Philip Taylor - Nhà Nam bộ học

Philip Taylor - Nhà Nam bộ học
Đến nay tổng cộng là 15 lần Philip sang Việt Nam, anh đã đặt chân gần khắp Việt Nam, nhưng chủ yếu là những đợt điền dã, có khi kéo dài hàng tháng trời ở các tỉnh miền Tây bằng xe đạp, xe máy, ăn dầm nằm dề cùng nông dân đồng bằng sông Cửu Long.
Philip Taylor - Nhà Nam bộ học ảnh 1

Anh tiếp xúc với hàng ngàn con người thuộc nhiều thành phần khác nhau: chính quyền địa phương, nông dân, tiểu thương, các nhà sư, người dân tộc thiểu số... hiểu và cảm thông sâu sắc với cuộc sống của họ. Anh có mối quan tâm đặc biệt đối với người phụ nữ, người Khmer và Chăm ở Nam bộ.

Những ngày đầu năm 2007, Philip trở lại Việt Nam làm một chuyến khảo sát 3 tuần về các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh nghiên cứu về văn hoá và tín ngưỡng của người Khmer ở đây. Trao đổi với chúng tôi, Philip nói bằng tiếng Việt giọng Nam bộ khá chuẩn.

Tại sao hầu hết những nghiên cứu về Việt Nam của anh lại là vùng đồng bằng sông Cửu Long?

Hồi mới sang Việt Nam, tôi tiếp xúc với người miền Nam dễ hơn vì có nhiều người biết tiếng Anh. Một lý do khác, lịch sử của người Việt ở Nam bộ rất giống với lịch sử của nước Úc. Tôi tự hỏi, phải chăng khi tìm hiểu về văn hoá và lối sống của vùng đất này tôi có thể hiểu hơn về chính bản thân mình.

Đã có rất nhiều nghiên cứu của nước ngoài về miền Bắc Việt Nam (đặc biệt là người Mỹ), có lẽ đã có hơn 10 luận án tiến sĩ về miền Bắc Việt Nam, nhưng ít người quan tâm đến đồng bằng sông Cửu Long.

Hơn nữa, tôi yêu cuộc sống của người nông dân ở đây và rất thích những món ăn của họ như canh chua cá lóc Bạc Liêu, cá bông lau kho tộ, bún nước lèo (Sóc Trăng)... và thích nghe cải lương nữa...

Ấn tượng đầu tiên của anh về người miền Tây?

Philip Taylor - Nhà Nam bộ học ảnh 2

Đặc điểm của người miền Tây Nam bộ là rất cởi mở, họ sống chân thật và khá thực tế. Người miền Tây có thể giải thích một cách đơn giản và dễ hiểu những vấn đề của chính họ. Tóm lại, họ “biết cái mình biết và biết cái mình không biết”.

Mới đây, khi vừa xuống Bạc Liêu, tôi được mời nhậu luôn 3 tiếng đồng hồ, sau đó là... xỉn (cười). Tôi biết đó là thủ tục của dân miền Tây, như vậy là tôi đã được họ chấp nhận.

Tôi cũng từng chung nhiều chuyến xe với những người phụ nữ lớn tuổi đi viếng miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, họ thật thoải mái và thân tình dù chỉ là những người buôn bán, trồng trọt...

Nếu nói một cách khái quát về miền đất này thì...

Miền Tây Nam bộ có nhiều đặc thù về lịch sử, văn hoá, xã hội và kinh tế. Những kinh nghiệm về kinh tế thị trường, đô thị hoá, công nghiệp hoá, sống trong môi trường đa văn hoá và hội nhập với bên ngoài đã có từ lâu, qua nhiều thế kỷ. Họ vốn không chịu ảnh hưởng của chính sách phong kiến lâu đời như Trung và Bắc bộ, nên người Nam bộ dễ dàng hội nhập và tiếp thu nhanh tiến bộ kỹ thuật.

Tôi không đồng tình với một số ý kiến cho rằng, đồng bằng sông Cửu Long là vùng dân trí thấp. Tôi đã gặp rất nhiều người ở đó có thể nói được 4 thứ tiếng là tiếng Việt, Khmer (hoặc Chăm), tiếng Tiều và tiếng phổ thông (Trung Quốc). Có lẽ do những điều kiện riêng biệt nào đó của lịch sử, đã tồn tại nhiều nghịch lý xã hội mà họ không phát huy được...

Philip Taylor sinh năm 1962 tại Canberra – thủ đô nước Úc, hiện đang là giáo sư Nhân học với kinh nghiệm nghiên cứu thực địa và hiểu biết sâu sắc về con người và văn hoá Nam bộ.

Anh lấy bằng tiến sĩ ở Đại học Quốc gia Úc năm 1998 và hiện đang là nghiên cứu sinh tại Viện nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương thuộc Đại học Quốc gia Úc.

Philip nói rất giỏi tiếng Việt, kể cả những phương ngữ Nam bộ, biết một ít tiếng Khmer và tiếng Chăm. Anh là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, biên tập viên về Đông Nam Á cho tạp chí Nghiên cứu châu Á và đang hỗ trợ giám sát chương trình nghiên cứu sinh Đông Nam Á của Đại học Quốc gia Úc.

Theo Sài gòn tiếp thị

MỚI - NÓNG