Grab áp dụng mức phí mới: Đôi bên cần có cái nhìn đúng đắn và khách quan

Nhiều tài xế GrabBike đã có những ý kiến thẳng thắn và khách quan sau khi Grab thông báo tăng phí sử dụng dịch vụ.
Nhiều tài xế GrabBike đã có những ý kiến thẳng thắn và khách quan sau khi Grab thông báo tăng phí sử dụng dịch vụ.
TP - Giới tài xế công nghệ Hà Nội xôn xao, người đầy bức xúc, người bình tĩnh hơn thì thận trọng lắng nghe và tìm hiểu chính sách đãi ngộ tương lai khi nghe Grab công bố chính thức áp dụng mới mức phí sử dụng ứng dụng là 20%, dự kiến triển khai từ ngày 5/9 tới cho toàn bộ đối tác tài xế ở Hà Nội và TPHCM. Báo Tiền Phong đã ghi nhận nhiều ý kiến phản hồi  đa chiều xung quanh vấn đề này.

Tài xế GrabBike Nguyễn Tiến Long (ngụ quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã chạy hơn 1 năm nay cho hay, trung bình mỗi ngày chạy xe toàn thời gian được trên 400.000 đến 500.000 đồng, nếu trừ đi 15 hay 20% phí sử dụng ứng dụng dịch vụ cho Grab cũng không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập. Theo anh Long, mức thu nhập trên là rất khá và thực tế hơn 1 năm chạy cho GrabBike, gia đình anh đã đỡ vất vả hơn trước, lo được cho con cái ăn học đàng hoàng. Nếu có ý kiến trái chiều có lẽ phần lớn là anh em tài xế mới, thấy tăng thì tâm lý chung là phản ứng thế.

“Anh em tụ tập đông người rồi phản ứng bằng cách tắt ứng dụng, chạy cuốc ảo, đình công hay có những hành động nhằm bôi xấu hình ảnh chính công ty mình làm là tiêu cực, rất không nên và ảnh hưởng đến anh em tài xế khác, làm mất uy tín với khách hàng. Nếu anh em có bức xúc thì tập hợp lại, đưa ra ý kiến chung để phản ánh lên công ty một cách văn minh và đàng hoàng mới là cách xử lý đúng đắn”, anh Long nói.

Tuy nhiên, anh Long cũng mong rằng, thời gian tới, Grab cần có những chính sách quan tâm nhiều hơn nữa quyền lợi anh em tài xế, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của anh em và tạo nguồn thu, nhiều khách hơn để anh em tăng thêm thu nhập.

Cũng là đối tác của GrabBike gần 1 năm nay, chị Trần Thu Thủy (ngụ quận Thanh Xuân) cho hay, trung bình mỗi ngày chạy được 600.000 đến 700.000 đồng, trừ hết chi phí cũng được 400.000 đến 500.000 đồng. Do đó, bản thân thấy việc tăng trên không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập. Theo chị Thủy, việc tăng này cũng mang lại lợi ích cho tài xế vì dịch vụ cũng được nâng cấp lên, tạo thuận lợi cho anh em làm nghề cũng như giúp hình ảnh tốt hơn trong mắt khách hàng. “Việc anh em tài xế phản ứng thái quá những ngày qua không những làm xấu đi hình ảnh chính tài xế GrabBike mà còn “đập đi chính bát cơm” nuôi sống anh em hàng ngày”, chị Thủy buồn bã nói.

Tại TPHCM, nhiều tài xế GrabBike cũng có cái nhìn khách quan về vấn đề trên. Tài xế Đỗ Hồng Vỹ (ngụ quận 12) cho biết cũng đã chạy GrabBike được một năm nay và cũng trong diện sẽ chịu tăng phí sử dụng dịch vụ thời gian tới. Theo anh Vỹ, điều này cũng hợp lý. Công ty hoạt động ngày càng mở rộng quy mô và không ngừng cải tiến để hoàn thiện dịch vụ, đem lại sự hài lòng cho khách hàng thì việc tăng phí cũng là điều dễ hiểu. Mức tăng cũng có thể chấp nhận được.

Tuy vậy, anh Vỹ mong rằng, thời gian tới, Grab nên tăng cước phí mỗi km di chuyển hay có cách nào tăng thu nhập cho tài xế. Hiện nay mức cước phí mà anh em chạy thấp so với công sức anh em bỏ ra. Anh Vỹ đơn cử, bản thân phải chạy liên tục mười mấy tiếng đồng hồ một ngày thì mới có thu nhập khoảng 400.000 đồng sau khi đã trừ hết chi phí.

Trở thành tài xế GrabBike gần 2 năm nay, anh Phạm Văn Sáng (ngụ quận Tân Phú) cho hay, trung bình mỗi ngày chạy xe toàn thời gian được trên 600.000 đến 700.000 đồng, nếu trừ đi 15% phí sử dụng ứng dụng dịch vụ cho Grab; cộng với đó là khoảng 150 nghìn đồng tiền xăng xe, điện thoại và các phí hao mòn khác, mỗi ngày anh thu nhập được khoảng xấp xỉ 500.000 đồng.

Theo đánh giá của anh Sáng, mức thu nhập trên là rất khá. Thực tế gần 2 năm chạy cho GrabBike gia đình anh đã đỡ vất vả hơn trước. Anh Sáng cho biết sẽ tiếp tục gắn bó với nghề.

Theo Grab Việt Nam, việc thay đổi mức phí nhằm đảm bảo một mức phí thống nhất, ngang bằng với mọi đối tác tài xế GrabBike tại 2 thành phố là Hà Nội và TPHCM đồng thời, nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ GrabBike. Mức phí này cũng đã được cân nhắc để vẫn đảm bảo tính cạnh tranh so với các dịch vụ đang có trên thị trường.

Để đồng hành cùng đối tác tài xế, Grab cũng đang áp dụng các chương trình hỗ trợ đặc biệt dành cho đối tác GrabBike như chương trình “Đường đua thần tốc” với tổng trị giá 900 triệu đồng dành cho các tổ đội thi đua với nhau; chương trình thưởng 5% trên doanh thu dành cho top 20% đối tác xuất sắc. Sắp tới, Grab sẽ triển khai thêm chương trình thưởng giờ cao điểm.

“Hiện Grab là công ty duy nhất trên thị trường vận tải ứng dụng công nghệ có bảo hiểm tai nạn cho tài xế và hành khách trong chuyến đi với mức bảo hiểm tối đa 100 triệu đồng/người. Chúng tôi luôn trân trọng và lắng nghe góp ý, phản hồi của các đối tác, đồng thời chúng tôi cũng đang nỗ lực để chất lượng dịch vụ GrabBike ngày một tốt hơn, đáp ứng ngày càng nhanh và đủ nhu cầu của khách hàng cũng như cải thiện thu nhập của đối tác”, bà Nguyễn Thu An, Giám đốc truyền thông Grab cho hay.

MỚI - NÓNG