EVN lên phương án ứng phó trước mưa lũ

Công nhân ngành điện sẽ ứng trực đảm bảo cấp điện an toàn và nhanh nhất cho các phụ tải quan trọng. Ảnh: Hoa Việt Cường
Công nhân ngành điện sẽ ứng trực đảm bảo cấp điện an toàn và nhanh nhất cho các phụ tải quan trọng. Ảnh: Hoa Việt Cường
TP - Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An vừa có công điện thượng khẩn gửi các đơn vị yêu cầu khẩn trương thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Các nhà máy thủy điện của EVN cũng cho biết đã sẵn sàng cho mùa mưa lũ năm nay.

Trong công điện gửi các đơn vị thành viên, Tổng giám đốc EVN yêu cầu các đơn vị thực hiện theo chỉ đạo trong công điện của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) về triển khai đối phó với mưa lớn diện rộng kèm gió giật mạnh ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ đồng thời có các biện pháp để chủ động phòng chống, hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Các đơn vị cũng phải triển khai phương án phòng chống để đối phó với đợt mưa lớn diện rộng, xử lý kịp thời các tình huống, đảm bảo an toàn cung cấp điện, an toàn cho người, thiết bị, công trình và an toàn cho nhân dân, chuẩn bị đầy đủ người, phương tiện để khắc phục nhanh các sự cố do thiên tai gây ra. Các đơn vị quản lý lưới điện tăng cường kiểm tra để sớm phát hiện khu vực có khả năng sạt lở đất, ảnh hưởng đến cột, trạm và có phương án xử lý kịp thời.

Các Tổng công ty Điện lực có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đảm bảo cung cấp điện an toàn và ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra, đảm bảo cấp điện an toàn và nhanh nhất cho các phụ tải quan trọng, các trạm bơm tiêu úng, các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn; phối hợp với ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh cung cấp điện dự phòng cho các phụ tải quan trọng khi mất nguồn điện lưới; chỉ đạo các công ty cổ phần thủy điện trực thuộc rà soát kiểm tra công trình, nguồn điện dự phòng, theo dõi sát tình hình thủy văn, vận hành hồ chứa theo quy trình, phối hợp chặt chẽ với các địa phương liên quan, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị, công trình, hồ chứa và vùng hạ du.

Các công ty thủy điện kiểm tra công trình, hồ, đập, nguồn điện dự phòng, theo dõi sát tình hình thủy văn, mưa lũ, lượng nước về hồ, vận hành hồ chứa theo quy trình, phối hợp chặt chẽ với các địa phương liên quan, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị, công trình, hồ chứa, vùng hạ du, đặc biệt là các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Hồng bao gồm hồ thủy điện Lai Châu, Sơn La, Bản Chát, Huội Quảng, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà. Các công ty nhiệt điện tăng cường kiểm tra hệ thống mái che, hệ thống thoát nước mặt, kho nhiên liệu, bãi thải xỉ đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy.

Sẵn sàng ứng phó trước mưa lũ

Theo thông tin từ Công ty Thủy điện Huội Quảng – Bản Chát, ngay từ tháng 4/2016, công ty đã triển khai các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở cả 2 nhà máy. Riêng đối với đợt mưa lũ này, giám đốc công ty sẽ trực tiếp chỉ huy tại Nhà máy Thủy điện Huội Quảng; 1 phó giám đốc chỉ huy tại Nhà máy Thủy điện Bản Chát; các thành viên khác trong Ban chỉ huy PCTT&TKCN của công ty được phân công và giao trách nhiệm cụ thể. “Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi tình hình nước về để vận hành an toàn, hiệu quả nhà máy và đảm bảo an toàn công trình đầu mối”, đại diện công ty cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình, từ tháng 4/2016, công ty đã thành lập Đội xung kích PCTT&TKCN và tổ trực lũ, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, tập huấn quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa lũ cho các chức danh liên quan. Đặc biệt, công ty thường xuyên theo dõi sát kết quả quan trắc tốc độ chuyển dịch công trình, động thái nước, áp lực trong thân và nền công trình, mức độ thẩm thấu của công trình…

Công ty cũng phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương và Công ty Thủy điện Sơn La thường xuyên kiểm tra, giám sát dòng chảy tự nhiên vùng hạ du đập trước, trong và sau khi xả lũ, nhằm đảm bảo an toàn công trình đầu mối và giảm nhẹ thiên tai do lũ, bão gây ra.

Thiệt hại 390 tỷ đồng vì bão số 1 và bão số 2

Theo Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Tập đoàn Điện lực Việt Nam, bão số 1 diễn ra cuối tháng 7 và bão số 2 diễn ra đầu tháng 8 năm nay đã gây thiệt hại cho EVN khoảng 390 tỷ đồng. Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, sau bão số 1 và bão số 2, EVN đã chỉ đạo các đơn vị tập trung xử lý trong thời gian nhanh nhất để cấp điện trở lại cho khách hàng, ưu tiên các phụ tải quan trọng đặc biệt là các trạm bơm tiêu nước chống úng, cứu lúa và khôi phục nhanh cấp điện cho sinh hoạt của nhân dân.

MỚI - NÓNG