Đã qua những ngày sống trong sợ hãi

Trồng rừng trên bãi thải mỏ Hà Tu
Trồng rừng trên bãi thải mỏ Hà Tu
TP - Quảng Ninh, vùng khai thác than lớn nhất nước có nhiều bãi đổ thải khổng lồ lên tới hàng tỷ mét khối đất đá. Tai họa tại bãi thải mỏ than Phấn Mễ đặt ra câu hỏi liệu các bãi thải ở Quảng Ninh có tiềm ẩn tai họa? Đáng mừng câu trả lời là nỗi lo này gần như không còn tồn tại.

> Sáng tạo trẻ ngành than

Trở lại khu 12, phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh), nơi mà ngày 31-7-2008, 15 hộ dân bỗng dưng bị mất nhà cửa vì đập ngăn nước Khe Dè bị vỡ và đất đá bãi thải của Cty than Cọc Sáu tràn xuống vùi lấp.

Cảnh tượng thay đổi rất nhiều. Phía đầu đập bị vỡ giờ là một con đập khổng lồ, chắc chắn vừa được ngành Than đưa vào sử dụng với khả năng chịu lực lớn và quan trọng là cả núi đất thải đã được xử lý với công nghệ mới thu gom nước thải, cắt tầng trồng cây…

Vụ vỡ đập Khe Dè là tai nạn lớn chấn động dư luận và là điểm khởi đầu để nhìn thấy hiện trạng bất cập và sự nguy hiểm của các bãi thải than. Nhiều biện pháp xử lý an toàn và bảo vệ môi trường quan trọng đã được áp dụng từ đó.

Tại TP Cẩm Phả, một mối nguy hiểm khác từng tồn tại và đe dọa tính mạng, tài sản người dân là bãi thải của Cty than Đèo Nai nằm phía trên khu dân cư khu 5, 6, 7 phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả .

Ông Nguyễn Quang Lâm, trú tại tổ 69, khu 5, phường Cẩm Phú cho biết, trước đây bãi thải cách nhà dân khoảng trên 100 m. Bãi thải cao hàng chục mét. Khi các xe đổ thải đổ đất, nhiều hòn đá văng vào nhà thủng mái, thủng tường nhà.

Mùa mưa, là nỗi ác mộng thật sự vì nước từ trên đổ dồn xuống mang theo hàng nghìn khối đất đá chắn dòng chảy con suối phía dưới khiến cả khu ngập lụt.

Nước chảy xiết nhiều lần tràn vào nhà dân và gây sập nhà, cuốn mất đường tiểu mạch của khu dân cư.

Tuy nhiên, nỗi lo này đã giải tỏa khi bãi thải này được cải tạo vào năm 2010. Dưới chân bãi thải là một cái mương khổng lồ bằng bê tông được xây để hứng nước. Nếu bãi bị sạt thì con mương này sẽ hứng toàn bộ.

Phía ngoài mương là đê đất với hàng rào thép để nếu đất sạt vượt qua mương thì hàng rào này ngăn lại. Nhiều người dân khu này cho biết giờ đây họ cảm thấy an toàn không lo sạt lở và ngập lụt nữa.

Cả bãi thải khổng lồ trơ đất đá ngày nào giờ phủ màu xanh của rừng. Không chỉ chân bãi thải được cải tạo, cắt tầng, xây kè bê tông mà đầu đường dành cho ô tô tải chạy lên núi cũng được kè bê tông và có hệ thống thoát nước kiên cố.

Tại Quảng Ninh có hai khu đổ thải lớn là Cẩm Phả phục vụ các Cty than khai thác lộ thiên là Cọc Sáu, Cao Sơn, Đèo Nai và vùng Hạ Long là các Cty Hà Tu, Núi Béo, Hòn Gai.

Đến bãi thải của Cty than Hà Tu tại phường Hà Phong, TP Hạ Long, thấy nó vừa được dừng khai thác và đang trong quá trình cải tạo lại. Ngọn núi đất đá cao chót vót giờ được cắt tầng, trồng cây xanh.

Ông Vũ Tông Nhã, 65 tuổi, trú tại tổ 4A, khu 34 A, phường Hà Phong cho biết, trước đây bãi thải Nam Lộ Phong luôn đe dọa người dân nhất là trong mùa mưa khi đất đá trôi lở thường xuyên vùi lấp đất của hợp tác xã Lộ Phong khiến người dân rất vất vả để cải tạo lại vườn tược. Giờ ngành Than đã dựng đê, xây đập để ngăn đất đá tràn ra đường…

Theo báo cáo của Tập đoàn Than & Khoáng sản Việt Nam, mỗi năm có khoảng trên 200 triệu m3 đất đá được đổ ra các bãi thải.

Theo quy hoạch ngành Than tới năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, các bãi thải sẽ được quy hoạch lại và được cải tạo lại với công nghệ hoàn toàn mới nhằm hạn chế tối đa việc sạt lở và gây ô nhiễm môi trường.

Hiện, hàng loạt các bãi thải lớn đã được cải tạo như bãi thải Ngã Hai - Quang Hanh, Mông Giăng, Đèo Nai, Đông Cao Sơn, thôn Khe Sim, bãi thải 7,8 Hà Tu, Nam Lộ Phong…Công nghệ xử lý bãi thải của Nhật: cắt tầng, xây hệ thống thoát nước, thu nước mặt bãi, bê tông hóa kè, trồng cây xanh…

Ông Bùi Văn Khích, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Than & Khoáng sản Việt Nam cho biết, ngoài nhiệm vụ khai thác than, Tập đoàn đang rất nỗ lực xử lý các vấn đề các bãi thải gây ra.

Mỗi năm, Tập đoàn chi hàng trăm tỷ đồng để thực hiện các dự án bảo vệ môi trường tại và quanh các bãi thải. Sau những nỗ lực của Tập đoàn, giờ đây, tại Quảng Ninh, hầu hết các bãi thải của ngành Than không còn đe dọa bị sạt lở nữa. Những địa điểm nguy hiểm được ưu tiên làm trước và nhiều điểm khác sắp hoàn thành.

Bên cạnh việc cải tạo các bãi thải từ nhiều năm nay, Tập đoàn cùng với chính quyền đền bù di chuyển hàng chục hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao.

Công nghệ xử lý bãi thải mới của Nhật, Hàn Quốc được áp dụng như sau: Cắt tầng với độ dốc dưới 300, cao không quá 30 m. Mỗi tầng đều có hệ thống thu gom nước bề mặt và thoát nước.

Xây kè chắn bê tông, trồng rừng phủ xanh. Theo đánh giá, công nghệ này tuy tốn diện tích, chi phí cao nhưng bảo vệ được môi trường và gần như triệt tiêu khả năng sạt lở. Các bãi thải trước đây dùng công nghệ của Liên Xô đổ thải càng cao càng tốt do vậy người dân sống gần bãi thải luôn gặp nguy hiểm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG