Triclosan trong thuốc đánh răng không nguy hại!

Triclosan trong thuốc đánh răng không nguy hại!
Khẳng định này của PGS.TS Lê Văn Cát (Viện Hoá học) có thể khiến nhiều người yên tâm trước tin đồn một hoạt chất hoá học trong thuốc đánh răng có khả năng gây ung thư.

Câu chuyện triclosan trong các chất tẩy rửa bắt nguồn từ nghiên cứu mới đây, 2/4/2005, của nhóm các nhà khoa học ở Học viện Bách khoa và Đại học Bang Virginia, Mỹ, trước cảnh báo của Hiệp hội Y tế Mỹ.

Nghiên cứu sự hình thành chloroform và chlorinate hữu cơ bởi lượng chlorine dư và chất oxy hoá trung gian của triclosan, các nhà khoa học lấy nước rửa bát (chứ không phải thuốc đánh răng) có chứa triclosan hoà tan vào nước chứa chlorine hàm lượng 40mg/lít, gấp 10 lần hàm lượng bình thường trong nước sinh hoạt theo quy định của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA).

Theo dõi phản ứng giữa hai hoá chất này ở nhiệt độ 40 độ C, các nhà khoa học thấy phải từ phút thứ 10 trở đi, ở nhiệt độ và hàm lượng chlorine trong nước sinh hoạt cao như thế, mới bắt đầu thấy hình thành chloroform (15mg/lít) bị bảo có thể gây ung thư. Lượng chloroform đạt mức cao nhất sau 48 giờ, khoảng 183mg/lit tại pH trung tính, tức nước sinh hoạt.

Các nhà khoa học cũng như y tế Việt Nam hết sức ngạc nhiên khi nhiều người tỏ ra lo sợ về tin đồn một hoạt chất hoá học trong thuốc đánh răng và xà phòng có khả năng gây ung thư cho người dùng.

Ngay cả PGS.TS Lê Văn Cát ở Viện Hoá cũng khẳng định.“Còn lâu triclosan trong các chất tẩy rửa ấy với hàm lượng khống chế và các điều kiện hoá lý bình thường mới có thể gây nguy hại cho con người”.

“Hàm lượng nhỏ như thế và thời gian tiếp xúc lâu như thế còn lâu mới đủ để gây hại cho người dùng nếu biết chloroform rất dễ bay hơi”, một nhà khoa học ở Viện Khoa học&Công nghệ Việt Nam nói.

Nhà khoa học cũng lưu ý đấy là đối với nước tẩy rửa chứ không phải với thuốc đánh răng. Thậm chí cho dù với thuốc đánh răng, cũng không ai đánh răng lâu đến 10 phút và, nhất là, 48 tiếng.

Đã thế, ngay với nước sinh hoạt, bản tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống của Việt Nam căn cứ vào tiêu chuẩn mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 1993 cũng cho phép hàm lượng chloroform có thể lên đến 200ppb, lớn hơn lượng chloroform tạo ra từ nước tẩy rửa trong 48 giờ như vừa nêu trên.

Nếu có cảnh báo, người ta chỉ có thể cảnh báo những người dùng nước tẩy rửa để rửa bát hoặc lau sàn nhà, nhất là những nhà có phòng ăn và phòng ngủ kín gió. Lượng chloroform bay hơi nếu không kịp thoát ra ngoài và nếu tích luỹ đến nồng độ nhất định có thể gây ảnh hưởng cho người sinh sống trong không gian ấy.

Cách tốt nhất là khi lau rửa sàn nhà hoặc rửa bát bằng nước tẩy rửa có chứa triclosan, cần mở thông thoáng cửa cho đối lưu không khí cho dù hàm lượng chloroform tạo ra rất ít ngay trong điều kiện thí nghiệm trên.

Còn với một số loại kem đánh răng như Colgate, Palmolive, Close- up, v.v..., triclosan với hàm lượng 0,05-2% (theo tiêu chuẩn của EPA), nhỏ hơn nhiều so với trong nước tẩy rửa, càng không có cơ hội gây hại cho người dùng. Đấy là chưa kể chẳng ai đánh răng lại đi uống nước đánh răng.

“Đặt vấn đề nguy cơ ung thư từ triclosan trong thuốc đánh răng chỉ có thể từ những người không hiểu biết hoặc cố tình phục vụ cho mục đích nào đó trong cạnh tranh giống như vụ dầu cọ trong sữa bột hồi nào”, một quan chức ở Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Bộ Y tế, nói. 

MỚI - NÓNG