta bước đầu được phát hiện trên những quần thể không nhỏ ở không ít địa phương, cho đến thời điểm này, ngành y tế chưa đưa ra bất cứ khuyến cáo dự phòng nào dù là khuyến cáo dự phòng yếu tố nguy cơ cao. Tại sao vậy và sự thận trọng ấy có quá mức cần thiết không?

Đấy là yếu tố nguy cơ cao

Để trả lời cho câu hỏi mà dư luận đang rất mong chờ kia, chúng tôi tìm đến những người từng trực tiếp nghiên cứu và quản lý y tế cơ sở ở một số địa phương.

Rất tiếc những người này đều từ chối với lý do vừa nhận được văn bản của Bộ Y tế yêu cầu không được phát ngôn với báo chí về vấn đề teo cơ delta nếu không được phép của Bộ!

Tuy nhiên, để tham khảo, chúng tôi xin trích đăng buổi làm việc với PGS.TS Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng Khoa Phẫu thuật Nhi, NPH, thời điểm trước khi tiến hành đề tài nghiên cứu cấp bộ tháng 1/2006.

Có thể liên quan đến kỹ thuật hoặc quy trình tiêm chăng? Có thể một vùng nào đó các y tá y sỹ thực hiện quy cách tiêm không đúng chẳng hạn? Hơn nữa, một số nghiên cứu của Hiệp hội Chỉnh hình Nhi Quốc tế mà Hiệp hội Chỉnh hình Nhi Việt Nam vừa là thành viên năm ngoái cũng đề cập đến tiêm như là một nguyên nhân chính?

Về cách tiêm đúng là phải tìm hiểu và, về việc tiêm có thể gây teo cơ delta, đúng là tôi có nghe và xem tài liệu từ các đồng nghiệp nước ngoài. Có thể nói tài liệu của họ rất đáng quan tâm.

Tình hình chủ yếu xảy ra ở một số nước đang phát triển. Tại ấn Độ, người ta mới phát hiện một bộ tộc ở Calcuta có 17 người mắc. Song như thế không có nghĩa là nhận định một cách vội vã ở Việt Nam.

Chính tôi cũng bị teo cơ delta bên vai phải sau một đợt tiêm kháng sinh liên tục hồi tháng Chín năm ngoái. Đây, anh xem, tay phải của tôi giờ không thể nâng lên cao như tay trái được nữa.

Vậy trong lúc chờ đợi kết quả đề tài nghiên cứu chính thức cấp bộ, theo ông, có nên khuyến cáo yếu tố nguy cơ cao để phần nào giúp cộng đồng chủ động đề phòng không?

Tôi không có quyền phát ngôn về vấn đề này. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng khuyến cáo như thế cũng có mặt tốt, nhất là trong hoàn cảnh dư luận đang bức xúc về cách phòng tránh.

Đành rằng nghiên cứu tìm ra nguyên nhân là vô cùng khó và bất cứ khuyến cáo nào từ cơ quan quản lý cũng phải mang tính chính thống chứ không thể dựa trên cơ sở nhận định không chắc chắn được.

Song điều đó không có nghĩa là im lặng một khi không tìm ra nguyên nhân. Bệnh ung thư chúng ta đã tìm ra nguyên nhân đâu. Song không có nghĩa là ngành y tế không nên khuyến cáo các yếu tố nguy cơ cao có thể dẫn đến ung thư như chế độ ăn uống, sinh hoạt, môi trường sống.

Nghiên cứu từ năm 1994, tại sao ông không báo cáo sớm với Bộ Y tế?

Thực tình tôi cũng không để ý ở góc độ cộng đồng vì tôi chỉ là nhà điều trị. Chỉ đến khi có bài đầu tiên đăng trên báo Tiền phong năm 2005 về một làng teo cơ delta ở Hà Tĩnh, tôi mới giật mình.

Không thể khuyến cáo khi chưa có cơ sở

(Đối thoại với ông TS Lý Ngọc Kính, Vụ trưởng Vụ Điều trị Bộ Y tế)

Các ông phát hiện bệnh teo cơ delta lâu chưa?

Một số chuyên gia phát hiện ca đầu tiên từ năm 1994.

Cơ quan quản lý là Bộ Y tế, cụ thể là Vụ Điều trị, phát hiện số lượng nhiều ở một địa phương lâu chưa?

Cũng mới đây thôi, khi một tổ chức từ thiện tổ chức khám bệnh cho các em ở một tỉnh miền Trung.

Theo ông vì sao ngành Y tế phát hiện chậm như vậy?

Tôi cho rằng có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là hệ thống y tế cơ sở, y tế học đường làm chưa tốt việc này. Thứ hai đây là bệnh hiếm gặp. Y văn thế giới cũng nói rất ít. Ngay cả các giáo trình trong đại học y cũng rất ít đề cập đến bệnh này.

Ông có thông tin gì về bệnh này ở các nước không?

Rất ít.

Cụ thể là ở các nước nào, phát triển hay đang phát triển, thưa ông?

Ở một số nước phát triển.

Dẫu rằng phải chờ kết quả nghiên cứu chính thức cấp nhà nước song, chí ít, dựa trên khảo sát bước đầu của PGS.TS Nguyễn Ngọc Hưng và kết quả đề tài nghiên cứu cấp bộ vừa hoàn thành, cũng có thể và nên để ý đến yếu tố nguy cơ cao là tiêm được chứ ạ? Và khuyến cáo tới các cơ sở y tế lưu ý yếu tố đó chăng?

Không thể khuyến cáo khi chưa có cơ sở khoa học được xác nhận. Ông Hưng làm đề tài nghiên cứu khoa học là để bảo vệ luận án phó tiến sỹ của ông ấy.

Tôi có nói với ông ấy rằng anh nghiên cứu thì tốt nhưng nói đến tiêm là không được. Đề tài của anh nghiên cứu về xử lý cơ delta chứ có phải nghiên cứu về tiêm đâu. Phải có nghiên cứu khoa học. Vì sao tôi và anh chắc chắn cũng từng tiêm nhưng cả hai chúng ta có bị đâu.

Thế nếu đề tài nghiên cứu không tìm ra nguyên nhân thì sao?

Cũng có thể lắm vì tìm nguyên nhân một căn bệnh vô cùng khó. Thí dụ ung thư nếu tìm ra nguyên nhân thì đã chữa được rồi.

Nhưng với teo cơ delta chưa tìm ra nguyên nhân mà vẫn chữa khỏi đấy thôi?

...

Quốc Dũng (thực hiện)

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.