Thị trường chứng khoán: Đến mùa săn cá lớn

Thị trường chứng khoán: Đến mùa săn cá lớn
Trong thời điểm thị trường còn đang "đỏ máu" của gần như tất cả các cổ phiếu (CP) niêm yết thì cũng là cơ hội để những nhà đầu tư (NĐT) có kinh nghiệm săn tìm những blue-chips đang bị đẩy giá xuống.

Diễn biến thị trường ngày 15.3 vẫn tiếp tục cảnh "tang thương" với nhóm CP thị giá thấp. Lượng cung ồ ạt được đẩy ra khiến nhịp điệu chạm sàn không có gì là khó đoán. Sàn Habubank, NĐT nào nộp lệnh sau 8h30 đều nhận được câu nhắn nhủ: "Chắc phải khớp phiên 3 anh ạ!".

Hàng chồng phiếu lệnh màu xanh (phiếu bán) dồn cục trước mắt khiến các nhân viên môi giới gần như không thể ngước mắt lên được. Quang cảnh càng thêm vẻ "bi thương" khi rất nhiều NĐT bu quanh bàn trả kết quả với hy vọng lệnh được khớp kịp ngày 14.3.

Khối lượng khớp lệnh 2 phiên vừa qua tương đối lớn nhưng vẫn không đủ để cản được làn sóng bán ra. Việc hiện thực hóa lợi nhuận đang là nhu cầu bức thiết dù phần lớn những NĐT này vẫn đang trong giai đoạn lãi. Tuy nhiên, nhìn khoản lãi cứ "cụt mất" 5% mỗi ngày, thật khó có NĐT "yếu tim" nào cầm lòng được.

Nếu tách khối lượng cung cầu của hai chứng chỉ quỹ VF1 và BF1, lượng chào mua CP chỉ bằng xấp xỉ 37% lượng bán ra. Chênh lệch cung cầu tiếp tục đặc biệt căng thẳng ở một số mã - thể hiện ở hệ số tổng mua trừ tổng bán - như:  BBT (-458.090 CP), BHS  (-475.720 CP), DCT (-842.540 CP), HAP (-448.050 CP), LAF (-402.430 CP), TCR (-612.040 CP)...

Mặc dù không phải toàn bộ nhưng cũng là phần rất lớn trong lượng CP chênh lệch này chất đống ở giá sàn. Trong tình trạng "loạn lạc" như vậy, NĐT muốn đặt lệnh bán sàn cũng không chắc khớp thành công. Ức chế tâm lý từ việc không bán được sẽ càng thúc đẩy nhu cầu bán ra.

Chỉ cần thấy diễn biến tăng trần giảm sàn ồ ạt và quay ngoắt 180 độ cũng đủ thấy xu hướng đầu tư theo phong trào lớn đến mức nào. Một hy vọng khá mong manh là hai ngày cuối tuần đóng cửa thị trường phần nào có thể ổn định nhịp tim của NĐT?

Blue-chips: Đã xuất hiện sức cầu hỗ trợ?

Lẫn trong làn sóng tháo chạy của nhóm CP giá thấp, một số CP thượng hạng đã xuất hiện lượng mua vào giá tốt về cuối phiên.

Quan sát đồ thị diễn biến giá của một số blue-chips như REE, AGF, NKD, GMD, SAM, VNM cho thấy những CP này không có bước tăng nóng thời gian qua (trừ STB). Nguyên nhân là do những CP này đang dao động ở ngưỡng giá tương đối cao và thiếu sức cầu hỗ trợ từ khối NĐTNN (hạn chế về room).

Một số CP còn giảm "ngược dòng" thị trường từ nhiều phiên trước và hầu hết đường diễn biến giá đều đã cắt xuống dưới đường trung bình động ngắn hạn (10 ngày) khá sâu. Một số CP thậm chí sắp gặp ngưỡng đáy hỗ trợ của chu kỳ giảm trước đó như SAM, VNM, AGF, NKD, GMD.

Thực tế diễn biến giao dịch phiên ngày 15.3 đã cho thấy dấu hiệu sức cầu hỗ trợ ở một số CP blue-chips. Thống kê quy mô lệnh vẫn cho thấy nhóm này được bán ra mạnh hơn mua vào và giảm sàn xuất hiện với VSH, VNM, STB, KDC, BMP, FPT, CII.

Tuy nhiên, GMD, NKD đã bật trở lại giá tham chiếu trong đợt khớp lệnh cuối cùng sau khi giảm gần chạm sàn trước đó. NKD có quy mô giao dịch thuộc loại thấp với 67.210 CP bán ra và 94.520 CP mua vào. Dư mua của NKD khá tươi sáng khi vẫn còn gần 5.000 lô từ mức tham chiếu trở lên.

GMD cũng trong tình trạng tương tự và xuất hiện nhiều lệnh bán trên tham chiếu. Mùa đại hội cổ đông sắp tới khả năng sẽ là sức đẩy rất tốt cho nhóm này, nhất là khả năng phát hành thêm hoặc chia thưởng.

Vai trò của NĐTNN trong phiên đã lấy lại được vị thế. Trên 1 triệu CK được khối này mua qua khớp lệnh, tương đương giá trị 113,15 tỉ đồng, tăng 60% so với phiên trước. Các mã chủ lực trong danh sách này là PPC (311.660 CP), VNM (83.730CP), TYA (77.650CP), VSH (73.680CP)... Khối lượng bán ra đạt 1,22 triệu CK, tương đương 159,6 tỉ đồng, tăng 13%. Bán ra mạnh vẫn là các đầu tàu PPC (445.280CP), VNM (135.330CP), VSH (117.000CP)...

Thống kê giao dịch cho thấy tổng cung toàn thị trường tiếp tục tăng 12,7%, đạt 26,1 triệu CK trong khi lượng mua vào giảm tới 37%, chỉ đạt 11,6 triệu CK . Quy mô lệnh bán trung bình tiếp tục tăng so với phiên ngày 14.3 và cao gấp rưỡi quy mô lệnh mua vào.

Theo Nguyễn Hoàng
Lao Động
 

MỚI - NÓNG