Đồng hành cùng doanh nghiệp để xử lí rác

Ông Võ Văn Hoan (trái) khẳng định TPHCM cùng doanh nghiệp hợp tác để xử lí rác thải.
Ông Võ Văn Hoan (trái) khẳng định TPHCM cùng doanh nghiệp hợp tác để xử lí rác thải.
TP - Việc đô thị hóa nhanh, rác thải tăng từng ngày trong khi đó, TPHCM chủ trương năm 2020 sẽ đóng cửa toàn bộ các bãi chôn lấp rác trên địa bàn. Để “giải mã” bài toán nan giải về xử lí rác trong tương lai và cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) là một trong những đơn vị tiên phong trong việc xây dựng dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, Long An để giải quyết tình trạng trên.

Năm 2020, TPHCM đưa rác về Long An xử lý

TPHCM hiện có nhu cầu xử lý chất thải đô thị, chất thải công nghiệp rất lớn, ước mỗi ngày TP thải ra hơn 7.000 tấn rác thải sinh hoạt, phần lớn chỉ được chôn lấp. Trước đây, theo qui hoạch xử lí rác của TP thì trong năm 2015 sẽ tái chế đến 40% tổng lượng rác, chôn 40% và còn lại là đốt. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì tỷ lệ chôn lấp đã lấn át các công nghệ khác với lượng rác chôn lấp lên đến 75%. Khu Công nghệ Môi trường xanh Long An do VWS làm chủ đầu tư sẽ giải quyết bài toán bức bách này. 

Mục đích ra đời Khu Công nghệ Môi trường xanh không nằm ngoài giải quyết cho quỹ đất TP ngày càng chật chội, giảm phần nào về tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải, mùi hôi.... Đây là Khu xử lý rác được qui hoạch trên diện tích 1.760 ha, công suất thiết kế 40.000 tấn rác thải/ngày, vốn đầu tư giai đoạn I là khoảng 500 triệu USD và thời gian hoạt động của dự án từ 75-100 năm xử lý rác thải cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Thành phố sẽ sớm tiến hành sơ kết, đánh giá và nhân rộng công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn tại các quận, huyện nhằm tăng thêm chất thải có khả năng tái chế, hạn chế chôn lấp trong thời gian tới.

 Ông Võ Văn Hoan - Chánh Văn phòng UBND TPHCM

Ông David Dương - Tổng Giám đốc VWS nói: “Với nguyện vọng và tâm huyết của một Việt kiều sống ở Mỹ, tôi mong muốn rằng thông qua dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh, chúng tôi sẽ được tiếp tục đóng góp cho quê hương bằng tất cả kinh nghiệm và kỹ thuật trong lĩnh vực xử lý chất thải”. Theo ông David Dương khi Khu Công nghệ Môi trường Xanh đi vào hoạt động sẽ xử lý toàn bộ khối lượng chất thải của tỉnh Long An, TP HCM và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để giải quyết bài toán nan giải về ô nhiễm môi trường, tạo môi trường trong lành. Các công nghệ được đầu tư như tái chế, tái sử dụng và tái tạo năng lượng từ rác và giảm thiểu rác chôn lấp không quá 10%. Dự án chính thức đi vào hoạt động vào năm 2020.

Nói về dự án này, ông Nguyễn Văn Được - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết: “Khu công nghệ Môi trường xanh Long An là một trong những dự án cụ thể hóa chủ trương của Long An nhằm phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Giai đoạn III (2025-2065) sẽ xây dựng hoàn chỉnh khu xử lý và khu lưu trú cho cán bộ công nhân viên và khu chuyên gia. Dự kiến khi hoàn thành, Dự án sẽ tiếp nhận và xử lý các loại chất thải thông thường, chất thải công nghiệp không nguy hại, chất thải nguy hại, chất thải điện tử, y tế. Về quy mô, dự án sẽ là trung tâm xử lý rác cho toàn bộ TPHCM, Long An và các tỉnh khác của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt là TPHCM, mỗi ngày TP này thải ra hơn 10.000 tấn rác”.

Đồng hành cùng doanh nghiệp để xử lí rác ảnh 1

Lãnh đạo VWS cho biết họ sẽ chi tiền bồi thường giải phóng mặt bằng 40ha đất để trồng cây xanh cách ly, giảm tải ô nhiễm mùi.

Ngay sau khi đi thị sát Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cũng đã đôn đốc, chỉ đạo UBND TPHCM khẩn trương làm việc với UBND tỉnh Long An để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu Công nghệ môi trường xanh tại Long An.

Cùng nhau “tháo gỡ”

Tuy nhiên, theo ông David Dương, ngoài việc đang tiến hành xây dựng, Khu Công nghệ Môi xanh thì đơn vị cũng đang định hướng về việc hình thành các trung tâm trung chuyển rác ở TPHCM về Long An để tiêu hủy, vì vận chuyển với số lượng rác lớn như trên phải bằng xà lan chuyên dụng với những thùng container vận chuyển rác khép kín là khả thi hơn, phương tiện di chuyển bằng sông mới hạn chế mùi hôi, ảnh hưởng đến người dân… Trong khi đó, muốn vận chuyển được thì cần đầu tư tối thiểu 3-4 trung tâm tiếp nhận trung gian tại TPHCM. VWS trước đó có đề xuất với UBND TPHCM đẩy nhanh tiến độ các dự án này. Nếu chấp thuận, VWS sẵn sàng đầu tư các trung tâm tiếp nhận này vì đây là công nghệ trong tầm tay và khả năng của VWS.

Liên quan đến dự án xử lý rác thải của VWS tại TPHCM, trong buổi làm việc với các nhà máy xử lý chất thải trong Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước trước đó, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã chỉ đạo UBND huyện Bình Chánh phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cùng các đơn vị liên quan nhanh chóng thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi diện tích đất 332ha để thực hiện dự án vành đai cây xanh cách ly theo đúng quy hoạch. Thời hạn để hoàn thành giải tỏa, di dời các hộ dân để bàn giao 40 ha đất cho VWS trồng cây xanh cách ly và xây dựng bến thủy nội địa trong tháng 9/2016. Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 40ha đất do VWS chi trả.

Đồng hành cùng doanh nghiệp để xử lí rác ảnh 2

Ông David Dương (trái) được trao chứng nhận đầu tư Khu Công nghệ Môi trường xanh tại Long An.

Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM tiến hành khảo sát diện rộng trên các địa bàn liên quan thực hiện công tác quan trắc, tổng hợp thông tin, phân tích dữ liệu để giám sát, ghi nhận diễn biến nguồn gốc phát sinh ô nhiễm mùi hôi; làm việc với VWS để xác định rõ việc vận hành hệ thống phân loại, tái chế chất thải, nhanh chóng điều chỉnh, bổ sung các giải pháp đầu tư công nghệ tiên tiến theo hướng tái sinh năng lượng, giảm chất thải chôn lấp. VWS cũng phải điều chỉnh quy trình vận hành, tăng cường các biện pháp kỹ thuật trong quá trình xử lý chôn lấp để khống chế, giảm thiểu mùi hôi đến mức thấp nhất.

Còn tại buổi họp báo định kỳ tình hình kinh tế - xã hội TPHCM 9 tháng đầu năm, ông Võ Văn Hoan - Chánh Văn phòng UBND TPHCM cho biết: “Buổi kiểm tra tìm hiểu nguyên nhân và xử lý mùi hôi có Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cùng đi. Anh em cơ sở cũng rất chủ động, đã có hướng xử lý và gần đây đã  giảm hẳn mùi hôi. UBND TPHCM khẳng định Thành phố và doanh nghiệp sẽ cùng bắt tay nhau thực hiện bằng được các cam kết để dự án đạt được hiệu quả”.

Đồng hành cùng doanh nghiệp để xử lí rác ảnh 3

Mỗi ngày VWS tiếp nhận và xử lý 5 nghìn tấn rác cho TPHCM.

 “Thành phố và doanh nghiệp bắt tay nhau cùng thực hiện các cam kết để dự án khu xử lý chất thải Đa Phước thực sự mang lại hiệu quả. Về phía nhà đầu tư cũng thực hiện cam kết của mình và thành phố cũng thực hiện trách nhiệm giải phóng mặt bằng trồng cây xanh cách ly, sẽ ít nhiều hấp thụ không khí giúp môi trường trong lành hơn. Ngoài ra, thành phố sẽ hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh dự án xử lý chất thải ở tỉnh Long An càng nhanh càng tốt bởi chỉ còn 5-7 năm nữa bãi rác Đa Phước sẽ đầy thì thành phố biết đưa rác đi đâu. Qua đó, TP đang kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng các công nghệ mới hơn nữa, bởi hiện nay nếu không nhanh chóng chuẩn bị cho những năm sau sẽ rơi vào tình thế rất khó khăn trong xử lý rác”.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.