Phan Thuý Thanh - nữ đại sứ duy nhất của Việt Nam hiện nay

Phan Thuý Thanh - nữ đại sứ duy nhất của Việt Nam hiện nay
“Nữ đại sứ của chúng ta đâu rồi?”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bất chợt hỏi khi không thấy Đại sứ Phan Thuý Thanh đứng cùng khi ngài chụp ảnh lưu niệm với các Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài về dự Hội nghị ngoại giao 24.
Phan Thuý Thanh - nữ đại sứ duy nhất của Việt Nam hiện nay ảnh 1
Đại sứ Thanh cùng các cháu trong hội Tráng sỹ dạo biểu diễn ủng hộ trẻ em nạn nhân chất độc màu da cam trong Gala Dinner.

Khi  nói về điểm sáng trong công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm khẳng định: “Những vụ việc như  Bửu Huy, nếu không có Đại sứ, không thể giải quyết được”.

Cái tâm của nữ đại sứ

Hỏi  về chuyện  ông Bửu Huy, Phó Giám đốc của công ty Agifish bất ngờ bị bắt khi tham dự hội chợ tại Bỉ và bị tạm giam hơn 100 ngày, Đại sứ Thanh luôn từ chối khéo: “Chuyện đã qua rồi em ạ”

Phan Thuý Thanh - nữ đại sứ duy nhất của Việt Nam hiện nay ảnh 2
Đại sứ Phan Thuý Thanh chủ trì  Gala dinner ủng hộ trẻ em là nạn nhân chất độc da cam.  Tổng số tiền thu được là 10.000 euro, tương đương  200 triệu đồng VN.

Không muốn kể lể nhiều về những việc mình làm. Đó là điều mà tôi cảm nhận được sau nhiều lần tiếp xúc với bà, nữ đại sứ duy nhất của Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng, nếu không có những việc cần phải có, không có những mối quan hệ tốt với phía bạn, không có sự giới thiệu một luật sư giỏi nghề của đại sứ Thanh, chưa chắc ông Bửu Huy đã được trắng án tại tòa án Bỉ và chưa chắc đã thoát khỏi nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ.

Đại sứ Thanh nhớ lại: “Khi  Bửu Huy bị bắt, Thục Hạnh, vợ của Bửu Huy gặp mình khóc rất nhiều và nói rằng không thể ngờ rằng chuyến đi đầu tiên sang châu Âu lại xảy ra như vậy, con cái rồi sẽ ra sao đây. Cùng là phụ nữ, nên mình thấy trái tim như đang bị cứa, thấy thương Thục Hạnh kinh khủng. Mình nghĩ rằng, nếu bị rơi vào tình cảnh như vậy, mình cũng không biết  làm thế nào.”

Một ngày sau khi Bửu Huy bị bắt, Đại sứ quán đã vào thăm Bửu Huy. Hai ngày sau đã gửi công hàm tới các cơ quan liên quan. Lúc đầu, rất nhiễu thông tin, ngay cả báo chí trong nước, ngay từ đầu đã cột tội cho Bửu Huy.

Phan Thuý Thanh - nữ đại sứ duy nhất của Việt Nam hiện nay ảnh 3
Đại sứ Thanh (ngoài cùng bên phải) cùng các đại sứ khác trong Gala Dinner

Sau khi trao đổi và có định hướng từ trong nước, Đại sứ quán đã tiến hành các cuộc tiếp xúc trực tiếp và bền bỉ với phía bạn và đã thành công.

Đại sứ xác định , đây không phải là trường hợp của riêng Bửu Huy. Đây là uy tín và danh dự của các doanh nhân Việt Nam trước mắt và lâu dài sau này khi muốn vươn ra thị trườ ng thế giới, nhất là khi VN gia nhập Tổ chức thương mại thế giới.

Cả cuộc đời gắn bó với báo chí đối ngoại

Tốt nghiệp Đại học năm 1974, cô sinh viên ngoại giao Phan Thuý Thanh bén duyên ngay với báo chí khi được nhận về làm việc tại Vụ Báo chí, Bộ Ngoại giao. Từ chuyên viên của Vụ Báo chí, trợ lý cho Người phát ngôn, rồi trở thành người phát ngôn và bây giờ là Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, tại Lucxemburg và tại Liên minh châu Âu, bà là một trong số rất ít người trong Bộ ngoại giao, trong hơn 30 năm công tác (trừ những chuyến đi công tác ở sứ quán bên ngoài ) chỉ gắn bó với báo chí.

Cái duyên đó, cái máu nghề nghiệp đó của bà cũng đã ngấm vào cậu con trai lớn. Hiện cậu cũng đã nối nghiệp mẹ khi thi vào ngành ngoại giao và cũng về làm việc  tại Vụ báo chí.

Đại sứ Thanh thừa nhận: “Tôi may mắn được làm việc trong môi trường tốt từ khi mới ra trường. Báo chí trong ngoại giao đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc của người phát ngôn cũng như với cương vị mới này” và bà luôn nhắc đến những cộng sự của mình ở Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao và ở các sứ quán nơi bà đã công tác với tất cả sự trìu mến và lòng biết ơn về sự hợp tác và tình cảm của họ dành cho mình.

Phan Thuý Thanh - nữ đại sứ duy nhất của Việt Nam hiện nay ảnh 4 Trước kia, tôi rất cảm phục bà Nguyễn Thị  Bình về tài ngoại giao và luôn lấy bà làm tấm gương để phấn đấu.Về kỹ năng đàm phán để Việt Nam gia nhập WTO, tôi đặc biệt  kính phục và ngưỡng mộ Bộ trưởng Trương Đình Tuyển. Trong quá trình Bộ trưởng thương mại Trương Đình Tuyển tham gia đàm phán tại Liên minh châu Âu, tôi vô cùng quí mến về tư cách, sự thông minh và khôn khéo của ông ấy. Tôi đã học hỏi được rất nhiều từ ông ấy về các vấn đề thương mại và kinh tế.Phan Thuý Thanh - nữ đại sứ duy nhất của Việt Nam hiện nay ảnh 5 
ĐS  Phan Thuý Thanh

Nhớ lại những ngày đầu mới vào nghề, không khỏi những bỡ ngỡ. Cô bé Thanh gày gò, bé nhỏ ngày nào được lãnh đạo tín nhiệm đưa đoàn phóng viên báo chí nước ngoài vào miền Nam.

Lúc đó, cô là cán bộ trẻ nhất của Vụ báo chí.Cánh phóng viên nước ngoài tới Việt Nam khi đó đều là những phóng viên kỳ cựu và dày dạn kinh nghiệm, nên cũng có  người cực kỳ khó tính. Việc giải thích cho các phóng viên về những địa điểm không được phép tiếp cận là một tình huống khó xử đối với cô.

Cho dù cô giải thích thế nào, một phóng viên nước ngoài nhất định không chịu. Ông ta cho rằng cô nói dối và  muốn che giấu sự thật. Mà khi ông ta không chấp nhận lời giải thích, cô cũng ...chẳng biết làm thế nào hơn.là ... im lặng và kiên nhẫn. Điều đó khiến người phóng viên càng tỏ ra nghi ngờ.

Khi quay trở ra Bắc,  ông ta phản ánh lại với sếp của Thanh. May sao, trong suốt cuộc hành trình dài ngày đó, các phóng viên khác đều hiểu  tâm tính cô và rất không đồng tình với cách cư xử của người phóng viên kia.

Họ lại bênh Thanh,lại nói tốt về cô với sếp. Đó là kinh nghiệm xử lý tình huống đầu tiên không thành công mà tới giờ Đại sứ không thể nào quên.

Sau này, khi đã làm người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, bà luôn ý thức rằng chỉ cần một lời nói chưa chuẩn xác cũng có thể ảnh hưởng tới nhiều người. Có những lúc, chỉ vì một lời trích dẫn không đúng của một phóng viên nào đó mà bà luôn có cảm giác bị hiểu lầm và thấy buồn ghê gớm.

Công việc dồn dập, gấp gáp của người phát ngôn cũng đã hỗ trợ đắc lực trong vai trò đại sứ. Với các đợt hoạt động lớn giới thiệu về Việt Nam như Tháng Việt Nam trong năm 2006, hoặc như có đoàn cấp cao của Chính phủ sang, sứ quán phải xử lý một núi công việc, có những hoạt động lớn với cả hàng trăm công việc đi kèm.

Thế nhưng, thói quen sắp xếp nhiều việc một lúc đã giúp bà bình tĩnh xử lý công việc, không làm cho nó rối lên. Bà nói: “Đại sứ là công việc của sự tổng hòa của các mối quan hệ”

Là một phụ nữ nhẹ nhàng và chu đáo, Đại sứ Thanh luôn nhận được sự yêu mến và tin cậy của đối tác. Sự dịu dàng của phụ nữ cũng là ưu thế khiến công việc luôn trở nên suôn sẻ. Bởi thế, khi còn là người phát ngôn của Bộ ngoại giao, bà luôn được cánh phóng viên nước ngoài yêu quí và gọi bằng cái tên trìu mến: Madame Thanh.

Quan hệ giữa Việt Nam và Bỉ, cũng như Việt Nam và Liên minh châu Âu có biết bao tiến triển trong thời gian qua, các cuộc đàm phán về tăng quota, bỏ quota cho hàng dệt may, duy trì quy chế ưu đãi thuế quan cho hàng hoá của Việt Nam vào EU, các vụ kiện chống phá giá....

Đó là kết quả của những ngày miệt mài vùi đầu tìm hiểu luật pháp, suy nghĩ để tìm cách vận động hành lang, tìm kiếm thông tin nhằm đóng góp cho quê nhà.

Đằng sau người phụ nữ thành đạt là ... chồng và gia đình  

Phan Thuý Thanh - nữ đại sứ duy nhất của Việt Nam hiện nay ảnh 6

Đại sứ Thanh cùng các Đại sứ tại Bruxelle trong Gala Dinner .

Một người chồng biết cảm thông,  một gia đình luôn giúp đỡ, sẻ chia đã trở thành bệ phóng cho những thành công của đại sứ Phan Thúy Thanh. Cũng may, phu quân của Đại sứ cũng làm việc trong Bộ, nên rất hiểu và thông cảm với công việc của vợ.

Hai vợ chồng bà sống cùng bố mẹ chồng trong nhiều năm nên bố mẹ chồng cũng đã giúp rất nhiều trong việc chăm sóc các cháu nội, trông nom nhà cửa trong suốt hơn 20 năm qua mỗi khi Đại sứ vắng nhà.

Cũng may, sống với bố mẹ chồng rất lâu, sống cùng với các em chồng, cái lối sống “tứ đại đồng đường” của gia đình Việt xưa đã làm cho hai người con đỡ đi cảm giác trống trải, cô đơn mỗi khi mẹ vắng nhà.

Tôi đến thăm nhà Đại sứ vào một tối cuối năm 2006 khi  Đại sứ về nước tham dự Hội nghị ngoại giao lần thứ 25. Bố mẹ chồng Đại sứ tuổi đã ngoại bát tuần, đã khoá cửa ngôi nhà của họ tại một trong những con phố đẹp và cổ kính ở trung tâm thành phố để xuống trông nom giúp gia đình con trai và con dâu khi họ đang ở xa.

Bí quyết của đại sứ để có thể làm tròn công việc gia đình và xã hội: phải tự điều chỉnh mình, trân trọng những gì mình đang có, và điều chỉnh công việc của mình. Chẳng thế mà, khi còn ở trong nước, bận rộn là thế, nhưng cứ đến thứ 7 , chủ nhật là bà dứt bỏ mọi công việc, dành trọn vẹn ngày nghỉ cho gia đình.

Những lúc về nhà, cái thiên chức phụ nữ lại trỗi dậy trong bà: thích nấu nướng và làm đẹp ngôi nhà và đặc biệt là tổ chức những buổi gặp mặt giữa những người thân trong gia đình.

Khi sang Bỉ, không có người giúp việc, mọi thành viên trong gia đình đều cùng nhau làm việc nhà. Người chồng và cô con gái nếu về sớm, có thể giúp bà nấu nướng, nhưng khi nào cả hai đều bận rộn, bà sẽ phải điều chỉnh công việc cơ quan để đảm đương việc nhà.

Tất nhiên, một chút phàn nàn  là điều không thể tránh khỏi khi người vợ, người mẹ luôn bận rộn. Nhưng khi người chồng và các con luôn cảm nhận được rằng, người vợ, người mẹ cũng rất hay áy náy về việc đó và luôn muốn bù đắp cho gia đình, thì mọi việc sẽ nhẹ nhàng đi rất nhiều.

Khi cả bốn người trong đó có ba nhà ngoại giao cùng một sinh viên kinh tế cùng ngồi với nhau thì với họ chỉ đầy ắp tiếng cười. Cả bốn người đều rất ưa thích các câu chuyện hài hước.

Đôi lúc, đại sứ cũng cảm thấy tiếc vì có quá ít thời gian dành cho gia đình. Có những lúc chuẩn bị đi dự tiệc chiêu đãi buổi tối, cô con gái hỏi mẹ: “Mẹ lại đi à?” khiến bà thấy chạnh lòng. Nhưng biết làm thế nào, công việc ngoại giao là  thế. Tất nhiên, những buổi lễ tân không quan trọng thì bà thường ....cáo lỗi .

“Nếu không có chồng và gia đình hai bên nội ngoại, các con  thông cảm và chia sẻ, làm sao tôi có thể  hòan thành chức trách của người vợ, người mẹ và công chức nhà nước.Với tôi, gia đình là tất cả”  Đại sứ Thanh tâm sự .

Theo Ngọc Ánh
Gia đình

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.