Tết Việt Nam tại Paris

Tết Việt Nam tại Paris
TPO - Một cái Tết nữa lại đang đến gần. Nhớ ngày này cách đây hai năm, vợ chồng tôi đang vi vu xe máy giữa Hà Nội, hòa mình vào dòng người đi sắm Tết trong. Năm nay, chúng tôi đón Tết với đông đảo bạn bè và cộng đồng người Việt tại Paris (Pháp), trong cái lạnh -âm hai độ C từ gần một tuần trước Tết.

> Du học sinh tại Pháp gói bánh chưng đón Tết 

Paris rộng hơn Hà Nội nhiều nhưng ở những khu ít người châu Á sống hay hoạt động thương mại thì những ngày này vẫn chỉ là những ngày cuối tháng một thường niên. Phải vào đến quận 13 mới thưởng thức được chút không khí bận rộn, hối hả khi năm hết Tết đến.

Các phố chính của quận 13 nườm nượp người đi bộ xem hàng hay tay xách nách mang đồ đạc. Các bãi đậu xe kín chỗ, nhất là vào những ngày cuối tuần.

Quận 13 là quận có mật độ người châu Á đông nhất ở Paris và có lẽ trên toàn nước Pháp. Ở đây, Noel và Tết Tây, người ta không chăng đèn kết hoa nhưng Tết Nguyên Đán thì các đại lộ chính lại rực rỡ ánh đèn, băng rôn và bảng hiệu chúc mừng năm mới bằng nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt.

23 Tết, ngày ông Công, ông Táo về trời, chúng tôi đi chợ ở quận 13, mua sắm ít đồ chuẩn bị Tết. Các cửa hàng đều bán đồ phục vụ Tết: từ lá dong, gạo nếp cái hoa vàng đến bánh chưng, bánh tét, bánh mứt kẹo các loại, hoa mai, hoa đào, cây quất...

Đi chợ Tết giữa tuần sẽ đỡ đông người và có thể có thời gian thoải mái lựa chọn những gì mình muốn mua. Chúng tôi mua ít chân giò về nấu thịt đông, gấc và gạo nếp về nấu xôi, đậu xanh để nấu chè kho và quan trọng hơn cả là hoa đào.

Đào ở đây không được nguyên cành như ở Hà Nội mà chỉ là đào nhánh, nhưng nhánh cũng rất cao và khỏe. Chỉ 2 - 3 hôm sau, cả hai lọ hoa đào nhà tôi đã nở đều và thật đẹp. Thiếu gì thì thiểu, Tết với tôi không thể thiếu hoa đào. Có lẽ bới, từ nhỏ, tôi luôn được bố mẹ dẫn đi chợ hoa Quảng Bá hay phố Hàng Lược (Hà Nội) chọn hoa. Về nhà, bố tôi cắt đi chút xíu chỗ cuối cành rồi đốt nhẹ vết cắt để thông nhựa rồi cắm cành đào lên bàn thờ tổ tiên. Dù đã xa nhà hơn chục năm, ăn hơn chục cái Tết ở nước ngoài nhưng cái nghi thức chuẩn bị cành đào ngày Tết ấy vẫn không phai nhạt trong tôi.

Tết năm nay, nhiều nhóm bạn Việt Nam của tôi ở Paris và các vùng phụ cận tập hợp nhau lại, tổ chức gói bánh chưng. Chúng tôi nhận được nhiều lời hứa tặng bánh chưng, chồng tôi mừng lắm vì anh rất thích món này. Chồng tôi tuy sinh ra và lớn lên ở Pháp nhưng cũng rất thích không khí Tết và đặc biệt là các món ăn ngày Tết: nem, bánh chưng, dưa hành, canh măng khô với miến, xôi gấc..., món nào anh cũng nhiệt tình “chiến đấu”.

Không giỏi tiếng Việt nhưng anh cũng chịu khó mỗi ngày ngồi cùng tôi 30 phút đến một tiếng xem phim hay nghe tin tức thời sự về Việt Nam trên kênh VTV4. Cũng không biết tự bao giờ, hàng ngày, anh đều hát “Tết, Tết, Tết, Tết đển rồi, Tết, Tết, Tết đến trong mọi nhà...” với cái giọng lơ lớ.

Cũng như mọi năm, nhiều lễ hội Tết được cộng đồng người Việt tổ chức tại Paris cũng như trên toàn nước Pháp. Tối 26 Tết, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức tiệc chiêu đãi nhân dịp Tết với bạn bè năm châu và sinh viên, du học sinh, bà con Việt Kiều. Năm nay, hơn 1.000 người đã đến dự và chia sẻ không khí Tết quê nhà trong khuôn viên của Đại sứ quán, tuy không rộng rãi và xa hoa nhưng thật ấm cúng.

Mùng 3 Tết, Hội người Việt Nam cùng với Hội thanh niên Việt Nam tại Pháp (phần lớn là các bạn thanh niên Việt Kiều thế hệ hai sinh trưởng tại Pháp) và các bạn sinh viên phối hợp tổ chức một ngày Tết cộng đồng. Năm nay, Hội có mời một đoàn ca múa nhạc từ thành phố Hồ Chí Minh sang tham gia vào chương trình văn nghệ, trong đó có một số tiết mục đặc biệt tôn vinh ca trù.

Cùng với Hội TW, các chi hội địa phương như Lyon, Marseille, Toulouse... cũng lần lượt tổ chức Tết. Các bạn sinh viên năm nay tổ chức Tết mang tên “Chào Xuân” vào ngày 12 - 2 với một chương trình đặc biệt Miss Xuân 2011 để bầu ra Miss sinh viên Việt Nam tại Pháp của hai năm liền.

Vòng sơ kháo diễn ra hết sức nghiêm túc. Ban giám khảo làm việc hết mình, chọn được 15 thí sinh lọt vào vòng chung kết. Những ngày giáp Tết này và ngay sau Tết, Ban tổ chức và các thí sinh phải hăng say luyện tập và hoàn tất những công tác chuẩn bị cuối cùng.

Trên trang web của Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp (www.uevf.net) cùng các diễn đàn, các mạng xã hội nhộn nhịp những hình ảnh, bài hát cũng như những lời trao đổi nhắn nhủ, động viên, kêu gọi cổ vũ cho các Miss.

Tuy ở nơi xa này không có được cái không khí người người đón Tết, nhà nhà đón Tết nhưng chúng tôi, những người Việt sống xa Tổ quốc vẫn luôn cố gắng tái tạo lại ít nhiều không khí Tết để không quên đi phong tục tập quán của quê hương mình.

Lê Cảnh Chi
Từ Paris, Pháp

Theo Viết
MỚI - NÓNG