Vào viện rước thêm bệnh

Vào viện rước thêm bệnh
TP - Theo điều tra, cứ 10 người vào viện thì có một người rước thêm bệnh từ chính bệnh viện trong khi 60% y, bác sỹ vẫn hiểu biết rất lơ mơ về việc chống nhiễm khuẩn từ bệnh viện cho bệnh nhân.
Vào viện rước thêm bệnh ảnh 1
Nếu không cẩn thận thì dụng cụ y tế có thể là một nguồn lây bệnh

TS Nguyễn Việt Hùng,Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn BV Bạch Mai cho biết nghiên cứu 22 đề tài khoa học về lĩnh vực này trong 10 năm và khảo sát các bệnh viện tại miền Bắc cho thấy, thực trạng người bệnh bị nhiễm khuẩn từ chính bệnh viện ngày càng gia tăng.

Tại 5 bệnh viện lớn của Hà Nội, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện đều trên 10%. Trung bình thời gian nằm viện của bệnh nhân do bị nhiễm khuẩn bệnh viện theo đó sẽ tăng thêm 12 ngày so với thông thường. Kèm theo đó, chi phí điều trị cho những bệnh nhân này cũng tăng thêm 2 - 3 triệu đồng/ca.

Tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện còn dẫn đến một hệ quả nguy hiểm khác là bệnh nhân phải dùng thêm nhiều loại kháng sinh cùng lúc để trị bệnh, nhiều ca phải dùng cùng lúc 5-10 loại kháng sinh. Chi phí sử dụng kháng sinh không chỉ là gánh nặng cho bệnh nhân mà nguy hiểm hơn, việc dùng kháng sinh không đúng cách dễ làm vi khuẩn kháng thuốc.

Vẫn theo TS Hùng, sự “thờ ơ” với chống nhiễm khuẩn bệnh viện còn khiến Việt Nam trở thành một trong những nước sử dụng thuốc kháng sinh nhiều và tùy tiện nhất thế giới.

10 năm và 3 bản quy chế “ngủ yên”

Đối với các nước có nền y học hiện đại, chống nhiễm khuẩn bệnh viện đã được quan tâm sâu sắc từ thế kỷ 19. Việc mỗi bệnh viện cần phải có một khoa chống nhiễm khuẩn là chuyện đã có từ những năm 50, 60 của thế kỷ 20. Nhưng ở Việt Nam, công tác chống nhiễm khuẩn mới được ghi vào quy chế chính thức của Bộ Y tế  từ năm 1997 và thực tế triển khai thì rất ì ạch.

Từ năm 1997 đến nay, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành tới 3 chỉ thị về công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện. Những chỉ thị ấy đã giúp mang lại một con số 94% bệnh viện thành lập  khoa chống nhiễm khuẩn.

Song, khảo sát của chính Bộ Y tế thừa nhận, chỉ có 15% số khoa chống nhiễm khuẩn hoạt động thực sự có hiệu quả. Còn lại hầu hết mới chỉ dừng ở dạng “có để mà có”.

Hiện nay, ngành y tế vẫn chưa chỉ đạo và thống nhất được mô hình, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động chống nhiễm khuẩn của khoa này ra sao. Còn tới 60% nhân viên y tế nhận thức chưa đúng về chống nhiễm khuẩn.

Một khảo sát tại BV Chợ Rẫy (TPHCM) cho thấy, trung bình mỗi bàn tay có  tới gần... 270.000 vi khuẩn. Đa số vi khuẩn gây nhiễm khuẩn nằm trên da người bệnh và khi bác sỹ khám, chữa bệnh, lượng vi khuẩn này sẽ dễ dàng xâm nhập cơ thể.

Tuy nhiên có tới 97% nhân viên y tế lười rửa tay trước khi khám bệnh. Cứ 10 nhân viên y tế, chỉ có 3-4 người chịu rửa tay sau khi khám bệnh cho bệnh nhân. Mỗi ngày, nhân viên y tế khám bệnh cho hàng chục người nhưng chỉ rửa tay có 3 - 5 lần!

Trong 29 khoa lâm sàng thuộc khối ngoại, sản, cấp cứu của 9 bệnh viện tuyến Trung ương và tỉnh tại khu vực phía Bắc được khảo sát, chỉ có 2,3% số bệnh viện là có lavabo (chậu rửa) đủ phương tiện vệ sinh bàn tay.

GS-TS Trần Quỵ, Giám đốc BV Bạch Mai cho biết: Rửa tay là một giải pháp chuyên môn có thể làm giảm tới 50% nguy cơ nhiễm khuẩn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, trong các văn bản của ngành y tế, chỉ có vài ba dòng đề cập “y bác sỹ phải rửa tay khi khám chữa bệnh”. Đề ra rồi cũng chẳng ai kiểm tra, nơi nào thích thì làm, không làm cũng chẳng sao. Chưa ai bị phạt, kể cả khi có bệnh nhân tử vong vì nhiễm khuẩn từ bệnh viện. 

Bộ Y tế vẫn thờ ơ

Quá bức xúc trước hàng loạt những vấn đề của công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện ở Việt Nam, tại hội nghị “Tổng kết công tác vệ sinh bàn tay trong bệnh viện” do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản và BV Bạch Mai tổ chức mới đây, hầu hết ý kiến của các chuyên gia đã vượt khỏi phạm vi về “rửa tay” và đề cập chủ yếu đến chống nhiễm khuẩn.

Ông Hiroshi Ohara - Cố vấn chính sách của Bộ Y tế khuyến nghị: Ở các nước phát triển, chống nhiễm khuẩn là một nhân tố quan trọng trong công tác điều trị. Nhân viên y tế phải được cấp chứng chỉ về chống nhiễm khuẩn mới được hành nghề. Y bác sỹ phải rửa tay, diệt khuẩn mới được khám bệnh.

“Trong khi ở các nước đang phát triển, tỷ lệ các bệnh truyền nhiễm còn rất cao nhưng công tác phòng chống nhiễm khuẩn lại chưa được chú trọng là điều hết sức lo ngại, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc trong lĩnh vực này” - Ông Hiroshi Ohara nói.

Ông Trần Minh Như Nguyễn - Chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về chống các bệnh truyền nhiễm cho biết sẽ đề xuất với WHO để có chính sách quan tâm hơn, cùng Bộ Y tế Việt Nam giải quyết những câu hỏi mà công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện đang đặt ra.

GS-TS Trần Quỵ, Giám đốc BV Bạch Mai kiến nghị: “Đã đến lúc Bộ Y tế cần ban hành cơ chế, chính sách hiệu quả hơn về chống nhiễm khuẩn, sớm có chuẩn quốc gia về chống nhiễm khuẩn. Trong thời gian tới, Việt Nam nên xây dựng “Hiệp hội chống nhiễm khuẩn” để tổ chức, định hướng hoạt động này cho hiệu quả và thành lập “Trung tâm chống nhiễm khuẩn” ở một số bệnh viện lớn”.

Tuy nhiên, những số liệu nóng cũng như những kiến nghị đầy tâm huyết trên có thể đến được với Bộ Y tế khi mà tại hội nghị trên, các chuyên gia từ Nhật Bản hay từ WHO, lãnh đạo các bệnh viện xa xôi như Lào Cai, Hoà Bình, Quảng Ninh… đều đến dự thì các quan chức của Bộ Y tế, trực tiếp là Vụ Điều trị vẫn vắng mặt.

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.