Trả lại tim vào lồng ngực cho cháu bé sơ sinh

Trả lại tim vào lồng ngực cho cháu bé sơ sinh
16h chiều 25.3, ca phẫu thuật kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ, nhằm che phủ và đưa một phần tim vào lồng ngực đối với em bé sơ sinh có trái tim nằm ngoài lồng ngực, đã được các bác sĩ của Trung tâm Tim mạch BV T.Ư Huế thực hiện thành công.

Như đã thông tin, chiều 23.3, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi đã thực hiện ca mổ đẻ cho chị Lê Thị Đào (sinh năm 1974) tại xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi).

Khi lấy đứa trẻ ra khỏi bụng thì các bác sĩ đã phát hiện cháu bé có trái tim nằm ngoài lồng ngực.

Chiều 24.3, em bé sơ sinh nói trên được chuyển ra Trung tâm Tim mạch Bệnh viện T.Ư Huế trong tình trạng rất nguy kịch với các triệu chứng: Quả tim nằm ngoài lồng ngực toàn phần (có trường hợp chỉ bán phần), bị khô và nhiễm trùng, suy hô hấp, suy tuần hoàn, kèm theo nhiều dị tật và thương tổn bất thường khác của buồng tim...

Sau hơn 12 giờ được cấp cứu hồi sức, sáng 23.5, các bác sĩ của Trung tâm Tim mạch quyết định phẫu thuật để cứu cháu bé, dù hy vọng sống là rất ít.

Ca phẫu thuật do PGS.TS Bùi Đức Phú - Q. Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế, bác sĩ Nguyễn Khắc Dũng, Đinh Văn Tuân (gây mê hồi sức); Trần Thúc Khang cùng các cộng sự thực hiện.

Đến 16h chiều 25.3, bệnh nhân được chuyển đến phòng hồi sức của Trung tâm Tim mạch với tình trạng sức khoẻ ổn định.

Trả lại tim vào lồng ngực cho cháu bé sơ sinh ảnh 1

Các bác sĩ vừa phẫu thuật vừa... bóp tim vì nhịp tim của cháu bé đập rời rạc.

PGS.TS Bùi Đức Phú cho biết:

"Như thế này có thể nói là quá sức thành công bởi ca phẫu thuật đã diễn ra rất khó khăn, các bác sĩ vừa phẫu thuật vừa phải... bóp tim vì đứa trẻ chỉ nặng có 2,7kg, đã thế trong quá trình gây mê, nhịp tim đập rời rạc. Đã có lúc, chúng tôi nghĩ em sẽ không qua được trên bàn mổ.

Hiện tại, chúng tôi mới chỉ phẫu thuật giai đoạn một với các phần việc: Che phủ và đưa một phần quả tim vào lồng ngực. Sắp tới nếu sức khoẻ của cháu bé tiến triển tốt, chúng tôi sẽ phẫu thuật tiếp giai đoạn hai để sửa chữa các thương tổn và tái tạo lại thành ngực".

PGS.TS Bùi Đức Phú cho rằng "sự sống của cháu bé đang phải tính từng giờ, thậm chí là từng phút, và hiện không thể nói trước điều gì, bởi đây là một bệnh rất hiếm gặp. Trên thế giới, cứ 1 triệu trẻ em sinh ra thì có khoảng 5-7 đứa mắc phải bệnh này, và thường là... không có ai sống được sau khi can thiệp phẫu thuật".

Theo các bác sĩ của Trung tâm Tim mạch Bệnh viện T.Ư Huế thì đối với y học hiện đại, bệnh như thế này có thể phát hiện bằng siêu âm trong tháng thứ 5 của chu kỳ mang thai, và lúc đó giải pháp tốt nhất là phá thai.

Tuy nhiên trao đổi với chúng tôi chiều 23.3, ông Phạm Đình Minh - bố của cháu bé (hiện gia đình anh đang sinh sống ở xã La Giang, huyện EaHleo, tỉnh Đắc Lắc) thì trong quá trình mang thai, vợ anh, chị Lê Thị Đào đã 2 lần đi siêu âm ở một bác sĩ tư tại Buôn Ma Thuột bằng kỹ thuật 4D (một lần lúc 3 tháng, một lần lúc 5 tháng), nhưng bác sĩ không phát hiện ra tim thai nhi nằm ngoài lồng ngực, mà chỉ phát hiện thai có nước ối nhiều.

Mãi cho đến khi gần sinh, các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi mới siêu âm thấy tim nằm ngoài lồng ngực kèm theo nhiều chứng bệnh khác.

Theo Hoàng Văn Minh
Lao Động

MỚI - NÓNG