Hạn chót rời chợ Nga, người Việt vẫn 'chờ xem'

Hạn chót rời chợ Nga, người Việt vẫn 'chờ xem'
TPO - Nga nhiều tháng qua quyết liệt chuẩn bị cho ngày 1/4 : thời hạn cuối cùng mà những người bán hàng nước ngoài phải rời khỏi chợ bán lẻ. Trong khi đó, tới tận ngày 31/3, thái độ “chờ xem” vẫn đang ngự trị trong tâm lý của người Việt. Ghi nhận của CTV TPO từ Mátxcơva.
Hạn chót rời chợ Nga, người Việt vẫn 'chờ xem' ảnh 1
Chợ Vòm (Mátxcơva), mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Ảnh : QV

Cộng đồng Việt Nam ở Mátxcơva dường như không quan tâm đến sự chuẩn bị ráo riết của nước Nga, ít bị tác động trước thông tin đồng bào mình ở các địa phương đã mất hay sắp mất chỗ kinh doanh. Nhìn chung, ai vẫn giữ nguyên chỗ quen thuộc của người ấy.

Chợ Vòm, “trái tim thưong mại” của tất cả các chợ bán lẻ ở Nga, vẫn hoạt động bình thường. Có chăng chỉ là các “công” (côngtơnơ bán hàng) không còn giá trị chuyển nhượng và một số người kinh doanh không kham nổi thuế cùng các chi phí khác vốn rất lớn nên đã bỏ chợ.

Số đông còn lại không tin rằng sẽ có sự biến động nghiêm trọng sau ngày 1/4. Nhiều người khẳng định họ sẽ không thuê người Nga bán hàng vì “sẽ không có lãi” và hơn nữa “điều này cũng không cần thiết”. Phần lớn có “nghe loáng thoáng” về Luật chợ bán lẻ song cho rằng việc cấm người nước ngoài bán hàng khó thực thi trên thực tế.

Thái độ tự tin này có lẽ là do sau một thời gian ồn ào ngay sau khi các quy định mới về nhập cư và chợ bán lẻ tại Mátxcơva mọi việc lại lặng lẽ trôi theo dòng chảy của nó. Trong quá khứ nước Nga cũng đã nhiều lần đưa ra những quy định hạn chế người nước ngoài kinh doanh tại chợ nhưng sau một thời gian “đâu lại vào đấy”.

Ban quản lý các khu chợ đã thông báo về việc phải thuê người quốc tịch Nga bán hàng sau ngày 1/4 và sẵn sàng làm dịch vụ giới thiệu người bán hàng Nga. Người Việt hầu như không phản ứng với lời đề nghị này.

Tại “ốp” (thương xá) Tôgi những người bán hàng đều lắc đầu khi được hỏi: “Ngày mai anh (chị) có thuê người nước ngoài bán hàng không?”. Một số người thậm chí tỏ thái độ khó chịu khi nghe đến cụm từ “mồng một tháng Tư”.

Thậm chí, một chị vặc lại phóng viên Việt Nam: “Mồng một tháng Tư là cái gì mà phải sợ. Đó là chủ nhật, ngày “tít” (bạn chạy) nhất của chúng tôi. Thế thôi”. Có người giải thích rằng ban quản trị “ốp” đã trấn an rằng sẽ “không có chuyện gì hết”, mọi sự chỉ do “báo chí rỗi việc dựng ra”.

Hạn chót rời chợ Nga, người Việt vẫn 'chờ xem' ảnh 2
Một của hàng cắt tóc của người Việt tại Mátxcơva. Ảnh : QV

Tại “ốp” Xalút 3 một thời nức tiếng bầu không khí trùng xuống. Nghe nói sắp tới “ốp” sẽ đóng cửa. Nhưng bà con lại nói rằng không phải do “ông mùng một tháng Tư” mà là do chi phí cao, kinh doanh đi xuống và các đợt kiểm tra thường xuyên của cảnh sát kinh tế.

Tại “ốp” Sông Hồng mới mở trở lại sau gần 3 tháng đóng cửa bà con kinh doanh có vẻ bình tĩnh trước hạn 1/4. Họ nói rằng “ốp” đã được cải tạo thành “trung tâm thương mại” nên không phải thuê người Nga bán hàng, cấm người nước ngoài bán hàng chỉ áp dụng cho chợ bán lẻ. Tuy nhiên, những người bán hàng không giải thích được “ốp chợ” và “trung tâm thương mại” khác nhau ở chỗ nào…

Nói tóm lại, thái độ “chờ xem” đang ngự trị trong tâm lý của người Việt tại Mátxcơva. Chờ một phép màu nào đó. Nhưng nếu phép màu không đến? Hơn 3 tháng qua phần đông không làm gì để hạn chế những thiệt hại từ việc phải rời địa điểm buôn bán quen thuộc, trở thành “người kinh doanh bất hợp pháp” chỉ sau một đêm.

Nước Nga sẵn sàng

Chúng ta hãy “lướt qua” các chủ thể của LB Nga để xem họ đã kịp làm những gì trước khi ngày đầu tiên của tháng Tư ập đến.

Tỉnh Mátxcơva: Sở thị trường tiêu dùng và dịch vụ Mátxcơva khẳng định sẽ không có chuyện giá cả tăng vọt sau ngày 1/4, khi người nước ngoài phải rời các chợ. Từ ngày 1/2/2007 số chợ sử dụng nhân công nước ngoài giảm từ 84 xuống còn 80, số cơ sở kinh doanh sử dụng nhân công nhập cư giảm từ 1.957 xuống còn 1.429, bản thân người nước ngoài giảm từ 5.286 xuống còn 3.548.

Trong đó người Hoa chiếm 23%, người Việt 8,3%, người Ucraina 19,8%, người Azerbaijan 18,3%, người Mondova 11,3%... Từ ngày 1/4 các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra các chợ để phát hiện các trường hợp vi phạm.

Tỉnh Astrakhan: Tại các chợ thực phẩm người Aderbaijan, Tadjikistan, Uzbekistan phải rời bỏ vị trí kinh doanh của mình vì hợp đồng lao động bị hủy. Nhưng người Astrakhan sẽ không cảm nhận được điều đó vì đến nay lao động nhập cư ở chợ chỉ chiếm có 3%.

Hàng sẽ không khan hiếm, giá không tăng. Sở di trú của tỉnh đã khẳng định như vậy. Các chợ bán hàng công nghiệp cũng vậy. 110 người Việt đã rời khỏi chợ Kirov. Người nước ngoài vi phạm Luật về chợ bán lẻ bị phạt từ 2.000 đến 5.000 rúp (100 USD đổi 2.600 rúp), mức phạt đã tăng 8 lần so với trước đây.

Các thể nhân sử dụng lao động nhập cư bất hợp pháp bị phạt 40.000 đến 50.000 rúp, còn với các pháp nhân mức phạt mới “khủng khiếp” - từ 300.000 đến 800.000 rúp.

 Tỉnh Khabarovsk: Về mặt lý thuyết hàng Trung Quốc tại các chợ sẽ tăng vì người nước ngoài phải chi thêm tiền thuê người Nga bán hàng thay họ. Mà người Nga lấy tiền công không rẻ. Nhưng trên thực tế người nước ngoài tại các chợ bán lẻ đã không còn. Không một chủ  chợ nào muốn nộp 800.000 rúp cho một lao động nhập cư bất hợp pháp.

Còn việc người nước ngoài chuyển sang các trung tâm thương mại thì cơ quan chức năng sẽ quyết định cơ sở nào đủ tiêu chuyển để gọi là “trung tâm thương mại”. Ngày 1/4 các cơ quan chức năng có cuộc kiểm tra tổng thể.

 Tỉnh Ivanov: Sở di trú tỉnh tuyên bố địa phương đã chuẩn bị tuân thủ nghị định 638 của chính phủ. Người nước ngoài đã rời chợ bán lẻ trước những ngày cuối cùng của tháng 3, hiện chỉ có 20 – 30 người trong tổng số 1.200 quầy hàng.

Việc không còn người nước ngoài nào kinh doanh tại chợ sau ngày 1/4 sẽ không gây tăng giá, sẽ không có sự biến động nào trong cuộc sống của người dân.

 Tỉnh Nijegorod: Sở hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp tỉnh khẳng định rằng sau ngày 1/4 sẽ không có chuyện thiếu người bán hàng tại các chợ. Cũng không xảy ra việc khan hiếm hàng hóa.

Tại địa phương có 932 người nước ngoài có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực thương mại, nhưng sau 1/4 không còn người nước ngoài nào được kinh doanh tại các chợ bán lẻ.

 Tỉnh Vologda: Luật cấm người nước ngoài kinh doanh tại các chợ sau ngày 1/4 không ảnh hưởng gì đến việc lưu thông hàng hóa bởi vì đến cuối tháng 3 ở địa phương chỉ có 6% lao động nhập cư.

Từ sau 15/1 Sở di trú tỉnh không cấp phép bán hàng cho bất cứ người nước ngoài nào. Điều này không có nghĩa là chỉ có người mang dáng vẻ Xlavơ buôn bán ở chợ. Có cả người phương Nam, người Tátgikasatan, Armenia, Gruzia. Họ kinh doanh tại chợ từ lâu và đã có quốc tịch Nga.

 Nước CH Buriatia: 157 hợp động với nhân công nhập cư đã bị hủy từ đầu năm. Hiện giờ tại các chợ bán lẻ có 125 người nước ngoài, trong đó 72 người hoạt động trong các lĩnh vực không chịu tác động của nghị định chính phủ. Sau 1/4 tại địa phương sẽ dôi ra 400 chỗ bán hàng mà người nước ngoài bỏ lại. Các công dân Nga sẽ thế vào.

 Nước CH Ingushetia: Bộ di trú nước cộng hòa khẳng định không có vấn đề gì trong việc thực hiện Luật về chợ bán lẻ. Mọi cơ sở kinh doanh và người nước ngoài đã được thông báo về mức phạt nếu phạm luật. Không một chủ chợ nào dám cho người nước ngoài nào kinh doanh ở chợ.

 Khu Altai: Ngày 2/4, ngày làm việc đầu tiên của tháng Tư, sẽ có cuộc kiểm tra tổng thể các chợ thực phẩm và chợ bán lẻ tại địa phương để phát hiện người bán hàng nước ngoài. 100% các chợ sẽ được kiểm tra đồng loạt chỉ trong một ngày. Trong mấy tháng qua từ chỗ 900 người bán hàng nước ngoài tại các chợ rút xuống còn không quá 10 người. Chỗ bán hàng do lao động nhập cư bỏ lại sẽ được phân cho công dân Nga.

 Tỉnh Perm: Trong tổng số 20.700 người kinh doanh tại các chợ tính đến ngày 31/3, trong đó người nước ngoài chỉ còn 397 (Việt Nam có 7 người, Trung Quốc có 146 người). Các cơ quan chức năng sẽ theo dõi chặt chẽ để sau ngày 1/4 không còn người nước ngoài đứng sau quầy hàng tại các chợ bán lẻ. Hiện tượng tăng giá không xảy ra.

 Tỉnh Chita: Sau ngày 1/4 tại địa phương 897 người Hoa sẽ tiếp tục làm việc nhưng với tư cách là các chủ đại lý. Còn việc bán hàng sẽ do các bà già Nga đảm nhiệm. Luật về chợ bán lẻ sẽ được thực hiện triệt để.

 Tỉnh Kamchatka: Đến cuối tháng 3 gần như không còn người nước ngoài bán hàng tại các chợ của địa phương. Từ ngày 1/4 chỉ có công dân Nga và người nước ngoài có “thẻ xanh” (cư trú lâu dài) mới được đứng sau quầy hàng. Người Hoa đã rút khỏi tỉnh trong mấy tháng qua. Các cuộc kiểm tra vẫn được tiến hành để phát hiện người nước ngoài “bán hàng chui”.

 Tỉnh Murmansk: Hiện tại ở địa phương có 10 chợ, 35 trung tâm thương mại, 5 cửa hàng bách hóa… với hơn 3.000 chỗ bán hàng. Công dân Nga giữ 99% chỗ bán hàng. Những người nước ngoài đã rời khỏi tỉnh.

 Tỉnh Orenburg: Sở di trú địa phương cam đoan rằng nghị định của chính phủ sẽ được thực hiện đúng hạn. Tỉnh có 100 chợ với 28.000 người bán hàng. Đến tháng 3 số người nước ngoài tại chợ chỉ còn 1,1% và đến 1/4 là 0%. Trong tháng tư chỉ có công dân Nga và người nước ngoài có thẻ cư trú lâu dài mới được bán hàng ở chợ.

MỚI - NÓNG