Tám lần khóc của người sáu mươi năm xa xứ

Tám lần khóc của người sáu mươi năm xa xứ
TP - Lần đầu tiên trở lại Hà Nội sau 57 năm xa cách, nhà báo Nguyễn Phương Hùng của tờ kbchn. com đã khóc thổn thức như đứa trẻ 8 tuổi năm xưa di cư vào Nam. Đây cũng là lần đầu tiên ông trở lại thành phố Hồ Chí Minh sau 36 năm.
Nhà báo Nguyễn Phương Hùng (ngoài cùng bên phải) tại chùa Tây Phương
Nhà báo Nguyễn Phương Hùng (ngoài cùng bên phải) tại chùa Tây Phương.
 

Lý giải cho sự trở về muộn mằn này, ông viết: “ Lúc ra đi, tôi không hề có sự lựa chọn vì bố mẹ dẫn đi đâu thì đi theo đó. Nhưng ngày về quả là một sự suy nghĩ đắn đo. Ngày 30-4-1975 tôi đã bỏ Sài Gòn vì không có sự lựa chọn. Bỏ quê hương xứ sở ra đi là một quyết định không dễ, nhất là ngày đi thì có nhưng ngày về thì không. Đáng nhẽ tôi phải trở về ngay sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ. Ngày đó không về nên nghĩ rằng thôi đã lỡ cho lỡ luôn”.

Dịp phỏng vấn với cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco Lê Quốc Hùng đã làm ông thay đổi thái độ. Chính sự cởi mở của nhà ngoại giao này với lời mời gọi: “Các anh hãy về một lần cho biết”, ông Nguyễn Phương Hùng đã quyết định trở về Việt Nam trong phái đoàn nhà báo Việt tại Mỹ về dự Hội thảo “Bảo tồn Bản Sắc Văn Hoá Việt Nam và giữ gìn tiếng Việt” do Bộ Ngoại giao tổ chức.

Tám lần rơi nước mắt

Những cảm xúc không kìm nén được của người con 57 năm xa quê đã được ông ghi lại trong cuốn hồi ký của mình, một sự liệt kê nhưng đầy cảm xúc.

Lần thứ nhất, khi người nữ tiếp viên hãng máy bay Hàng không Việt Nam loan báo máy bay đang đi vào không phận Việt Nam. Tự nhiên trong lòng nao nao và xao xuyến, tôi cố gắng kiềm chế xúc động bằng cách tập trung tư tưởng định thần nhìn lên trần phi cơ.

Nhưng Vũ Hoàng Lân (chủ nhiệm của truyền hình Phố Bolsa TV một nhà báo ở hải ngoại, cùng đoàn) đã nhìn thấy những dấu hiệu này (có lẽ vì vậy mà Lân đã cố tình ngồi cạnh tôi?) chuẩn bị máy quay phim và phỏng vấn. Hai hàng nước mắt đã chảy dài khi tư tưởng đã mất nghị lực tập trung kiềm chế.

Lần thứ hai, sau khi lấy hành lý và chuẩn bị lên xe khách của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Lân phỏng vấn tôi lần nữa. 57 năm tôi xa Hà Nội khi còn bé tí (8 tuổi) hỏi sao không bồi hồi nhớ lại căn nhà số 8 đường Trịnh Hoài Đức phố Hàng Đẫy.

Tôi còn nhớ những lúc theo cậu út nhảy xe điện lên Ô Cầu Giấy, cắp sách đi học trường Lý Thường Kiệt ăn cháo lòng buổi sáng lạnh, rồi lên chùa Một Cột, sân banh Septo, chợ Con Bò lần lượt hiện ra trước mặt khi đứng ở cổng phi trường Nội Bài. Tháng 8-1954, tôi theo gia đình lên phi trường Bạch Mai di cư vào Nam, chỉ còn nhớ được như vậy trong nước mắt nhạt nhòa.

Nhà báo Nguyễn Phương Hùng (bên phải) tại Vịnh Hạ Long
Nhà báo Nguyễn Phương Hùng (bên phải) tại Vịnh Hạ Long.
 

Lần thứ ba, tại chùa cổ Tây Phương trên đường đi Sơn Tây tôi lại khóc khi nhìn thấy cảnh chùa âm u mang đầy vẻ thoát tục, và dân chúng bán buôn vẫn còn lam lũ. Tôi khóc khi thắp nhang vái Phật dù rằng tôi là một người Công Giáo.

Lần thứ tư, tôi khóc tại đền thờ vua Ngô Quyền, “một đất hai vua” vì oai khí của tổ tiên. Vua Ngô Quyền và vua Phùng Hưng.

Lần thứ năm, tôi khóc khi đang trên tàu ra vịnh Hạ Long qua lời giới thiệu của các anh chị trong ban tổ chức, tôi được biết nơi đây sắp được vào danh sách 1 trong 7 tân kỳ quan thế giới. Quê hương là một thứ tình cảm không hương vị, không thấy, không nghe nhưng như là một lời mời gọi thiết tha đầy tình tự. Tôi khóc và hứa khi về lại Hoa Kỳ tôi sẽ đưa lên website KBCHN địa chỉ để bầu cho Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan của thế giới. Ít ra mình cũng góp được một giọt nước mắt mừng vui.

Lần thứ sáu, tôi khóc khi đặt chân đến phi trường Tân Sân Nhất. Nơi mà 57 năm trước tôi từ Bắc di cư vào Nam và 36 năm trước cũng từ nơi đây tôi đã giã từ để “Bao nhiêu năm rồi mình đã ra đi.” Tôi khóc vì sau 36 năm Tân Sân Nhất quả là một đứa bé đã trưởng thành rộng lớn, sang trọng và đẹp hơn những phi trường ngoại quốc khác như Edmonton, Vancouver, Alberta ...v...v... mà tôi đã có dịp đi qua.

Nguyễn Phương Hùng là chủ trang web kbchn.com có ảnh hưởng trong cộng đồng người Việt tại Mỹ. Tháng 9 năm 2011, ông là thành viên đoàn báo chí Việt tại Mỹ được Bộ ngoại giao VN mời về nước dự hội thảo.

 

Lần thứ bảy tôi khóc khi trở về Long Khánh thăm mộ bố mẹ. Có lẽ đây là trận khóc dài nhất của đứa con bất hiếu ra đi không về chịu tang bố mẹ chỉ vì lý tưởng hão huyền. Tôi đã khóc từ lúc thắp nhang trên bàn thờ trong nhà đứa em út và ngày hôm sau ra thăm hai ngôi mộ bố mẹ đang nằm cạnh bên nhau. Hi vọng ông bà cũng vui khi biết con mình đã thật sự trở về quê hương. Lẽ dĩ nhiên tâm trạng đau lòng não ruột. Đáng lẽ mình nên về khi bố mẹ còn sống phải không?

Lần thứ tám, trên đường từ khu sinh thái Cần Thơ trở về thành phố Hồ Chí Minh, trên xe buýt có đông đủ mọi người. Tôi nghĩ ngày hôm sau chưa chắc đã có đủ anh chị em nên tự động đứng dậy buột miệng xin phép tất cả anh em báo chí trong đoàn được phép đại diện để nói lời từ giã. Tôi cám ơn Ban tổ chức và các anh chị em thuộc ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Lẽ dĩ nhiên tôi không quên cám ơn chính phủ Việt Nam đã có những kế hoạch tổ chức một buổi hội thảo báo chí với đề tài rất phong phú và mang nặng tính dân tộc “Bảo tồn Bản sắc Văn hóa Việt Nam và giữ gìn tiếng Việt”. Nói xong tôi cũng lại bùi ngùi xúc động khi nghĩ đến buổi chia tay ngày hôm sau.

Mới về lại nhớ Việt Nam

“Mới về Mỹ đã nhớ VN quá. Có lẽ Tết tôi sẽ về nữa” - nhà báo Nguyễn Phương Hùng gửi email cho tôi. Ông ao ước một lần nữa trở lại Việt Nam để thực hiện hành trình xuyên Việt. Cuốn hồi ký “Quê Hương và Nước Mắt” đã được ông viết sau chuyến trở về này và hi vọng được tiêu thụ mạnh tại Việt Nam. Hiện ông đang kiếm người bán tác quyền.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG