Hanel DTT hỗ trợ đánh giá chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh

Đại diện lãnh đạo Sở TT&TT Quảng Ninh, Công ty Linagora và Công ty Hanel DTT ký kết bản ghi nhớ hợp tác về phát triển chính quyền điện tử và đào tạo nhân lực phần mềm nguồn mở tại tỉnh Quảng Ninh.
Đại diện lãnh đạo Sở TT&TT Quảng Ninh, Công ty Linagora và Công ty Hanel DTT ký kết bản ghi nhớ hợp tác về phát triển chính quyền điện tử và đào tạo nhân lực phần mềm nguồn mở tại tỉnh Quảng Ninh.
Theo bản ghi nhớ hợp tác được ký ngày 5/9, công ty phần mềm Pháp Linagora và công ty Hanel DTT sẽ hỗ trợ Quảng Ninh đánh giá mô hình chính quyền điện tử của tỉnh, từ đó tư vấn các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống này.

Bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh, công ty Linagora và công ty Hanel DTT về phát triển chính quyền điện tử và đào tạo nguồn nhân lực phần mềm nguồn mở tại tỉnh Quảng Ninh vừa được chính thức ký kết chiều 5/9/2016 tại Hà Nội.

Lễ ký được tổ chức nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp Francois Hollande kéo dài 3 ngày từ 5 - 7/9/2016 nhằm cụ thể hoá nội hàm Đối tác chiến lược hai nước đã ký kết hồi năm2013, làm rõ các hướng hợp tác trên tất cả các lĩnh vực gồm chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng, thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo.

Theo bản ghi nhớ hợp tác mới được ký kết giữa 3 đơn vị, trong thời gian tới, công ty Linagora và Hanel DTT sẽ hỗ trợ Quảng Ninh đánh giá mô hình chính quyền điện tử của tỉnh để từ đó tư vấn các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền điện tử Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, công ty Linagora và Hanel DTT sẽ nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh xây dựng hệ thống Thư điện tử công vụ với hơn 20.000 người sử dụng. Hai công ty cũng sẽ nghiên cứu đề xuất hỗ trợ Quảng Ninh xây dựng Cổng thông tin về du lịch và đối ngoại mang tầm quốc tế.

Cũng theo ghi nhớ hợp tác, tới đây Quảng Ninh sẽ phối hợp với công ty Linagora và Hanel DTT đào tạo phần mềm nguồn mở cho cán bộ chuyên trách về CNTT và sinh viên trường Đại học Hạ Long.

Phát biểu tại lễ ký, ông Nguyễn Quốc Bình - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Hanel nhấn mạnh, giải pháp chính quyền điện tử nguồn mở không chỉ an toàn hơn với tổng chi phí sở hữu hiệu quả hơn mà còn là một phương thức mới giúp các đối tác có thể chia sẻ, học tập cùng phát triển. Trong trường hợp cụ thể này, Hanel DTT và Linagora đã cùng chia sẻ 2 nền tảng của Việt Nam và Pháp trên nguồn mở để mang tới giải pháp tiên tiến, không chỉ dừng lại ở chính quyền điện tử mà còn mở rộng ra nền tảng cộng tác cho một đô thị thông minh.

Ông Bình cũng cho biết, Chính phủ Pháp đã bỏ ra 12 triệu Euro để phát triển nền tảng OpenPaaS để chuyển đổi từ các ứng dụng sang hệ thống cộng tác mạng xã hội, xử lý dữ liệu lớn. Phiên bản 2.0 của OEP do Hanel và DTT phát triển và ứng dụng tại Việt Nam hiện cũng đã có thêm nhiều chức năng như trục tích hợp ứng dụng, trục tích hợp dữ liệu, nền tảng Internet vạn vật...

“Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng những công nghệ này cùng đội ngũ chuyên gia của chúng tôi bao gồm người Việt, người Việt ở Pháp và người Pháp sẽ làm được, làm tốt những yêu cầu của tỉnh Quảng Ninh”, ông Bình khẳng định.

Trao đổi với báo chí sau lễ ký, ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch Công ty Hanel DTT nhận định: “Theo xếp hạng của Liên hợp quốc, Chính phủ Pháp dẫn đầu thế giới về phát triển Chính quyền điện tử là bởi họ đã ứng dụng nguồn mở. Tôi cho rằng, mô hình Chính quyền điện tử dựa trên công nghệ nguồn mở là lựa chọn đúng đắn nhất”.

Theo ông Trung, những đơn vị đầu tư nghiên cứu và triển khai công nghệ như Hanel, DTT và Linagora đều mong muốn được mang tới những mô hình, giải pháp tiên tiến nhất trên thế giới và phù hợp với Việt Nam.

Chủ tịch Hanel DTT cũng cho biết thêm, trước mắt các bên sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng chính quyền điện tử của tỉnh Quảng Ninh và cùng nhau đưa ra nội dung thực hiện theo yêu cầu của Quảng Ninh từ kinh nghiệm của Linagora và Hanel DTT. “Từ đó các bên sẽ lên dự kiến kế hoạch và nguồn lực để thực hiện các đề xuất sau đánh giá và tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ cho nâng cao hiệu quả của chính quyền điện tử và thành phố thông minh của Quảng Ninh”, ông Trung nói.

Tại Việt Nam, TP.Đà Nẵng, TP.HCM, Bộ Giao thông vận tải đang phát triển mạnh về chính quyền điện tử cũng đang triển khai trên nền tảng nguồn mở. Nền tảng chính phủ điện tử nguồn mở (Open Egov Platform - OEP) của Liên danh Hanel DTT là giải pháp chính phủ điện tử dựa trên hệ sinh thái mở. Đây là giải pháp nền tảng nguồn mở duy nhất hiện nay tại Việt Nam do doanh nghiệp Việt xây dựng, đã được ứng dụng thành công tại TP.Đà Nẵng, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp và sắp tới là Hà Nội, Cần Thơ và Quảng Ninh.

Được tích hợp từ các phần mềm mã nguồn mở hàng đầu trên thế giới trong từng thành phần và được thiết kế phù hợp với các hệ thống lớn và yêu cầu của hệ thống chính phủ điện tử, OEP cung cấp kiến trúc dữ liệu theo các quy định của Chính phủ Việt Nam trong từng lĩnh vực nghiệp vụ, với các ứng dụng như: dịch vụ công trực tuyến, hệ thống điều hành và quản lý thông tin trực tuyến, dữ liệu lớn của các đơn vị nhà nước trong quản lý dân cư, y tế, xây dựng, giao thông, văn hóa xã hội...

Nền tảng OEP cũng sẵn sàng cho việc phát triển các ứng dụng trong các cơ quan Nhà nước cho tất cả các cấp hành chính từ cấp Chính phủ (bộ, ban, ngành); cấp tỉnh, thành phố; cấp quận, huyện cho tới cấp phường, xã trên kiến trúc nghiệp vụ thống nhất, dữ liệu tích hợp và sử dụng mã nguồn mở, không có chi phí bản quyền phần mềm.

Trước đó, ngày 11/11/2014, công ty cổ phần công nghệ DTT và công ty Linagora của Pháp đã ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển dịch vụ chính phủ điện tử trên nền tảng chính phủ điện tử nguồn mở (OEP) tại thị trường châu Á.  Được đánh giá là một bước tiến mới trong việc chia sẻ kinh nghiệm về chính phủ điện tử giữa Việt Nam và Pháp nhằm phát triển nguồn mở trong các dự án chính phủ điện tử, theo thỏa thuận, DTT và Ligagora thực hiện trao đổi thông tin, kinh nghiệm và đội ngũ chuyên gia nhằm tích hợp nền tảng OEP và những sản phẩm nguồn mở hàng đầu của Linagora trên thị trường chính phủ điện tử. Bên cạnh đó, cùng với việc DTT, Linagora tham gia vào cộng đồng sản phẩm của nhau, 2 đơn vị cũng chia sẻ các kinh nghiệm thực hiện những dự án chính phủ điện tử tại thị trường châu Á và hợp tác với nhau trong chương trình G2G giữa Việt Nam và Pháp về chính phủ điện tử.

MỚI - NÓNG