Việt Nam có triển vọng chấm dứt đại dịch HIV/ AIDS

Việt Nam có triển vọng chấm dứt đại dịch HIV/ AIDS
TPO - “Sự ra tay tích cực của Chính phủ Việt Nam và một số tổ chức quốc tế sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng nhổ tận gốc đại dịch HIV/AIDS. Tuy nhiên, đây là việc không hề dễ dàng chút nào”
Việt Nam có triển vọng chấm dứt đại dịch HIV/ AIDS ảnh 1
Ông Mitchell Wolfe, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng dịch bệnh tại Việt Nam

Ông Mitchell Wolfe, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng dịch bệnh (CDC) Mỹ tại Việt Nam đã nhận xét như vậy trong cuộc trao đổi với Tiền Phong.

Xin ông cho biết vai trò CDC tại Việt Nam ?

Như các bạn đã biết, tháng 6/2004, Việt Nam trở thành nước trọng điểm duy nhất của châu Á và  thứ 15 của thế giới của Kế hoạch Khẩn cấp cứu trợ AIDS của Tổng thống Mỹ George Bush.

Mitchell Wolfe bắt đầu làm việc cho Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) tại Việt Nam từ 2004. Trước khi sang Việt Nam, ông làm việc cho CDC tại Atlanta, Mỹ.

CDC có văn phòng tại khắp thế giới. CDC tại VN có 30 nhân viên, trong đó  có 27 người làm việc cho văn phòng tại Hà Nội và 3 người tại thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Kế hoạch này, Việt Nam được hỗ trợ 17,4 triệu USD trong năm tài chính 2004; 27,6 triệu USD trong năm 2005 và 34 triệu USD trong năm 2006 cho chương trình phòng ngừa, điều trị và chăm sóc các bệnh nhân HIV/AIDS toàn diện .

CDC tại Việt Nam phân bổ khoản tài trợ này  cho các cơ quan, tổ chức chuyên trách về HIV/AIDS tại Việt Nam như Bộ y tế Việt Nam, UN AIDS và WHO...

Chúng tôi đã hỗ trợ cho 40 tỉnh thành của Việt Nam, trong đó tập trung vào 6 tỉnh, thành có nguy cơ HIV/ AIDS cao là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh , An Giang, Cần Thơ.

Đó là các dự án chăm sóc sức khỏe, mua thuốc chữa bệnh và các chương trình điều trị. Hiện nay, chúng tôi hy vọng có thể tổ chức một số những hội thảo về năng lực quốc gia trong phòng chống  HIV/AIDS.

Ông có nhận xét gì về tình hình HIV/AIDS tại Việt Nam?

Tôi cho rằng, Việt Nam có triển vọng nhanh chóng chấm dứt được nạn dịch này bởi có sự ra tay tích cực của Chính phủ Việt Nam và một số tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên, để nhổ tận gốc đại dịch này không hề dễ dàng chút nào và không biết đến bao giờ bởi nó lây lan rất nhanh nếu chúng ta không nhanh chóng có những biện pháp ngăn chặn toàn diện.

Việt Nam và Mỹ có nhiều tiềm năng cộng tác nhau để chặn đứng đại dịch này. Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ trong việc chặn đứng đại dịch toàn cầu này.

Điều đó được thể hiện bằng việc ban hành những luật mới,quyết sách mới nhằm hỗ trợ những người có HIV/ AIDS hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên trên thực tế, những người có HIV/ AIDS vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng và được hưởng các dịch vụ. Tôi cho rằng  giúp họ hòa nhập với cộng đồng, chăm sóc và điều trị bệnh là một việc vô cùng quan trọng.

Để có thể đạt được điều này, cần phải tăng cường nâng cao ý thức cộng động hơn nữa, tránh phân biệt đối xử. Ở Việt Nam, sự phân biệt đối xử cũng đã được cải thiện rõ rệt. Người có HIV/ AIDS đã được quan tâm chăm sóc, được cung cấp thuốc chữa bệnh (khoảng 6  triệu USD trong khoản tài trợ Khẩn cấp là để mua thuốc).

Để đạt được hiệu quả cao trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng  chống phân biệt kỳ thị với những người có HIV/ AIDS, báo chí đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

Xin ông cho biết, sự phân biệt đối xử với những người có HIV/AIDS có tồn tại ở Mỹ?

Trước kia,  nước Mỹ cũng tồn tại sự phân biệt đối xử đối với những người có HIV/ AIDS,nhất là đối với trẻ em. Trẻ em không được đến trường, người lớn rất khó kiếm được việc làm.

Nhưng đấy là chuyện trước kia. Bây giờ, cái nhìn của xã hội Mỹ đối với những người có HIV/ AIDS đã cải thiện hơn rất nhiều, tất nhiên vẫn còn ở một vài nơi.

Để xóa đi sự kỳ thị đối với những người có HIV/AIDS thật chẳng dễ chút nào. Người Mỹ đã nỗ lực rất nhiều bằng việc tăng cường thông tin trên truyền thông đại chúng. Những người nổi tiếng có HIV/AIDS được thuyết phục xuất hiện trên truyền hình hoặc trên báo chí để nói về những kinh nghiệm và bài học của mình.

Thời gian gần đây, ở Việt Nam, một vài người có HIV/ AIDS cũng đã dũng cảm xuất hiện trước ống kính truyền hình để nói lên những tâm sự và chia sẻ của mình.Đó là những con người cực kỳ dũng cảm. Chúng ta cần có thêm nhiều người dũng cảm như vậy.

Số tiền hỗ trợ mỗi năm một tăng và sẽ còn tăng nữa có đúng không, thưa ông?

Tôi nghĩ để có thể ngăn chặn được đại dịch này, số tiền đó vẫn chưa đủ và hy vọng sẽ còn tăng trong những năm tới. Hiện nay, Việt Nam vẫn còn thiếu những cơ sở xét nghiệm HIV, mà đây là việc làm vô cùng quan trọng giúp phát hiện bệnh sớm, có biện pháp phòng chống và chữa trị kịp thời.

Kinh  nghiệm của tôi cho thấy, nếu chúng ta làm việc càng hiệu quả, chúng ta sẽ càng được hỗ trợ thêm nhiều. Chúng ta càng điều trị được nhiều người có HIV/ AIDS, chúng ta càng nhận được nhiều hỗ trợ.

Xin ông cho biết, kế hoạch sắp tới của CDC là gì?

Chúng tôi sẽ tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ  tối đa cho các chương trình hành động và đưa nó lên tầm quốc gia. Chúng tôi sẽ tăng cường các cuộc hội thảo nâng cao nhận thức cộng đồng, các khóa đào tạo dành cho các y, bác sỹ chuyên khoa, xây dựng phòng thí nghiệm...

Xin cảm ơn ông!

Lan Anh (thực hiện)

Kế hoạch Khẩn cấp Cứu trợ AIDS của Tổng thống Bush (PEPFAR) là bước đột phá đầu tiên của giới lãnh đạo Mỹ đối với căn bệnh toàn cầu AIDS.

Kế hoạch Khẩn cấp Cứu trợ AIDS - một kế hoạch năm năm với số tiền 15 tỷ đô-la Mỹ, là một bước tiến về nhiều phương diện chống lại căn bệnh này trên toàn thế giới. Kế hoạch Khẩn cấp là sáng kiến y tế quốc tế lớn nhất nhằm chống lại chỉ  một căn bệnh mà chưa từng có quốc gia nào đảm nhận.

Công việc của Mỹ tại những nước này là đóng góp thêm vào những nỗ lực đa phương quan trọng nhằm chống lại căn bệnh AIDS thông qua Quỹ Toàn cầu mà Mỹ là nước tài trợ lớn nhất với khoảng 30 % nguồn lực.

Việt Nam là một trong số 15 nước trọng điểm của Kế hoạch Khẩn cấp, số người nhiễm HIV/ADIS ở 15 nước này chiếm khoảng 50 % tổng số người nhiễm HIV/AIDS trên toàn thế giới.

MỚI - NÓNG